Cộng điểm sẽ khiến dạy nghề bị chệch mục tiêu

GD&TĐ - Việc không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp, góp phần làm cho kết quả tuyển sinh thực chất hơn, phù hợp với yêu cầu đổi mới GD&ĐT, trong khi vẫn đảm bảo các chế độ ưu tiên cần thiết và xứng đáng cho HS… 

Cộng điểm sẽ khiến dạy nghề bị chệch mục tiêu

Đó là chia sẻ của các cán bộ quản lý giáo dục khi trao đổi về dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ GDTr.H (Bộ GD&ĐT): Các chế độ tuyển thẳng, ưu tiên vẫn được bảo đảm

Nhiều địa phương trong cả nước hiện đang có nhiều chế độ khuyến khích áp dụng cho các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi, với mức từ 0,5 - 2 điểm.

Từ các cuộc thi HS giỏi môn văn hóa, khoa học kỹ thuật... còn cộng điểm cho cả thí sinh đoạt giải thi viết thư quốc tế, giải Toán trên máy tính cầm tay, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, Toán học mở rộng, giải Toán trên Internet, Tiếng Anh trên Internet, Em yêu Lịch sử Việt Nam; giải văn nghệ, thể thao... HS được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD&ĐT tổ chức ở cấp THCS cũng được cộng điểm khuyến khích.

Theo dự thảo Bộ GD&ĐT mới công bố, sẽ bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng. Cụ thể, dự thảo mới này đã bỏ đi Khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4/2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: “3. Đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”.

Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ không giao cho các Sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các Sở GD&ĐT tổ chức.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (GDTr.H - Bộ GD&ĐT) - cho hay Bộ đang xin ý kiến để điều chỉnh bởi những lý do thực tế:

“Chúng tôi dự kiến như vậy bởi nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm đó mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm. Trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp HS tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương”.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDTr.H, về cơ bản Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên các chế độ tuyển thẳng, ưu tiên. Thay đổi đáng kể là thay vì chỉ yêu cầu “HS đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học” như quy định hiện hành, thì dự thảo sửa đổi thành “HS đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT”.

Như vậy, những HS được tuyển thẳng phải đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh cũng có thể được như hiện nay.

Ông Đỗ Thanh - Trưởng phòng GDTr.H (Sở GD&ĐT Phú Thọ): Hạn chế việc cộng điểm ưu tiên tràn lan

Theo ông Đỗ Thanh, hiện tại, Sở GD&ĐT Phú Thọ vẫn đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT để xây dựng Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Quan điểm về việc bỏ Khoản 3 Điều 7 Quy chế 11 của Bộ GD&ĐT: “Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích” là cần thiết và phù hợp với thực tế vì các lý do sau:

Thứ nhất: Tinh giản các cuộc thi, giảm áp lực cho HS, đặc biệt là HS cấp THCS; hạn chế việc quy định cộng điểm ưu tiên tràn lan, không thực chất, không phù hợp với yêu cầu cấp học phổ cập;

Thứ 2: Việc không cộng điểm khuyến khích của thi nghề phổ thông vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp, vì điểm thi nghề phổ thông đã được tính là điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp THCS;

Thứ 3: Mục tiêu của học nghề phổ thông là hướng tới việc làm tốt hơn công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; gắn việc học với hành và gắn với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng nhà trường.

Ông Đỗ Thanh nhấn mạnh: Nghề phổ thông là môn tự chọn và chất lượng dạy nghề phổ thông ở các vùng miền và giữa các nghề là khác nhau, nên việc không cộng điểm khuyến khích nghề phổ thông cũng góp phần làm cho kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thực chất hơn.

Ông Bạch Đăng Khoa - Trưởng phòng GDTr.H (Sở GD&ĐT Bắc Giang): Thay đổi để làm thực chất hơn kết quả thi vào THPT

Ông Bạch Đăng Khoa chia sẻ, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Bắc Giang những năm trước, thí sinh đạt giỏi thi nghề phổ thông được cộng 1,5 điểm; đạt khá được cộng 1 điểm và đạt trung bình được cộng 0,5 điểm. Thực tế thực hiện cộng điểm thi nghề trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn, xuất hiện những bất cập như sau:

Thứ nhất: HS THCS không bắt buộc phải học nghề nên có đơn vị trường tổ chức học nghề, thi và có kết quả thi nghề, có đơn vị thì không. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề phổ thông ở các vùng miền và giữa các nghề là khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi nghề cộng điểm tuyển sinh THPT là thiếu công bằng với HS.

Thứ 2: Trong nhiều mục tiêu của học nghề phổ thông có mục tiêu quan trọng là học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và định hướng cho HS THCS, từ đó thực hiện tốt việc phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, trên thực tế, việc được cộng điểm đã khiến dạy nghề bị “chệch mục tiêu”. Bởi lẽ, HS khi chọn nghề không phải vì yêu thích, vì định hướng tương lai mà chỉ vì lấy điểm cộng nên sẽ chọn nghề nào mình dễ lấy điểm cao nhất.

Thứ 3: Kỳ tuyển sinh vào 10, đặc biệt là ở những thành phố lớn, trường điểm, mức cạnh tranh là khá cao. Do đó, 0,5 - 1,5 điểm cộng do thi nghề là rất quý. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chất lượng dạy học nghề ở các địa bàn, ở từng nghề khác nhau còn chưa đồng đều, dẫn đến thiếu công bằng với HS. Cộng điểm thi nghề cũng hạn chế việc sàng lọc được đúng HS có khả năng tiếp tục học ở bậc cao hơn.

“Từ những phân tích trên, tôi đồng tình với dự thảo của Bộ GD&ĐT. Nếu áp dụng ngay, Bộ GD&ĐT nên công bố sớm, để không gây bất ngờ cho HS, phụ huynh, từ đó tạo sự đồng thuận; đồng thời, tạo điều kiện cho các Sở GD&ĐT xây dựng phương án tuyển sinh tại địa phương” - ông Bạch Đăng Khoa kiến nghị.

Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội): Khi việc học nghề đáp ứng được xu hướng, yêu cầu phát triển của xã hội, loại bỏ được những nội dung không còn phù hợp thì vẫn thu hút được HS tham gia, đồng thời trả lại đúng ý nghĩa, mục đích của đào tạo nghề. Do đó, không nhất thiết phải lấy kết quả nghề làm điểm cộng điểm khuyến khích trong các kỳ thi tuyển sinh. Bỏ cộng điểm khuyến khích tôi nghĩ là chỉ ảnh hưởng đến việc thay đổi thói quen thôi, còn không ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh vào THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.