Công nghệ đa phương tiện – Ngành mới, nhiều triển vọng

Công nghệ đa phương tiện – Ngành mới, nhiều triển vọng

(GD&TĐ)-Công nghệ đa phương tiện (CNĐPT)là một ngành học hoàn toàn mới ở Việt Nam với nhu cầu nhân lực rất lớn. Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại online đã có cuộc trao đổi với ông cao Minh Thắng – Trưởng bộ môn CNĐPT– Khoa CNĐPT – Học viện công nghệ bưu chính viễn thông, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được cấp Bộ GD&ĐT giấy phép đào tạo ngành này để giúp thí sinh có những hiểu biết cơ bản về ngành học cũng như cơ hội việc làm nếu tốt nghiệp ngành CNĐPT trong tương lai.

>Cơ hội với ngành kỹ thuật hạt nhân

>Cẩn trọng khi lựa chọn ngành Tài chính – Ngân hàng

PV.CNĐPT là một ngành học rất mới mẻ ở Việt Nam. Ông có thể giới thiệu đôi nét về ngành học này?

Ông cao Minh Thắng: Đa phương tiện hay Multimedia là tổ hợp của các phương tiện truyền thông riêng lẻ (âm thanh, hình ảnh, đồ họa, video, văn bản,....) nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động truyền thông. Sự thành công của những "siêu phẩm" như bộ phim Avatar, điện thoại iPhone của Apple, mạng xã hội Facebook, website chia sẻ video YouTube, những đoạn quảng cáo của Heneiken,.... là những minh chứng rất thuyết phục về giá trị của những sản phẩm đa phương tiện, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều ngành dọc trong cả hai lĩnh vực kỹ thuật và nghệ thuật.

Nhu cầu về các sản phẩm đa phương tiện chất lượng cao đòi hỏi rất nhiều nhân lực cho ngành này và tất yếu dẫn đến sự ra đời của ngành đào tạo về CNĐPT. Ngành đào tạo này đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và bắt đầu du nhập vào Việt Nam một số năm gần đây.

Một điều dễ nhận thấy là mô hình đào tạo đại học của Việt Nam hiện nay đang theo hướng chuyên sâu và tập trung theo các ngành dọc tương ứng với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Nhân lực đào tạo ra có kiến thức chuyên môn rất sâu hoặc về kỹ thuật hoặc về nghệ thuật nhưng lại thiếu hẳn khả năng liên kết kiến thức đa ngành, điều kiện tiên quyết để tạo ra các sản phẩm đa phương tiện có chất lượng và giá trị.

Trong bối cảnh đó, dựa trên thế mạnh của một trường đại học hàng đầu về CNTT&TT, năm 2011 HVCNBCVT đã đề xuất một ngành đào tạo hoàn toàn mới ở Việt Nam, ngành CNĐPT và là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được cấp Bộ giáo dục giấy phép đào tạo ngành này.

PV. Sinh viên học ngành CNĐPT có thể làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp, thưa ông?

Ông cao Minh Thắng: Chương trình đào tạo CNĐPT của HVCNBCVT được thiết kế đặc biệt với sự kết hợp cân bằng của nghệ thuật với kỹ thuật mà cụ thể công nghệ thông tin và truyền thông. Với kiến thức nền tàng và kỹ năng được trang bị các em sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nhiều ngành dọc khác nhau (CNTT Viễn thông, giải trí, điện ảnh, truyền hình, thiết kế công nghiệp, quảng cáo hoặc các ngành có liên quan khác như kiến trúc, thời trang....) ở nhiều vị trí khác nhau (giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, đạo diễn, biên tập viên truyền hình, kỹ sư phát triển phần mềm dịch vụ và ứng dụng, kỹ sư thiết kế quảng cáo và mẫu mã sản phẩm công nghiệp....) và có thể làm ra nhiều sản phẩm đa phương tiện khác nhau (game, web, dịch vụ và nội dung trên mạng truyền thông, quảng cáo, phim ảnh, đồ họa 2D/3D,....) Cũng với đặc thù đó, các em sinh viên khi ra trường có thể tùy chọn học lên ở nhiều ngành học ở nhiều lĩnh vực khác nhau tùy năng lực và sở thích. Ngoài kiến thực chuyên môn, các em sinh viên sẽ được trang bị nền tảng kiến thức Tiếng Anh vững chắc (đảm bảo chuẩn đầu ra 450 điểm TOEIC) đảm bảo khả năng tiếp cận với các kiến thức mới nhất cũng như khả năng cạnh tranh các suất học bổng nâng cao trình độ tại nước ngoài.

PV. Được biết, Học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông là trường đầu tiên triển khai tuyển sinh, đào tạo ngành CNĐPT trình độ ĐH từ năm 2011. Ông có thể cho biết, năm nay, trường sẽ tuyển sinh ngành này với bao nhiêu chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh như thế nào, sinh viên ngành này sẽ được đào tạo ra sao, có ưu đãi gì không?

Ông cao Minh Thắng:
Hiện chưa có thông tin chính xác từ Lãnh đạo HVCNBCVT về chỉ tiêu năm 2012 cho ngành CNĐPT tuy nhiên về chiến lược phát triển ngành đào tạo CNĐPT của HV là theo hướng chất lượng cao và trước mắt sẽ tập trung ở quy mô nhỏ để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo.

Một số đặc thù của ngành đào tạo CNĐPT tại HVCNBCVT:

- Sinh viên ngành CNĐPT sẽ được đào tạo rất kỹ lưỡng, bài bản và kiểm soát chặt chẽ đầu ra về tiếng Anh. HVCNBCVT xác định đây là nền tảng để các em sinh viên có thể chủ động cập nhật kiến thức thay đổi chóng mặt về ngành công nghệ đa phương tiện.

- Tư duy sáng tạo, yếu tố sống còn với các sản phẩm đa phương tiện trong bối cảnh cạnh tranh sẽ được chú trọng trau dồi cho sinh viên trong toàn bộ khóa học

- Ngoài kỹ thuật và nghệ thuật, sinh viên ngành này còn được trang bị các kiến thức về quản trị kinh doanh và các kỹ năng mềm (thuyết trình, làm việc nhóm,....) giúp các em có thể thích ứng nhanh nhạy với thị trường lao động sau khi ra trường.

- Đặc thù của HVCNBCVT là một trường đại học trực thuộc doanh nghiệp mạnh là Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT với mạng lưới mạnh và rộng lớn nên các em sinh viên ngành này sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động phát triển và cung ứng các sản phẩm đa phương tiện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

PV. Ông nhận xét thế nào về nhu cầu nhân lực trong ngành này hiện tại và trong tương lai? Cơ hội việc làm cho thí sinh tốt nghiệp ngành CNĐPT sau trường?

Ông cao Minh Thắng: Một ví dụ nhỏ là thị trường viễn thông di động hiện nay tăng trưởng 20%-30% một năm nhưng dịch vụ và nội dung còn rất nghèo nàn (chủ yếu là gọi điện thoại và nhắn tin) với các thiết bị đầu cuối đơn giản và cũng đang có xu hướng bão hòa. Tuy nhiên, trong tương lai khi các thiết bị di động thông minh ngày càng trở nên phổ biến thì không phải số lượng thuê bao mà nội dung trao đổi trên mạng di động mới là yếu tố bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau như truyền hình di động, game di động, thương mại điện tử, thanh toán di động,.... Điều này đã được chứng minh ở hầu hết các nước tiên tiến.

Nhìn rộng ra, Việt Nam với dân số không lâu nữa sẽ là 100 triệu người với hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin ngày càng lớn mạnh sẽ là mảnh đất rất mầu mỡ cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm đa phương tiện và tất yếu kéo theo là nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho ngành công nghệ mang tính "hội tụ" này.

PV. Những thí sinh như thế nào thích hợp để theo đuổi ngành Công nghệ đa phương tiện. Lời khuyên của ông đối với những thí sinh yêu thích lựa chọn ngành học này?

Ông cao Minh Thắng: Theo tôi để theo đuổi ngành này thì trước hết phải có niềm đam mê về công nghệ và nghệ thuật cũng như có khao khát làm ra những sản phẩm đa phương tiện chất lượng cao cho xã hội.

Ngoài ra các bạn cũng đừng quên tìm đọc thêm về Steve Jobs.

PV. Xin cảm ơn ông!

Hiếu Nguyễn (thực hiện)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.