Những kết quả giáo dục nổi bật năm 2017
Ngày 28/12, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục năm 2017. Trong đó nêu rõ, năm 2017, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về GD&ĐT. Các nhiệm vụ đặt ra cho ngành được cụ thể hóa theo từng năm, từng giai đoạn với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn, cụ thể như sau:
Về 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GD&ĐT; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp; Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;
Ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao
5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giáo dục; Nâng cao năng lực đội ngũ của CBQL giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Công tác truyền thông về giáo dục
Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2017 đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.
Ngày 29/12, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố 9 kết quả giáo dục nổi bật năm 2017, gồm: Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH thành công, gọn nhẹ, giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội; Các đội tuyển Olympic đạt thành tích cao nhất trong lịch sử; Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Giáo dục ĐH;
Tăng cường kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH; Nhiều tấm gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học; Tăng cường nền nếp, kỷ cương, chấn chỉnh các hoạt động ngoài chuyên môn; Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nhà giáo, CBQL.
Điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia
Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.
Mục tiêu nhằm đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.
Mục tiêu cụ thể đối với các cấp học, trình độ đào tạo cũng được đưa ra trong Đề án này.
Để thực hiện mục tiêu, Đề án đưa ra 8 giải pháp: Ban hành và triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, tăng cường năng lực khảo thí ngoại ngữ của quốc gia;
Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ
Nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ. Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.
Thầy giáo biên phòng trên đỉnh Đăk Nhoong dạy chữ cho trẻ. Ảnh:Vietnamnet.vn |
Những tấm gương sáng
Tuần vừa qua, những câu chuyện đẹp về giáo dục cũng được báo chí chia sẻ. Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết về cô Nguyễn Thị Kim Dung - Giáo viên trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) – một giáo viên giỏi có trái tim nhân hậu, hết lòng vì học sinh. Với những thành tích xuất sắc trong công tác và lòng tâm huyết với nghề, cô Dung là một trong 100 giáo viên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm học 2016-2017.
Báo Sài Gòn giải phóng chia sẻ câu chuyện về anh công nhân Hoàng Trọng Khánh (TP Hồ Chí Minh) mở lớp dạy kèm miễn phí cho những đứa trẻ nghèo ở xóm trọ.
Không chỉ tự thuê nhà để mở lớp, anh Khánh còn bỏ tiền túi từ lương công nhân hạn hẹp để mua những phần quà nho nhỏ làm phần thưởng khi các em có sự tiến bộ. Nhận thấy bàn ghế lớp học cũ kỹ, khi được công ty tặng quà sinh nhật, anh dùng số tiền ấy mua ngay bảng, bàn ghế.
Với đóng góp của mình, Anh Khánh là tấm gương học Bác tiêu biểu vừa được Liên đoàn Lao động TPHCM tuyên dương.
Báo Công an Nhân dân viết bài về những giáo viên trên xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Các thầy cô đến với xã đảo khi sự nghiệp giáo dục vừa mới bắt đầu, trường lớp vừa mới hình thành, đến nay có những người gắn bó hơn 35 năm.
Động lực gắn bó với xã đảo nghèo chính là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề giáo muốn được xả thân, cống hiến. Nay, khi xã đảo đã khoác trên mình một diện mạo mới, họ vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tận tâm ươm mầm cho các thế hệ tương lai nơi đây.
Báo Vietnamnet có bài viết về các thầy giáo biên phòng trên đỉnh Đăk Nhoong. Những người lính mang quân hàm xanh trên núi rừng cao nguyên này không chỉ vững tay súng bảo vệ hơn 30km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, mà từ năm 1998 đến nay, họ còn mở được 60 lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho trên 700 lượt người dân của xã vùng cao này.
Thời kỳ đầu, số người bỏ học quá nhiều. Có những lớp chỉ còn từ 7 - 10 người. Vì thế, những chiến sĩ trong đội phải ngày đêm bám dân, bám lớp, thực sự phải 4 cùng (cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng học) với bà con ở tất cả các buôn làng.
Cũng trong tuần này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng và Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017.
Năm nay, Giải thưởng Quả cầu vàng được xét trao cho 9 tài năng trẻ khoa học công nghệ xuất sắc thuộc 5 lĩnh vực. Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật lần thứ 19 được trao cho 20 nữ sinh ở 4 lĩnh vực.
Phần thưởng lần này được chọn từ 102 hồ sơ của 28 trường đại học, học viện, 15 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đảng ủy ngoài nước tại Nhật Bản, Đảng ủy ngoài nước tại Hàn Quốc, Đại sứ quán tại Anh.