Đây là năm thứ 13 CLB tổ chức bình chọn các sự kiện KHCN nhằm tôn vinh và cổ vũ những kết quả, thành tựu về KHCN trên các lĩnh vực gồm: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, xã hội – nhân văn và tôn vinh các nhà khoa học.
Các sự kiện được bình chọn năm nay gồm: Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành với mục tiêu là giúp cộng đồng học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học và thực tiễn, thúc đẩy phát triển đất nước. Đây được xem là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sang tạo của Việt Nam;
Công trình Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác của molybdenum sulfide vô định hình, công trình là bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường;
Hệ thống tính cước thời gian thực của Viettel đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế, sản phẩm được nhận giải thưởng “sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất của năm” do International Busines Stevie Awards trao. Ứng dụng vOCS3 này đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới;
Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ, công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo quản cá trên tàu được lâu hơn và đảm bảo chất lượng tốt hơn;
Vingroup ra mắt Quỹ hỗ trợ nghiên cứu KHCN ứng dụng với mức đầu tư 2.000 tỷ, quỹ đã ký hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với hơn 50 trường đại học hàng đầu tại VN;
Nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao Á Châu , sự kiện đánh dấu bước ngoặt VN là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, tích hợp, vận hành, giám sát tự động hóa hệ thống năng lượng;
Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra tại VN nhằm xây dựng các chủ trương, chính sách của VN tham gia chủ động, có hiệu quả CMCN 4.0, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ;
Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận giải thưởng Dirac 2018 với nghiên cứu hệ nhiều vật, chứng minh giá trị của phương pháp tiếp cận xuyên ngành;
TS Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới với công trình nghiên cứu vật liệu dán ngay lập tức trên tất cả các vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và tái tạo mô nhanh. Miếng dán tạo thành lớp màng ngăn chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sih vật.
Cùng 9 sự kiện tiêu biểu về KHCN được bầu chọn năm 2018, “Phát hiện di cốt của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông nô, Đác Nông” được đánh giá là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Bởi đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa; bổ sung thêm một loại hình cư trú mới, kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đât đỏ Basalt Tây Nguyên. Đồng thời là bước ngoặt cho việc nghiên cứu nhân chủng học/ cổ nhân học ở Việt Nam.
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông nô, Đác Nông” được thực hiện từ 8/2017 đến 8/2020. Di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở VN cũng như trên thế giới khá phổ biến nhưng trong hang động núi lửa chưa có tài liệu nào công bố. Đấy là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: "Đây là sự kiện gây chấn động trong giới khoa học, giới khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam. Từ đấy sẽ mở ra các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực khảo cổ, di trú của người tiền sử. Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời, đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng công viên địa chất toàn cầu ở Đắc Nông. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phát hiện mới, những di chỉ về di trú tại các tỉnh khác của khu vực Tây Nguyên".