Do vậy, nhu cầu về công nghệ xử lý ủ màu và bảo quản loại quả này rất cấp thiết.
Giải bài toán khó trong xuất khẩu
ThS Trần Thị Kim Oanh và cộng sự tại Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thuộc Viện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch vừa thực hiện thành công “Nghiên cứu quy trình kéo dài thời gian bảo quản chanh dây”.
Chanh dây (Passiflora incarnata) là loại cây dây leo mảnh, quả có mùi vị thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, cung cấp nhiều loại vitamin, hợp chất hữu cơ và giàu dưỡng chất chống oxy hóa, rất có lợi cho sức khỏe.
Theo ThS Trần Thị Kim Oanh, Việt Nam với lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi đã nổi lên như là quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây hàng đầu khu vực và thế giới, đặc biệt là chanh dây tím.
Tuy nhiên, sản xuất chanh dây còn gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc thời tiết, quả chanh dây tươi khó bảo quản, dễ hư hỏng do nấm mốc, vi sinh vật gây hại, đặc biệt hiện tượng nhăn vỏ quả và khi chín màu tím vỏ quả không đồng đều làm giảm giá trị thương phẩm trong quá trình lưu thông phân phối.
Việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn do chất lượng quả chưa ổn định và đặc biệt là thời gian bảo quản ngắn. Cho đến nay, Việt Nam chưa có công nghệ phù hợp ứng dụng để sơ chế, bảo quản quả chanh dây đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước yêu cầu cấp thiết về công nghệ xử lý ủ màu và bảo quản chanh dây nhóm đã thực hiện nghiên cứu trên quả chanh dây tím trồng tại Gia Lai. Nhóm đã xác định được các chỉ tiêu chất lượng cảm quan bên ngoài, sinh hóa và mức độ hư hỏng do nấm bệnh của chanh dây ở các độ chín thu hoạch khác nhau. Đồng thời xây dựng được quy trình ủ màu tối ưu cho chanh dây, với tỷ lệ ủ màu đều 80%.
Tươi như mới hái sau cả tháng thu hoạch
Nhóm đã xây dựng quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch chanh dây tím kéo dài thời gian bảo quản chanh dây được 35 ngày, tỷ lệ quả đạt chất lượng thương phẩm 80%; hoàn thiện thiết kế thiết bị chính (thiết bị xử lý hóa - lý) thuộc dây chuyền sơ chế, xử lý và bảo quản quả chanh dây; chế tạo được 1 thiết bị xử lý hóa - lý cho quả chanh dây, năng suất 40 kg/mẻ, nhiệt độ vận hành 40 - 60 độ C, thời gian xử lý có thể cài đặt tự động, vật liệu của điện trở là inox, công suất gia nhiệt 2,5Kw.
ThS Trần Thị Kim Oanh cho biết, trong mô hình pilot xử lý chanh dây sau thu hoạch, kết quả ủ màu chanh dây cho thấy tỷ lệ quả chuyển màu vỏ tím 100% đạt 79±2%. Kết quả bảo quản chanh dây cho thấy, mẫu chanh dây xử lý theo quy trình công nghệ nghiên cứu giảm đáng kể tỷ lệ quả hư hỏng do nấm bệnh (khoảng 20%), tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn bán hàng sau 35 ngày là 83%, cao hơn mẫu xử lý theo quy trình cũ 20%, tỷ lệ hao hụt khối lượng rất thấp (khoảng 1,2%).
Về chỉ tiêu chất lượng quả sau 32 ngày bảo quản theo mô hình, hàm lượng tổng chất rắn hòa tan và axít tổng số có giảm so với mẫu ban đầu nhưng không đáng kể. Quả sau bảo quản có vị chua nhẹ hơn so với mẫu ban đầu, vẫn giữ được màu sắc tốt, vỏ căng bóng, ít nhăn.
Đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật của quy trình công nghệ xử lý và bảo quản chanh dây sau thu hoạch trên mô hình quy mô 500 kg/mẻ cho thấy, tổng chi phí/mẻ là 1.614.195 đồng.
Chanh dây được xử lý theo quy trình công nghệ của đề tài có chi phí cộng thêm sau khi xử lý và đóng gói là 3.228 đồng/1kg. Chi phí này là chấp nhận được đối với chanh dây xuất khẩu. Chanh dây sau khi xử lý có thể kéo dài thời gian bảo quản, giúp tăng thời gian lưu chuyển trên thị trường, giảm tổn thất do hư hỏng.
Quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch chanh dây đã kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao khả năng tồn trữ và lưu thông thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến trên thế giới đang có xu hướng phát triển đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.