Cộng đồng trách nhiệm bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực và quan trọng. 

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng bắt buộc tham gia, thế nhưng, đến nay còn nhiều địa phương, trường học chưa phủ kín được 100%.

Nguyên nhân chính khiến không ít học sinh, sinh viên chưa được thụ hưởng quyền lợi BHYT là điều kiện tài chính một số gia đình eo hẹp, trong khi mức đóng theo lương cơ sở tăng cao. Tính từ 1/7/2024, theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng, số tiền tham gia BHYT trong một năm học của học sinh, sinh viên là 1.263.600 đồng. Sau khi trừ 30% được Nhà nước hỗ trợ, mỗi em phải đóng 73.710 đồng/tháng, tương ứng với 884.520 đồng/năm. Đây là một con số không nhỏ với các gia đình đông con trong độ tuổi ăn học.

Mới đây, để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình, góp phần tăng cường độ bao phủ BHYT trong cộng đồng, Bộ Y tế đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 lên 50%. Theo báo cáo đánh giá tác động, để thực hiện đề xuất này, ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 3.700 tỷ đồng. Nếu đề xuất này được Chính phủ phê duyệt, mức đóng BHYT hằng năm của học sinh sẽ giảm đáng kể, các em chỉ cần đóng khoảng 631.800 đồng/năm, tương đương gần 53.000 đồng/tháng.

Tuy vậy, ngay cả khi được Nhà nước trợ giúp 50%, với nhiều gia đình nghèo, đông con, việc đóng 631.800 đồng/năm cũng còn nhiều cân nhắc, tính toán, không phải ai cũng sẵn sàng tham gia. Không có thẻ BHYT, khi đối mặt với bệnh tật, chi phí điều trị cho con em có thể trở thành gánh nặng lớn, khiến nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả.

Thực tế, thời gian qua có nhiều trường hợp mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua các đợt điều trị dài ngày như chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim mạch, điều trị ung thư,… Nhờ có BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng, các gia đình mới giảm bớt gánh nặng tài chính, học sinh, sinh viên yên tâm điều trị bệnh, sớm quay trở lại học tập.

Tăng mức hỗ trợ của Nhà nước là rất quý, nhưng trong điều kiện ngân sách còn khiêm tốn, để mọi học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều tiếp cận được BHYT, cần tăng thêm cộng đồng trách nhiệm của địa phương, nhà trường và xã hội. Hiện bên cạnh Nhà nước, một số tỉnh, thành phố còn hỗ trợ thêm cho học sinh, sinh viên mua BHYT từ ngân sách địa phương. Chẳng hạn như tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 10%, tỉnh Đắk Lắk 5%, Cao Bằng hỗ trợ 20%...

Nhiều cá nhân tổ chức cũng triển khai các chương trình công tác xã hội, thiện nguyện để chăm lo BHYT cho học sinh, sinh viên vào đầu năm học mới, như Chương trình Tiếp sức đến trường của Báo Giáo dục và Thời đại, chương trình “Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn” của Báo Dân Trí…

Đặc biệt, trong ngành Giáo dục, ở nhiều trường học, thầy cô giáo là những người gần gũi, hiểu hoàn cảnh học sinh, sinh viên nhất, đã có nhiều sáng kiến, chủ động kết nối, vận động tặng thẻ BHYT cho những học trò khó khăn. Cách đây ít lâu, một lá thư của Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Quận 6, TPHCM) được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ khá rộng rãi.

Nội dung lá thư kêu gọi các nhà hảo tâm thay vì tặng hoa, bánh kem cho thầy, cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì tặng thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cách làm nhiều ý nghĩa nhân văn này được các trường học trong cả nước hưởng ứng một cách hiệu quả. Đây là những mô hình, sáng kiến cộng đồng trách nhiệm cần nhân rộng, góp phần chung sức đảm bảo quyền lợi sức khỏe toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Quốc Việt

Khám phá tính cách lưỡng phân

GD&TĐ - Xây dựng nhân vật với kiểu tính cách lưỡng phân sẽ giúp nhà văn phản ánh chân thực và sống động bản chất của con người.