Trong đó, nội dung tuyển sinh được sửa đổi như sau: Tuyển sinh liên thông có thể được thực hiện tối đa 2 lần trong 1 năm theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh liên thông.
Quy chế tuyển sinh liên thông của cơ sở giáo dục đại học không trái với các quy định tại Thông tư này, quy chế thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (đối với tuyển sinh liên thông chính quy) hoặc quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học (đối với tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học).
Về thi tuyển, cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm: Môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề. Cơ sở giáo dục đại học công bố công khai các môn thi trong thông báo tuyển sinh trước kỳ thi 3 tháng.
Thông tư cũng ghi rõ, không bảo lưu kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong xét tuyển thí sinh liên thông.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào: Điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
Với việc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Tổ hợp các môn xét tuyển vào ngành đào tạo liên thông phải cùng tổ hợp các môn xét tuyển vào ngành tương ứng của hệ đào tạo chính quy do cơ sở giáo dục đại học công bố;
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng của thí sinh liên thông không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng tương ứng của thí sinh hệ chính quy do Bộ GD&ĐT công bố.
Căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển theo quy chế.
Ngoài ra, một số sửa đổi bổ sung được quy định tại Thông tư như sau:
Khoản 1, điều 4 được sửa đổi, bổ sung: Có quyết định cho phép mở ngành đào tạo và đã có ít nhất 3 khóa tuyển sinh theo hình thức đào tạo chính quy đối với ngành dự kiến đào tạo liên thông.
Khoản 2, điều 7: Người tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Khoản 1, điều 8: Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của cơ sở giáo dục đại học; chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của cơ sở giáo dục đại học.
Chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định hàng năm cho từng ngành đào tạo nhưng không được vượt quá 15% chỉ tiêu chính quy của ngành đối với các ngành về khoa học sức khỏe và không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy của ngành đối với các ngành khác.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 4/6/2015.