Trong bối cảnh lương cơ sở tăng, bão lũ tàn phá ở nhiều địa phương, bỏ ra gần 900 nghìn đồng mua thẻ cho con là nỗi lo của không ít phụ huynh.
Số tiền lớn đối với nhà nghèo
BHYT là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Với tấm thẻ BHYT, học sinh, sinh viên không chỉ được chăm sóc sức khỏe ban đầu, mà còn góp phần phòng ngừa rủi ro, chia sẻ gánh nặng khi không may mắc phải những căn bệnh cần chi phí điều trị cao.
Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm diện chính sách tham gia BHYT như người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, với nhiều gia đình, mua thẻ BHYT vẫn là gánh nặng (gần 900 nghìn đồng/năm). Đặc biệt, sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều gia đình học sinh phải chịu mất mát lớn, việc mua BHYT càng khó khăn hơn.
“Mỗi ngày, chồng tôi đi phụ hồ được 200.000 đồng, nắng thì có việc, mưa lại phải nghỉ. Tôi sức khỏe yếu nên ở nhà làm nội trợ, nhà 6 miệng ăn nên chẳng khi nào có dư, để có tiền mua thẻ BHYT cho con rất khó”, chị Nguyễn Thị Thảo có 2 con là học sinh tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tâm tư.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đạt - phụ huynh học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là lao động tự do nên thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mức sống này ở Hà Nội rất khó khăn. Số tiền gần 900 nghìn để mua thẻ y tế khá lớn so với thu nhập của hai vợ chồng anh.
Huyện Trấn Yên (Yên Bái) là địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vừa qua. Chị Nguyễn Thị Trầm, người dân ở xã Tân Đông (huyện Trấn Yên) cho hay: Trường Tiểu học & THCS Tân Đồng bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất, ảnh hưởng đến việc học tập của 298 học sinh, trong đó có 2 con chị. Do đó, gia đình mong được hỗ trợ phần nào chi phí trong năm học này, trong đó có chi phí mua thẻ BHYT.
Kinh tế gia đình khó khăn nên với Nguyễn Thị Lan - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên, Yên Bái), mua BHYT là điều không thể thực hiện lúc này. Nữ sinh chia sẻ: Bố mẹ không có công việc ổn định. Thêm vào đó, cơn bão số 3 vừa qua đã gây hậu quả nặng nề cho gia đình, khiến việc mua BHYT càng khó khăn hơn.
Lo thẻ cho học trò nghèo
Thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên, Yên Bái) cho biết: Cơn bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề. Nhà trường bị ngập sâu trong nước 4 ngày, trên 100 bộ bàn ghế, toàn bộ hệ thống thiết bị ở một số phòng như máy chiếu, máy in, máy photo, máy tính, hệ thống âm thanh bị hỏng.
Ngoài ra, 900 nhà học sinh, 49 nhà cán bộ, giáo viên, nhân viên bị ngập, sạt lở, nhiều nhà bị sập đổ hoàn toàn. Cuộc sống của người dân Trấn Yên vốn đã khó khăn, trải qua bão lũ càng khó khăn hơn. Do đó, nhà trường đã huy động các nguồn lực hỗ trợ từ mọi miền đất nước để hỗ trợ học sinh ổn định cuộc sống và học tập, đảm bảo 100% học sinh đều có thẻ BHYT.
Sau đợt ngập lụt đầu tháng 9, cùng với tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định hoạt động dạy, học, Ban giám hiệu Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) có thư ngỏ gửi các tổ chức, cá nhân với mong muốn có đủ kinh phí mua thẻ BHYT cho trò bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Lá thư có đoạn: “Yên Bái là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa bão kèm theo lũ lớn, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản với nhân dân thành phố Yên Bái nói riêng, đặc biệt là các trường học bị vùi lấp, hư hỏng. Học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt có 245 em trong vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đang đối diện với rất nhiều khó khăn, mất mát. Hơn lúc nào hết, các em rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành và toàn xã hội.
Với tinh thần “Thấu cảm và sẻ chia những đau thương, mất mát, khó khăn mà học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt phải đối diện”, Đảng ủy, Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường tha thiết kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, bằng hành động thiết thực, đóng góp, ủng hộ, chung tay góp phần giúp đỡ học sinh có kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm và chung tay của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Tấm lòng, sự san sẻ yêu thương ấy của Quý vị sẽ là nguồn động viên tinh thần vô giá để các em vững tin, tiếp bước đến trường”.
Theo đó, Trường THPT Hoàng Quốc Việt xin kinh phí để mua thẻ BHYT cho 103 học sinh nghèo. Sau khi nhận được thư ngỏ, bạn đọc của Báo Giáo dục và Thời đại trên cả nước cùng nhà hảo tâm quyên góp đủ số tiền, giúp 103 trò nghèo yên tâm đến lớp.
Theo ông Trần Văn Hải - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, năm học 2024 - 2025, Trấn Yên phấn đấu 100% học sinh trên địa bàn huyện tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo học sinh được thụ hưởng đầy đủ quyền, chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học.
Bảo hiểm xã hội huyện đã kịp thời trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng quy định và hướng dẫn học sinh đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời làm việc với UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hoặc trong diện được cấp thẻ BHYT nhóm đối tượng khác để cấp thẻ BHYT.
Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) những năm qua luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhà trường ngoài ủng hộ tiền, học bổng còn quan tâm đến việc mua BHYT.
Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trần Lệ Khanh: Năm học vừa qua, quỹ “Nhà giáo Hoàng Mai đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn” của trường đã tặng sách giáo khoa, thiết bị, đồ dùng học tập, đồng phục, tặng BHYT cho học sinh, hỗ trợ gia đình học sinh gặp khó khăn với số tiền 119 triệu đồng mỗi tháng.
Cô Trần Lệ Khanh cho biết, để thực hiện bao phủ BHYT tới 100% học sinh, nhà trường đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu về ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia BHYT thông qua các cuộc họp của trường, họp phụ huynh và lồng ghép trong các giờ chào cờ, sinh hoạt. Đồng thời, tích cực kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn có kinh phí mua thẻ BHYT.