Ngoài ra, nhiều câu chuyện xúc động về các thầy cô giáo nỗ lực và cống hiến cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Có thể kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6
Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố xin góp ý cho Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014.
Theo Dự thảo này, tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là những trường luôn “quá tải” trong mỗi mùa tuyển sinh đồng tình và cho rằng đây là quy định phù hợp với thực tiễn, gỡ khó cho cơ sở. Nhiều người khẳng định cần có kì thi tuyển đánh giá năng lực học sinh để góp phần định hướng cho việc dạy và đánh giá học sinh ở trường tiểu học.
Có ý kiến không lo lắng về việc có thể nảy sinh luyện thi với đề xuất sử dụng bài khảo sát, đánh giá kiến thức tổng hợp nhiều môn, nhiều lĩnh vực; hoặc tổ chức tuyển sinh sớm hơn…
Cũng liên quan đến Dự thảo nói trên, một số ý kiến đề xuất cần quy định cụ thể hơn về các cuộc thi học sinh được sử dụng kết quả để tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên.
Những thầy cô nỗ lực cống hiến
Báo Công an nhân dân chia sẻ câu chuyện về thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã hiến 600m2 đất - tài sản mồ hôi nước mắt, tích cóp hàng chục năm – để giúp ngôi trường mình công tác từng bước kiện toàn các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia của huyện.
Thầy Điệp cũng là điển hình của “cái khó ló cái khôn” trong việc sáng tạo nhiều cách làm nhằm kéo học sinh miền núi ra lớp và chuyên tâm học tập, không bỏ học giữa chừng.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp chăm chút từng bữa ăn cho học sinh. Báo Công an nhân dân |
Báo Công lý có bài viết về người thầy áo lính - Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn biên phòng huyện Ea Súp - với lớp học không biên giới tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
Sau những lần đi thực tế ở trong dân, Đại úy Hiếu đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ, giúp bà con có thể biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trong đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên khu vực biên giới.
Ngay sau khi được sự đồng ý của cấp trên và chính quyền địa phương, Đại úy Hiếu đã đến từng nhà vận động người dân. Đi một lần không được, anh đi lần hai, lần ba cho đến khi thuyết phục được người dân đồng ý đến học mới thôi.
Lớp học ban đầu từ chưa đến chục người lên đến 20 người và hiện nay lớp học của anh có 52 học viên theo học. Không dừng lại ở dạy trên lớp, Đại úy Hiếu còn tận dụng những ngày nghỉ để đến tận nhà dạy học cho học viên.
Hình ảnh thầy Hiếu đang dạy cho lớp xóa mù chữ. Báo Công lý |
Cũng trong tuần này, Bộ GD&ĐT công bố danh sách 5 giáo viên đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2018. Đó là các cô giáo: Nguyễn Huyền Trang (Trường Phổ thông liên cấp Vinschool, Hà Nội); Tô Thị Như Quỳnh (THPT Số 3, TP. Lào Cai); Nguyễn Thị Thúy (THPT Minh Đạm, Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thị Vũ Huệ (THPT Phú Nhuận, TPHCM); Nguyễn Thị Hiệp Tuyết (ĐH Y Dược Thái Nguyên). Đây là các nhà giáo đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Trước đó, tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2017 ở Canada, các giáo viên đại diện Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải đặc biệt.