Cộng đồng học tập

GD&TĐ -  Thời gian qua đã xuất hiện nhiều cộng đồng giáo viên học tập - hình thức tự bồi dưỡng hết sức hiệu quả.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, những năm gần đây hoạt động bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT triển khai đã áp dụng theo mô hình mới, chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng có hỗ trợ của cốt cán và công nghệ thông tin.

Nhờ mô hình trên, đã xuất hiện nhiều cộng đồng giáo viên học tập - hình thức tự bồi dưỡng hết sức hiệu quả. Ở bậc mầm non, sau khóa tập huấn mới đây do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức, mạng lưới giáo viên cốt cán đã xây dựng cộng đồng học tập để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau phát triển.

Sau học tập mô-đun bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn, giáo viên cốt cán không chỉ thành lập nhóm Zalo, Facebook… để kết nối, hỗ trợ nhau bất cứ lúc nào, mà còn xây dựng các nhóm ở địa phương để tạo thành cộng đồng học tập từ nhỏ đến lớn.

Ở cấp tiểu học, triển khai dạy học Chương trình GDPT 2018 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, mô hình cộng đồng giáo viên học tập đã góp phần gỡ khó về mặt chuyên môn cho nhà giáo.

Qua địa chỉ https://hotrotieuhoc.vnu.edu.vn, nhiều nhà giáo đã tự học và nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển các kỹ năng sư phạm, xây dựng thiết kế bài giảng hiệu quả; kỹ năng tổ chức, quản lý lớp học trong bối cảnh chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Không chỉ gắn kết nhóm giảng viên sư phạm chủ chốt với giáo viên/cán bộ quản lý cốt cán; giữa đội ngũ cốt cán với nhau, đội ngũ cốt cán với giáo viên đại trà; mà giữa các giáo viên đại trà còn tiếp tục xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm.

Thực tế, tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp giáo viên tiến bộ, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Đinh Quang Báo, từng nhấn mạnh: “Giáo viên không muốn bị tụt hậu nhất định phải biết tự bồi dưỡng kiến thức và nâng cấp bản thân mình thường xuyên, liên tục.

Chỉ có sự chăm chỉ đào luyện kiến thức từ những người thầy mới có thể đào tạo nên học trò giỏi, đam mê học tập, tích lũy kiến thức”. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, thầy cô khắp nơi có thể dễ dàng kết nối và chia sẻ. Vì thế, nhiều quốc gia đã tổ chức cách học tập và phát triển năng lực cho giáo viên theo mô hình tự nghiên cứu qua cộng đồng học tập và thấy được tính hiệu quả, bền vững.

Ở Việt Nam, tuy có sự phát triển đáng ghi nhận, nhưng cộng đồng giáo viên cùng học tập chưa đều tay giữa các cấp/bậc học và giữa các địa phương. Hiện, cộng đồng giáo viên học tập mới phát triển mạnh ở cấp tiểu học, nhờ triển khai theo hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT, còn ở cấp trung học vẫn chưa như mong muốn.

Liên quan đến dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới, nhiều giáo viên THCS, THPT đang đề nghị thành lập các cộng đồng hỗ trợ. Phát triển cộng đồng giáo viên học tập sẽ có ích trong chuyên môn với giáo viên vùng sâu, vùng xa, thế nhưng lại gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ…

Bên cạnh tham gia vào mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai, phát triển các cộng đồng, mạng lưới học tập rộng lớn trong từng nhóm giáo viên sẽ tạo hiệu quả cao trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, các cấp quản lý, từ tổ chuyên môn, trường phổ thông đến phòng, sở GD&ĐT cần có cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích, cùng vào cuộc mạnh mẽ để hoạt động này đều tay giữa các địa phương, cấp học và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.