Bài kiểm tra năng lực trong tuyển sinh lớp 6: Nên để địa phương chủ động triển khai

GD&TĐ - Việc kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra năng lực theo dự thảo Thông tư 11 của Bộ GD&ĐT đã gỡ rối cho nhiều trường THCS trong tuyển sinh đầu vào lớp 6. Tuy nhiên, bài kiểm tra năng lực nên giao cho địa phương linh hoạt tổ chức; đồng thời quản lý nghiêm để không bùng lên “vấn nạn dạy thêm, học thêm” ở tiểu học.

Bài kiểm tra năng lực trong tuyển sinh lớp 6:  Nên để địa phương chủ động triển khai

Trường trọng điểm phấn khởi

Trường THCS Cao Xuân Huy - được coi là trường điểm của huyện Diễn Châu, Nghệ An. Hằng năm, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường cao gấp đôi chỉ tiêu được tuyển.

Theo thầy Phạm Quang Thăng – Hiệu trưởng nhà trường, trong 3 năm, Bộ GD&ĐT cấm tất cả các cuộc thi tuyển sinh vào lớp 6, trường rất vất vả để lọc hồ sơ. “Hầu như hồ sơ của em nào nộp vào trường cũng có sự chuẩn bị kỹ càng và rất “tròn trĩnh”.

Tất nhiên, không phải là xét tuyển thì không tuyển được HS, nhưng việc lựa chọn không được sát sao. Bởi vậy, nếu đề xuất về phương án xét tuyển kết hợp với bài kiểm tra năng lực, đối với cá nhân trường chúng tôi là điều quá phấn khởi”.

Tại huyện Đô Lương, vùng đất học nổi tiếng của Nghệ An nhiều năm qua, Trường THCS Lý Nhật Quang cũng được xem là đích đến của nhiều HS khá giỏi sau khi học xong lớp 5. Đây là ngôi trường có nhiều HS sau này đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và trong số đó có những em đạt giải cao trong các kỳ thi HSG quốc gia và Olympic quốc tế.

Hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 của trường là 160 em. Lượng hồ sơ đăng ký khoảng trên 300. Hồ sơ đăng ký được xét dựa vào kết quả học tập rèn luyện những năm tiểu học.

Để giúp cho việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS Lý Nhật Quang có thêm “thước đo xét tuyển”, đề kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 sẽ được Phòng GD&ĐT và trường phối hợp ra đề.

Theo đó, mỗi trường tiểu học tự ra đề phân hóa theo 3 mức độ. Riêng câu hỏi phân loại ở mức độ thứ 4, sẽ do Phòng GD&ĐT đảm nhận và chỉ chiếm 1 phần nhỏ, để phân loại, tìm HS giỏi - ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Đô Lương cho biết.

Vì thế, dự thảo Thông tư 11 của Bộ nếu áp dụng thì địa phương rất ủng hộ, vì sẽ tháo gỡ được những phức tạp trong quá trình tìm kiếm phương thức xét tuyển lớp 6 đối với trường có số lượng hồ sơ đăng ký cao.

Quản lý chặt dạy thêm, học thêm

Trước đây, Trường THCS Đặng Thai Mai 9 TP Vinh được coi là ngôi trường chất lượng cao của TP Vinh. Để lọt được vào ngôi trường này là một cuộc cạnh tranh không hề dễ dàng đối với HS cuối bậc tiểu học.

Tuy nhiên, có một bất cập là trường đóng trên địa bàn phường Hưng Phúc, là phường mới thành lập và chưa có trường THCS do phường quản lý. Con em trên địa bàn của phường ngoài một số thi tuyển được vào trường, thì còn lại phải sang phường lân cận học. Điều này gây ra không ít bức xúc cho bà con tại địa bàn.

Từ năm học 2015 - 2016, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về xóa bỏ trường chuyên lớp chọn, Thành ủy Vinh quyết định chuyển giao Trường THCS Đặng Thai Mai về phường Hưng Phúc.

Nhưng số lượng HS trên địa bàn phường ít, hàng năm chỉ chiếm khoảng hơn 1/2 chỉ tiêu tuyển sinh. Số còn lại, trường được phép xét tuyển HS của các phường trên địa bàn thành phố.

Nhu cầu HS lớn, chỉ tiêu có hạn, vì thế, ngoài xét năng lực, kết quả học tập rèn luyện HS của năm lớp 5, thậm chí xuống lớp 4, lớp 3, trường còn phải đưa thêm cái tiêu chí phụ để cộng điểm ưu tiên như giải thưởng trong một số cuộc thi, giao lưu toàn thành phố hoặc cấp tỉnh, quốc gia…

Thực tế trên cho thấy, dù đã bỏ hình thức trường điểm, nhưng trường có chất lượng giáo dục cao lúc nào cũng hút phụ huynh, HS.

Theo ông Mai Xuân Vinh, Phó phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An: Lâu nay chúng ta thống nhất thực hiện xóa bỏ trường chuyên ở bậc THCS, nhưng trên thực tế, vẫn có những ngôi trường mang tính phân hóa. Các em học tốt, có năng lực cần có môi trường phù hợp để được giáo dục, bồi dưỡng, bởi lứa tuổi để phát triển mạnh về trí tuệ là từ 13 - 18 tuổi.

Do đó, việc giữ lại tính chất trọng điểm như Trường THCS Đặng Thai Mai, hay Cao Xuân Huy, Bạch Liêu, Lý Nhật Quang là một thực tế.

Vấn đề đặt ra là liệu có trở lại trường chuyên, “luyện gà nòi”, học lệch quá sớm, gây áp lực thi cử để chạy đua vào trường?

Thầy Phạm Quang Thăng - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Xuân Huy đánh giá, việc Bộ cấm các kỳ thi ở bậc tiểu học là nhằm mục đích xóa bỏ nạn dạy thêm, học thêm. Vì đương nhiên nếu thi thì cần phải ôn tập, bồi dưỡng thêm.

Chính vì thế, sau khi cấm, nếu cho phép tổ chức bài thi đánh giá năng lực thì cần phải có sự đổi mới trong cách thức, nội dung thi, chứ nếu quay lại thi theo hình thức cũ, thì sẽ trở thành vòng luẩn quẩn dạy thêm, học thêm.

Về hình thức, nội dung thi nên giao cho địa phương linh hoạt tổ chức phù hợp với thực tế, kiểm tra toàn diện HS nhưng trong phạm vi chuẩn kiến thức kỹ năng mà khung chương trình giáo dục của Bộ quy định.

Ông Mai Xuân Vinh – Phó phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An - nhấn mạnh: Để áp dụng được dự thảo này, thì Phòng GD&ĐT tại địa phương phải hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong quản lý, cấm tuyệt đối không dạy thêm, học thêm. Đối với bậc tiểu học, chỉ học 2 buổi/ngày, thời gian này đủ để trang bị các kỹ năng, kiến thức cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...