Kỳ vọng về chương trình mới
Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng ngày, chi tiết 20 dự thảo đã được công bố trên website của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong 60 ngày.
Chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông – chương trình mới có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Một số môn học tích hợp mới như: Khoa học (cấp tiểu học), Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Khoa học tự nhiên (THCS), Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Ngoài ra, một số môn học, hoạt động giáo dục lần đầu được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…
Trước đó, các chuyên gia là chủ biên chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã chia sẻ trên báo chí, giúp hình dung diện mạo chương trình các môn học với nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá, cũng như những lưu ý trong điều kiện thực hiện chương trình từng môn.
Sau khi dự thảo chương trình môn học được công bố, nhiều chuyên gia, nhà giáo nhận định: Dự thảo đã tiếp cận được xu hướng phát triển của thế giới, giúp học sinh có được những kỹ năng và cách nhìn đúng đắn, toàn diện. Phụ huynh kỳ vọng với chương trình mới, việc học thuộc lòng sẽ không còn là nỗi ám ảnh với học trò… Tuy nhiên, để chương trình mới thành công cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu (thứ 2 từ phải qua), Phó chủ tịch UBND TPHCM tặng hoa chúc mừng 4 nhà khoa học xuất sắc. Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Những câu chuyện đẹp về sinh viên, nhà giáo
Tuần qua, một số báo đưa tin về giải thưởng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU Prize) lần đầu tiên năm 2017. Theo đó, trong số 4 nhà khoa học được trao giải có một nhà khoa học Việt Nam là PGS.Nguyễn Thời Trung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) - người có 100 công trình nghiên cứu trên các tập chí khoa học uy tín cao được liệt kê trong cơ sở dữ liệu ISI của Hoa Kỳ, có đến 4.176 trích dẫn khoa học với chỉ số H (Hirsch) là 35, tương đương 59 trong Vật lý.
Vượt qua 62 ứng viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Nga, Bỉ, 3 nhà khoa học khác được trao giải gồm: GS Edward A. McBean (ĐH Guelph - Canada); GS Stephanie Kwai -Yee Ma (ĐH Hồng Kông); GS Leo Choe Peng (ĐH Sains Malaysia). Các nhà khoa học được trao giải là những nhà khoa học uy tín, có nhiều công bố khoa học quốc tế và có chỉ số trích dẫn rất cao.
Cô Cúc cần mẫn rèn nét chữ cho trò |
Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ câu chuyện xúc động về cô giáo đã về hưu Trương Thị Thu Cúc (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) thành lập lớp học tình thương cho trẻ thiểu năng trí tuệ hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng cô Cúc vẫn quyết bám lớp nhiều năm qua và trở thành điểm tựa của nhiều học sinh khuyết tật trên địa bàn xã Hành Minh.
Hiện 20 học sinh đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh đều đặn đến lớp học đặc biệt của cô giáo Cúc vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6 trong tuần. Mỗi năm, cô giáo nhân hậu đều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, trích một phần lương hưu, vận động thêm một số cá nhân hảo tâm mua đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho các em trong lớp.
Hay câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhàn (Đông Hòa, Phú Yên) – một giáo viên giỏi đã vượt qua nỗi đau hôn nhân đổ vỡ, tai nạn giao thông – để vừa dạy học, vừa viết văn. Những bài viết của cô về hoàn cảnh học trò bất hạnh đã giúp nhân vật trong bài nhận được sự hỗ trợ quý giá của cộng đồng, từ đó vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục tới trường.
Nỗ lực không ngừng nghỉ vì học sinh của cô giáo Nhàn mới đây lại lần nữa được ghi nhận khi cô được Sở GD&ĐT Phú Yên tuyên dương: “Giáo viên có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện cuộc vận động: Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”.
Cũng trên báo Giáo dục và Thời đại, người đọc biết đến thầy giáo Trần Xuân Hiệp (Trường THPT Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) – người sáng tạo thành công sản phẩm "Thiết bị chiếu phiếu học tập" và giành giải nhất hội thi thiết bị đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố.
Với giá thành chỉ từ 300.000 đến 500.000 đồng, thiết bị có thể sử dụng chiếu các thí nghiệm trong các môn: Sinh học, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học, đồng thời có thể dùng để chiếu các vật thể 3D có kích thước phù hợp trên các góc độ khác nhau. So với giá thành của hệ thống máy chiếu trong giáo dục hiện nay (từ 18 đến 30 triệu đồng), “Thiết bị chiếu phiếu học tập” giảm chi phí rất nhiều.
Không chỉ giảng dạy và sáng tạo, thầy Hiệp còn là giáo viên đi đầu trong phong trào "Nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn". Hằng năm, thầy đều tham gia dạy miễn phí cho những học sinh yếu và nhận đỡ đầu từ một đến hai học sinh có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn.
Em Nguyễn Xuân Đạt học sinh lớp 12H (áo trắng). |
Một câu chuyện đẹp khác trong tuần qua là về học sinh Nguyễn Xuân Đạt (lớp 12H Trường THPT Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Chiều 14/1, trên đường đi cắt cỏ về, Đạt nhặt được một chiếc ví trong đó có 30 triệu đồng cùng một số giấy tờ tuỳ thân. Từ thông tin trong ví tiền, Đạt nhanh chóng tìm ra chủ nhân của số tài sản nói trên, liên lạc và đến nhà để trả lại ví tiền nhặt được.
Trước hành động đẹp này, Trường THPT Hương Sơn đã tặng giấy khen và tuyên dương Nguyễn Xuân Đạt trước toàn trường; đồng thời, Ban giám hiệu trích 300.000 đồng từ ngân sách hoạt động của nhà trường để làm phần thưởng cho Đạt.