Công khai bằng cấp

GD&TĐ - Chuyện dùng bằng tiến sĩ giả đi dạy đặt ra vấn đề đáng quan ngại trong thẩm định văn bằng chứng chỉ hiện nay.

Mới đây, dư luận xôn xao trước việc ông N.T.H, một ứng viên thử việc vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả.

Trước đó, ông này từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học mà không bị phát hiện. Chuyện dùng bằng tiến sĩ giả đi dạy của ông N.T.H đặt ra vấn đề đáng quan ngại trong thẩm định văn bằng chứng chỉ hiện nay.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng văn bằng giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm như trường hợp ông N.T.H không cá biệt. Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM nơi xác minh văn bằng của ông N.T.H cho biết, thường xuyên nhận được yêu cầu xác minh văn bằng tốt nghiệp người học từ các đơn vị sử dụng lao động bên ngoài.

Kết quả xác minh cho thấy có không ít trường hợp sử dụng bằng giả với đơn vị cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Trên các trang mạng xã hội thời gian qua cũng xôn xao dịch vụ cung ứng văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó có cả bằng tiến sĩ, chứng tỏ nhu cầu mua bằng giả không ít.

Sử dụng văn bằng giả, đặc biệt trong ngành Giáo dục, không chỉ trực tiếp tác động đến chất lượng đào tạo, mà còn làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và sự tôn nghiêm của môi trường học thuật. Vì thế đa số trường học khá thận trọng trong công tác tuyển dụng. Công việc đầu tiên của quy trình này là thẩm định văn bằng, chứng chỉ. Thế nhưng, do những điều kiện khách quan, chủ quan, mỗi trường học đang sử dụng một cách thẩm định khác nhau.

Có trường hoàn toàn tin tưởng vào bản công chứng; trường khác lại tra cứu thông tin văn bằng trên website của đơn vị cấp bằng; có trường yêu cầu ứng viên nộp kèm giấy chứng nhận của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)... Đặc biệt trong bối cảnh một số trường có quy mô tuyển sinh tăng trưởng nóng, nhất là các ngành “hot” mà chưa sẵn sàng đội ngũ, việc thẩm định còn chủ quan, thậm chí chỉ căn cứ trên lý lịch giảng dạy của ứng viên hay giới thiệu từ người quen, thân.

Thực tế cho thấy việc thẩm định văn bằng theo con đường truyền thống (có văn bản xác nhận của nơi cấp bằng) là chắc chắn nhất, nhưng cách làm này tồn tại nhiều bất cập do hệ thống thông tin bằng cấp không minh bạch và thủ tục thẩm tra phức tạp. Nếu chỉ gửi văn bản hay email rồi ngồi đợi thì chưa chắc đơn vị tuyển dụng nhận được phản hồi, hoặc nếu có thì khá chậm. Đó là chưa kể không ít trường hợp hồ sơ văn bằng chứng chỉ chưa được số hóa, mất nhiều thời gian, công sức để xác minh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và xác nhận văn bằng chứng chỉ, nhiều trường đại học, cao đẳng đã tăng cường ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu, người xác minh chỉ cần truy cập kiểm tra trên website. Có trường còn ứng dụng cả công nghệ blockchain.

Ví như từ năm 2020, ở Trường ĐH Hoa Sen, tân cử nhân ngoài được cấp bằng tốt nghiệp theo quy định truyền thống còn nhận một phiên bản xác thực trực tuyến, có địa chỉ mạng thường trực, vĩnh viễn kèm theo mã QR để thuận tiện sử dụng trong các hồ sơ giao tiếp trực tuyến của mình.

Cách quản lý/xác thực văn bằng với sự ứng dụng của công nghệ thời gian qua đã chứng tỏ hiệu quả tích cực, tuy nhiên không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng có đủ thực lực để đầu tư.

Bởi thế, song song với việc các cơ sở giáo dục cần tăng cường ứng dụng công nghệ, phải thực hiện nghiêm túc công khai văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định, Nhà nước cũng cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống thông tin về văn bằng chung tầm quốc gia để ai có nhu cầu tìm hiểu chỉ truy cập và có kết quả chính xác. Có như vậy các bên liên quan (người học, nhà trường, người sử dụng lao động…) mới thuận lợi trong tra soát, thẩm định, từ đó giảm tình trạng dùng văn bằng giả để tuyển dụng, bổ nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ