Trên cơ sở dữ liệu trích xuất từ Web of Science (ngày 4/9/2023), bài viết thống kê kết quả đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam về công bố quốc tế trong giai đoạn 2020 - 2022.
Do sự khác nhau giữa hai cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) và Scopus, cũng như một số lý do khác được chúng tôi đề cập ở cuối bài viết, kết quả thống kê này có thể khác biệt so với cơ sở dữ liệu Scopus. Thứ hạng đề cập trong bài viết là sự sắp xếp theo số lượng được trích xuất từ WoS, không đồng nghĩa với việc WoS xếp hạng.
Thống kê dữ liệu từ tất cả các Web of Science Index, bao gồm: Science Citation Index Expanded (SCI-EXPANDED); Emerging Sources Citation Index (ESCI), Social Sciences Citation Index (SSCI), Arts & Humanities Citation Index (A&HCI), Conference Proceedings Citation Index - Science (CPCI-S), Index Chemicus (IC) và Current Chemical Reactions (CCR-EXPANDED) cho thấy:
Các quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đầu về số lượng công bố
Dữ liệu của WoS ghi nhận, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, các nhà khoa học trên thế giới đã công bố: 3.419.071 bài (năm 2020); 3.582.531 bài (năm 2021) và 3.834.913 bài (năm 2022). Trong đó, 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Canada, Pháp, Úc và Tây Ban Nha. Mỹ và Trung Quốc thay phiên nhau đứng vị trí thứ nhất; Đức và Ấn Độ cạnh tranh nhau ở vị trí thứ 4 và thứ 5; Pháp, Úc và Tây Ban Nha đua nhau ở các vị trí cuối bảng. Nhóm các quốc gia ổn định về thứ hạng gồm có: Anh; Italy, Nhật Bản và Canada.
Ở đây, chúng ta hiểu rằng, mỗi bài báo được tính cho quốc gia/vùng lãnh thổ nào đồng nghĩa với việc trong bài báo đó có ít nhất một tác giả ghi địa chỉ quốc gia/vùng lãnh thổ đó.
Danh sách 10 quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đầu về số lượng công bố & Việt Nam (giai đoạn 2020 - 2022). |
Đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam
Kết quả công bố của các nhà khoa học Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2022 có chiều hướng giảm về số lượng: 16.005 bài (năm 2020); 15.490 bài (năm 2021); 14.081 bài (năm 2022). Tuy nhiên, Việt Nam tương đối ổn định với vị trí thứ 46 - 47 trên tổng số 200 quốc gia/vùng lãnh thổ được WoS thống kê.
Các cở sở giáo dục đại học, đơn vị nghiên cứu luôn dẫn đầu về số lượng bao gồm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Duy Tân; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Huế; Trường Đại học Cần Thơ; Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Văn Lang.
Danh sách 10 đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố (giai đoạn 2020 - 2022). |
Kết quả thống kê cho thấy sự cạnh tranh về thứ hạng giữa các đơn vị, đáng chú ý là các vị trí từ thứ nhất đến vị trí thứ tư liên tục thay đổi theo từng năm. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ vị trí thứ tư (năm 2020) đã vượt lên đứng vị trí thứ nhất (trong các năm 2021 và 2022).
Tiếp theo đó là sự cải tiến thứ hạng của các đơn vị: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội. Khối các trường đại học ngoài công lập, ngoài các đơn vị: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có thêm sự xuất hiện của Trường Đại học Văn Lang góp tên trong danh sách 10 đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố của năm 2022.
Trong kết quả thống kê này chúng ta hiểu rằng, mỗi bài báo được tính cho đơn vị nào đồng nghĩa với việc trong bài báo đó có ít nhất một tác giả ghi địa chỉ của đơn vị đó. Hay nói cách khác, một bài báo có thể được liệt kê và tính cho nhiều đơn vị khác nhau (tùy thuộc số lượng tác giả khác đơn vị được ghi trong bài báo).
Kết quả thống kê cũng cho thấy, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và công bố kết quả ở gần 150 lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (theo cách phân loại của WoS). Cụ thể, năm 2020: 146 lĩnh vực; năm 2021: 148 lĩnh vực; năm 2022: 149 lĩnh vực.
Các lĩnh vực nghiên cứu có số lượng công bố nhiều nhất đó là: Kỹ thuật (Engineering), Hóa học (Chemistry), Vật lý (Physics), Khoa học vật liệu (Materials Science), Khoa học máy tính (Computer Science), Khoa học môi trường và Sinh thái học (Environmental Sciences Ecology), Toán học (Mathematics), Các lĩnh vực khoa học công nghệ khác (Science Technology Other Topics), Kinh tế và kinh doanh (Business Economics), Nhiên liệu và năng lượng (Energy Fuels) và Viễn thông (Telecommunications).
Qua kết quả thống kê này cũng cho chúng ta phần nào thấy được thế mạnh và xu hướng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong những năm qua, trong đó đáng chú ý 2 lĩnh vực ngày càng được quan tâm nghiên cứu và công bố, đó là: Khoa học máy tính và Kinh tế kinh doanh.
Chúng ta lưu ý rằng, một bài báo có thể được thống kê cho 2 hoặc 3,… lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và trọng số được hiểu là tỷ lệ (%) so với tổng số kết quả công bố của tất cả các lĩnh vực nghiên cứu của năm đó.
Danh sách 10 lĩnh vực nghiên cứu có số lượng công bố nhiều nhất (giai đoạn 2020 - 2022). |
Công bố quốc tế - “biên giới mềm”
Công bố khoa học là công đoạn tất yếu của quá trình nghiên cứu và có lẽ chúng ta không nên đặt câu hỏi “vì sao phải công bố khoa học?”. Tương tự thế, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực, sự hợp tác và hội nhập trong nghiên cứu khoa học là điều tất yếu và công bố quốc tế là một phần không thể thiếu được trong tiến trình đó. Sẽ không đầy đủ khi liệt kê một số lợi ích mang lại của việc công bố quốc tế, nhưng dù sao cũng là những ví dụ để chứng minh:
Thời kỳ khó khăn của đất nước, không Internet, không máy tính,… nhiều nhà khoa học Việt Nam đã phải gõ từng bản thảo bài báo bằng máy in ronéo, gửi bằng thư đến các tạp chí khoa học ở nước ngoài và rồi mòn mỏi chờ đợi. Khó khăn là thế nhưng không làm nhụt ý chí và niềm đam mê, thế hệ các nhà khoa học đó đã tiên phong và kiên trì “quảng bá trí tuệ Việt Nam” ra khắp năm châu.
Qua những kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới biết đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn, uy tín học thuật và mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học trên thế giới ngày càng được nâng cao và mở rộng. Khó có thể thống kê hết những đóng góp của thế hệ các nhà khoa học đối với đất nước qua các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong công tác đào tạo và bồi dưỡng lực lượng kế cận thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, học bổng,… và đó là nền tảng quan trọng cho nền khoa học và công nghệ Việt Nam hôm nay.
Thời nay, mặc dù công bố quốc tế hiện còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau và sẽ cần lời giải trong tương lai. Tuy nhiên, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam (trong WoS) đứng thứ 46 - 47 trên bảng tổng sắp toàn thế giới, trong điều kiện kinh tế của một nước đang phát triển là một kết quả đáng khích lệ. Các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ đã và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh “mang hình ảnh trí tuệ của Việt Nam ra với thế giới”. Tất cả chúng ta đều biết đến những đóng góp thầm lặng đó đã góp phần giúp đất nước “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Khái niệm “biên giới mềm” đã không còn xa lạ và chúng ta hãy nhìn nhận việc công bố quốc tế của các nhà khoa học nằm trong tổng thể “chiến lược biên giới mềm” của quốc gia. Thêm nữa, trong khuôn khổ bài viết không thể phân tích hết ý nghĩa của những con số thống kê trên. Tùy cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người, mỗi con số sẽ phản ánh ít nhiều những điều chúng ta quan tâm.
Lời kết
Như đã đề cập ở trên, mặc dù đã cẩn trọng đối với các số liệu công bố, tuy nhiên trong quá trình thống kê và xử lý kết quả có thể có những sai lệch nhất định. Lý do, ngoài những nguyên nhân chủ quan còn có các nguyên nhân khách quan khác, chẳng hạn như: Tên đơn vị công tác mà các tác giả ghi trong bài báo không nhất quán dẫn đến khả năng thống kê thiếu; không loại trừ khả năng vì lý do nào đó mà WoS chưa cập nhật hết kết quả công bố của các đơn vị;…
Các tác giả gồm: Đinh Đức Tài (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - Vũ Thanh Bình (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Phạm Hùng Hiệp (Trường Đại học Phú Xuân)