Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên: Đóng góp lúc lành, để dành lúc ốm

GD&TĐ - Khi không may hoạn nạn ập xuống, tấm thẻ bảo hiểm y tế đã giúp biết bao học trò vượt qua hoạn nạn, níu kéo sự sống...

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được khám sức khỏe đầu năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được khám sức khỏe đầu năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Với đa số học sinh, sinh viên, thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) thường để không trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi không may hoạn nạn ập xuống, tấm thẻ ấy đã giúp biết bao học trò vượt qua hoạn nạn, níu kéo sự sống.

Nhân lên niềm hy vọng

Gần cuối năm học 2023 - 2024, em K.H.Đ., học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) buộc phải chuyển bệnh viện vào TPHCM để phẫu thuật bóc u một phần (ung thư mô mềm) và tháo khớp gối trái. Đ. bị mắc bệnh sarcom xơ cẳng chân trái.

Em P.Đ.P.Q. (sinh năm 2004, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, suy tủy do hóa trị. Số tiền Q. được bảo hiểm y tế chi trả trong năm 2023 đến nay hơn 291 triệu đồng.

Q. chia sẻ, thấy được giá trị nhân văn của BHYT mang lại trong những lúc ốm đau thế này, em mong các bạn học sinh, sinh viên tích cực tham gia Bảo hiểm y tế để đỡ đi gánh nặng kinh tế, được hưởng quyền lợi của mình trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.

Chị Lê Hoàng Hà, mẹ của Đ. cho biết, gia đình mua bảo hiểm y tế cho con tại trường học nên trong đợt đầu tiên làm phẫu thuật tại TPHCM, chỉ chi trả 2,2 triệu đồng cho các khoản viện phí, thuốc men điều trị. Đây là số tiền nằm trong 20% mà bệnh nhân đồng chi trả.

Theo phác đồ điều trị, Đ. tiếp tục xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khi đủ sức khỏe. Đến nay, Đ. đã trải qua 3 đợt hóa trị. Sau phẫu thuật tháo khớp gối, nhà trường hướng dẫn gia đình của Đ. làm hồ sơ cấp thẻ người khuyết tật cho em.

Theo chị Hà, mỗi đợt điều trị theo phác đồ, gia đình chỉ ứng 500 nghìn đồng viện phí. Sau đó, bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí. Đợt đầu tiên tiến hành hóa trị, chị Hà ký hồ sơ làm thủ tục để bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí điều trị là 22 triệu đồng, đợt thứ 2 có tổng chi phí là 16 triệu đồng và đợt thứ 3 là 14 triệu đồng.

Gia đình Đ. có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố đi làm ăn xa và thu nhập bấp bênh. Gia đình 6 thành viên gần như chỉ có bố của Đ. là trụ cột kinh tế, bà em đã già yếu, 3 anh em Đ. đang tuổi đi học. Từ ngày Đ. bị bệnh, mẹ em cũng nghỉ việc, đưa con đi chữa trị khắp nơi.

“Mỗi lần tiến hành hóa trị, con rất đau đớn nhưng hợp tác tốt với bác sĩ và các cô, chú điều dưỡng. Gia đình nhận được sự hỗ trợ, quan tâm cả vật chất và tinh thần từ thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng bạn bè nên có thêm nghị lực cũng như điều kiện để điều trị bệnh. Những khoản hỗ trợ từ sự quyên góp của nhà trường, tôi để dành để mua thêm thuốc bổ, chăm sóc con ăn uống… để có thể đủ sức theo phác đồ điều trị”, chị Hà cảm kích.

Em H.A.Q.V. (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mắc bệnh u não, viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Do mắc bệnh nặng, phải điều trị trong thời gian dài khiến chi phí điều trị tăng cao.

Ba của V. chia sẻ: “Chi phí điều trị của con được bảo hiểm y tế chi trả hơn 353 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế dành cho học sinh thì không biết xoay sở thế nào, không thể vay mượn ở đâu để điều trị bệnh cho con. Đỡ đi áp lực kinh tế khi điều trị bệnh, chúng tôi có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho con tốt hơn”.

bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-sinh-vien-3-4985.jpg
Kết quả khám sức khoẻ học sinh đầu năm học được Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gửi đến gia đình các em để phối hợp kiểm tra chuyên sâu trong trường hợp cần thiết. Ảnh: NTCC

Của để dành

Năm 2023 và 8 tháng của năm 2024, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng đã thanh toán chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên là 338.921 lượt khám, chữa bệnh với số tiền 153,83 tỷ đồng. Trong số này, nhiều em được chi trả số tiền hơn 300 triệu đồng.

Gần như năm học nào, Quỹ Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng cũng chi trả cho nhiều trường hợp học sinh, sinh viên hàng trăm triệu đồng tiền khám, chữa bệnh. Như năm 2020, một học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được bảo hiểm y tế chi trả 320 triệu đồng.

Cũng ở trường này, một em khác được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả số tiền lên đến 618 triệu đồng. Năm 2021, một học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (TP Đà Nẵng) được bảo hiểm y tế chi trả 262 triệu đồng. Hay một trường hợp khác là sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng được bảo hiểm y tế chi trả 198 triệu đồng.

Có thẻ bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên và gia đình sẽ giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh. Nhiều phụ huynh chuyển từ quan niệm chỉ tham gia bảo hiểm y tế lúc ốm đau sang tâm thế chủ động tham gia bảo hiểm ngay từ khi các con bước vào trường học.

Chị Nguyễn Thu Hà có 2 con đang học tiểu học và THCS ở quận Hải Châu cho biết: “Gia đình mua gói bảo hiểm nhân thọ nên khi hết thẻ bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tôi nghĩ không cần mua bảo hiểm y tế. Nhưng khi họp cha mẹ học sinh đầu năm, được cô giáo giải thích và thông tin một số trường hợp bị bệnh nặng, điều trị dài ngày được Quỹ Bảo hiểm y tế hỗ trợ nên tôi quyết định tham gia đóng bảo hiểm y tế cho con”. Theo chị Hà, đây là cách tốt nhất để phòng ngừa, ứng phó rủi ro và cũng là góp phần chia sẻ với cộng đồng thông qua mức đóng góp mua thẻ bảo hiểm.

Tháng 9/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân với chẩn đoán rối loại liên quan đến cơ chế miễn dịch, không đặc hiệu; viêm tụy cấp, bệnh mạch máu não khác, suy giáp khác; nhồi máu cơ tim cấp… Bệnh nhân 18 tuổi trú tại xã Ia Chim, TP Kon Tum. Sau 16 ngày điều trị, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả gần 68 triệu đồng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân 15 tuổi ở huyện Ngọc Hồi, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống tổn thương đa cơ quan với chi phí điều trị nội trú hơn 378 triệu đồng.

Có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính, phải trải qua các đợt điều trị dài ngày như chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim… đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Điều này giúp gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính đồng thời giúp các em có thêm động lực, yên tâm điều trị bệnh.

Năm học 2023 - 2024, Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã thẩm định và thanh toán cho hơn 6.100 lượt học sinh khám, chữa bệnh với số tiền trên 1,34 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo điều trị với chi phí dịch vụ kỹ thuật cao được thanh toán kịp thời, góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho gia đình... Đơn cử như trường hợp của em N.Q.V., mã thẻ HSxxx956, được chi trả số tiền gần 16,5 triệu đồng; em T.T.V.G., mã thẻ HSxxx183 được chi trả số tiền trên 14,3 triệu đồng...

bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-sinh-vien-1-1541.jpg
Em K.H.Đ. - học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trước khi phẫu thuật cắt bỏ chân trái. Ảnh: NTCC

Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ

Hiện học sinh, sinh viên thành phố Đà Nẵng tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Bảo hiểm xã hội thành phố và Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2024 - 2025.

Đầu năm học 2024 - 2025, Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đã tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến “Bảo hiểm y tế vì sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên”. Thông qua chương trình, Bảo hiểm xã hội thành phố thông tin, giải thích để phụ huynh và học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn nữa về chính sách Bảo hiểm y tế kể từ ngày 1/7/2024; phương thức đóng, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và thủ tục đi khám, chữa bệnh; quy định về mức hưởng, quyền lợi hưởng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế...

Ông Châu Văn Long - Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết: Để bảo đảm tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế, năm học 2024 - 2025, Bảo hiểm xã hội quận chủ động phối hợp phòng GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là cha, mẹ học sinh.

Qua đó, phụ huynh và học sinh, sinh viên nhận thức được chủ trương nhân văn, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT để tự giác tham gia. Đồng thời phân công cán bộ theo dõi các trường học, thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tình hình thực hiện của từng trường.

Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng phối hợp với trường học bổ sung cập nhật định danh cá nhân, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - số trên thiết bị di động cho học sinh để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật Bảo hiểm y tế, vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế học sinh trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay: “Với khối lớp 1, do phải đăng ký tham gia bảo hiểm y tế từ đầu năm học để đảm bảo sự liên tục khi thẻ bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi hết hạn nên nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình.

Với học sinh gia đình thực sự khó khăn, giáo viên chủ nhiệm sẽ báo lại với ban giám hiệu để có hướng hỗ trợ”. Những học sinh khối lớp khác, hạn cuối cùng là 15/12 vì bảo hiểm y tế tính theo năm dương lịch. Từ các hình thức vận động, mỗi năm, Trường Tiểu học Duy Tân tặng khoảng 20 - 25 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các trường học ở Đà Nẵng đều thông báo đến phụ huynh sẽ kéo dài thời gian thu bảo hiểm xã hội đến cuối tháng 11 chứ không bắt buộc nộp ngay từ đầu năm học. Phụ huynh cũng có thể chia nhỏ để nộp 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc nộp một lần tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.

Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận danh sách học sinh tham gia bảo hiểm y tế, cấp và trả thẻ bảo hiểm y tế học sinh thông qua dịch vụ bưu chính.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập hồ sơ thu, cấp thẻ BHYT học sinh, trọng tâm là giao dịch hồ sơ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi đối với các cơ sở giáo dục trong việc kê khai, nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT, tiết kiệm thời gian, chi phí...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.