Nâng cao năng lực nghề nghiệp: Giáo viên rất cần trách nhiệm và tự trọng

GD&TĐ - Việc phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thường xuyên, liên tục, tại chỗ có vai trò quan trọng để thực hiện chương trình GDPT 2018 cũng như thực hiện đổi mới giáo dục.

Giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng các mô - đun theo chương trình ETEP tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An).
Giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng các mô - đun theo chương trình ETEP tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An).

Các mô đun thuộc Chương trình ETEP được giáo viên cốt cán đánh giá rất hiệu quả, hữu ích. Song cùng với đó, giáo viên cũng cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp để nâng cao năng lực, phát triển bản thân…

Các mô đun đều rất ý nghĩa, hữu ích

Năm học 2022-2023 tới, chương trình GDPT 2018 sẽ chính thức triển khai ở bậc THPT, bắt đầu từ việc thay đổi SGK lớp 10. Thầy Nguyễn Hồng Tư hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, đồng thời là giáo viên cốt cán bộ môn Vật lý của ngành giáo dục tỉnh, tham gia tập huấn theo chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Nguyễn Hồng Tư, tính đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán đã đã được hoàn thành tập huấn các mô đun 1, 2, 3, 4, 5 và 9.

Trong đó, có một số mô đun chúng tôi được tập huấn vừa trực tiếp, vừa trực tuyến tại Trường ĐH Vinh, còn lại là học trực tiếp qua lớp học ảo. Hiện, với các nội dung đã được tập huấn, về cơ bản đã đủ để triển khai dạy học chương trình GDPT cho năm học tới. Cụ thể như khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; cách thức đánh giá người học theo hướng phát triển năng lực; xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học…

Các mô đun thuộc Chương trình ETEP giúp giáo viên triển khai dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực hiệu quả.
Các mô đun thuộc Chương trình ETEP giúp giáo viên triển khai dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực hiệu quả.

Còn các mô đun 6,7,8 liên quan đến nội dung tự chọn sẽ được tập huấn trong thời gian tới. Cá nhân thầy Tư cho hay, thầy đăng ký tất cả nội dung của mô đun 6,7,8 vì thấy đều hữu ích trong giảng dạy cũng như quản lý. Ví dụ xây dựng văn hóa nhà trường; xây dựng trường học an toàn, tích cực; phối hợp gia đình nhà trường xã hội trong giáo dục học sinh đều có ý nghĩa đối trường vùng cao, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Trường THPT Quế Phong.

“Trong năm vừa qua, do dịch bệnh Covid-19, nhiều mô đun tập huấn được triển khai qua lớp học ảo, nên có một vài hạn chế nhất định so với việc được bồi dưỡng tập trung với sự trao đổi, tương tác trực tiếp, tại chỗ. Tuy nhiên, khi đã quen với việc tham gia học trực tuyến, thì đây là hình thức tập huấn rất hiệu quả, với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng được chọn lọc, thẩm định kỹ”, thầy Tư chia sẻ.

Giảng viên cốt cán bồi dưỡng các mô đun theo lộ trình tập huấn ETEP cho giáo viên phổ thông.

Giảng viên cốt cán bồi dưỡng các mô đun theo lộ trình tập huấn ETEP cho giáo viên phổ thông.

Cũng theo thầy Nguyễn Hồng Tư, giáo viên tham gia tập huấn theo chương trình ETEP của Nghệ An lập nhóm theo từng bộ môn trao đổi trên Facebook hoặc Zalo. Tại đây, các bài giảng, giáo án mẫu, hoặc nội dung liên quan đến mô đun tập huấn được chia sẻ thường xuyên.

Riêng bộ môn Vật lý bậc THPT được chia thành các cụm để thuận lợi trong trao đổi chuyên môn cũng như triển khai tập huấn đại trà. Giáo viên cốt cán sau khi được bồi dưỡng sẽ hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS).

Sở GD&ĐT Nghệ An còn tổ chức cho giáo viên cốt cán hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên đại trà theo hình thức cuốn chiếu để giáo viên đại trà cũng có thể tiếp thu và có thời gian nghiên cứu nội dung các mô đun. Thầy Tư thông tin: “Tôi phụ trách chuyên môn cho cụm các Trường THPT khu vực Tây Bắc Nghệ An như Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Đến nay, các giáo viên đều hiểu về chương trình, mục tiêu, phương pháp giảng dạy, đánh giá người học, tự tin và mong chờ dạy học chương trình mới. Dù đối tượng học sinh ở cụm phía Tây chủ yếu là ở miền núi, dân tộc thiểu số, nhưng tinh thần và nội dung chương trình phổ thông tổng thể vẫn khoa học và rất phù hợp nếu thực hiện đúng, tâm huyết”.

Phát huy ý thức tự học, trách nhiệm của giáo viên

Thầy giáo Bùi Văn Trinh - Trường THCS Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tham gia tập huấn theo lộ trình Chương trình ETEP chia sẻ, thầy là thành viên của lớp Công nghệ, tham gia 5 mô đun bồi dưỡng vừa trực tiếp, vừa trực tuyến tại Trường ĐH Vinh. Qua đó đã thay đổi nhận thức về chương trình GDPT cũng như tháo gỡ những băn khoăn trong dạy môn học Công nghệ ở cấp THCS. Ví dụ như mô đun 4 về xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THCS. Quan điểm và cách đánh giá học sinh khác với truyền thống, nhất là việc công nhận học sinh có những tiến bộ, cố nắng, nỗ lực so với chính bản thân mình.

Việc bồi dưỡng qua lớp học ảo phát huy hiệu quả, song cần sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của giáo viên.
Việc bồi dưỡng qua lớp học ảo phát huy hiệu quả, song cần sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của giáo viên.

Những mô đun khác tập huấn trực tiếp qua lớp học ảo, nhưng kết quả như là được trực tiếp tương tác với các giảng viên. Giảng viên Trường Đại học Vinh đã nhiệt tình truyền thụ kiến thức cho lớp Công nghệ 23 Vinh cũng như giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng.

Một đặc thù của chương trình tập huấn là có thời hạn nộp bài, sản phẩm mà giảng viên giao. Vì vậy, sau khi hết thời gian quy định, hệ thống sẽ khóa không nhận sản phẩm của giáo viên nữa. Vì vậy, các cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn đều tuân thủ và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà giảng viên đưa ra.

Tuy nhiên, có thực tế là với ngoài việc học trực tiếp với giảng viên, giáo viên cốt cán còn có thời gian học online theo mô hình bồi dưỡng mới (5 – 3 – 7), tức là có 5 ngày tự học trên hệ thống học tập trực tuyến, 3 ngày học trực tiếp và 7 ngày tự học, làm bài tập kiểm tra đánh giá online. Vì thế, có hiện tượng giáo viên học “đối phó”, sao chép hoặc lấy nguồn tham khảo từ trên mạng Internet để “trả bài”.

“Điều này đặt ra khó khăn chính là ý thức tự giác, trách nhiệm của giáo viên trong nâng cao năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Chỉ khi có tìm tòi, nghiên cứu thực sự thì mới có kỹ năng, phương pháp để áp dụng trong thực tế giảng dạy. Một khó khăn khác là trình độ ứng CNTT của giáo viên không đồng đều, kể cả đội ngũ cốt cán.

Vì vậy, trong thời gian đầu một số giáo viên còn gặp lúng túng. Nhưng đây cũng là động lực để giáo viên tự đổi mới, nâng cao năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu chương trình mới”, thầy Nguyễn Hồng Tư – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, Nghệ An nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.