Hai năm học gần đây, quán triệt tinh thần GD STEM (GD tích hợp Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) trong việc đổi mới phương pháp GD, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã triển khai thí điểm tại một số trường học trên địa bàn.
Tạo hứng thú học tập
Trường THPT An Dương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) là trường THPT đầu tiên của Hải Phòng thực hiện thí điểm dạy học theo định hướng STEM.
Ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, Ban giám hiệu nhà trường đã cho HS tiếp cận với nội dung chương trình giáo dục STEM dưới hình thức các câu lạc bộ trên các lĩnh vực: STEM theo chương trình SGK phổ thông, STEM tái chế và thiết kế mô hình, STEM robot và tự động hóa STEM nông nghiệp.
Việc thành lập câu lạc bộ do giáo viên nhà trường phụ trách và được các chuyên gia thuộc liên minh STEM Việt Nam tập huấn, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, tiến hành các hoạt động của câu lạc bộ.
Kết quả là, tháng 3/2018, Trường THPT An Dương đã tổ chức thành công Ngày hội STEM lần thứ nhất và tổ chức hội thảo cấp thành phố với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng GD STEM trong trường phổ thông”.
Trong Ngày hội STEM của nhà trường, có các khu trưng bày như: Trải nghiệm các thiết bị tự động hóa, máy in 3D; lắp mô hình xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời và các mạch điện thông minh; các mẫu thiết kế thời trang, sa bàn kích cỡ lớn làm từ nguyên liệu tái chế; các phần trưng bày sách bắt mắt…
Chương trình đã tạo được sự hứng thú học tập, tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của HS và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong việc GD định hướng STEM trong trường học.
Ông Phạm Hoàng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Dương cho biết: Ngày hội STEM lần thứ nhất và hội thảo cấp thành phố với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng GD STEM trong trường phổ thông” đã đem đến sự trải nghiệm thú vị cho HS. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, HS nhà trường có cơ hội khám phá, ứng dụng kiến thức liên môn để tạo ra những sản phẩm hữu ích. Các em được đi từ lý thuyết đến thực hành giúp các em đam mê vận dụng sáng tạo để tạo ra sản phẩm của mình, thắp lên ngọn lửa STEM trong HS và được lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường.
Gian trưng bày máy in lazer 3D của HS Trường THPT An Dương được đánh giá cao tại Ngày hội STEM diễn ra vào tháng 3/2018 |
Gắn liền với thực tiễn đời sống
GD theo định hướng STEM không chỉ đòi hỏi người giáo viên thuần thục trong việc kết hợp kiến thức liên môn để giảng dạy cho HS mà còn đề cao sản phẩm thực tiễn của quá trình học tập đó.
Ông Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh: GD theo định hướng STEM phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sự tích hợp liên môn, gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp HS trải nghiệm và tạo ra sản phẩm, điều này hoàn toàn khác so với dạy học tích hợp theo chủ đề.
Vì vậy, mỗi chuyên đề được tổ chức giáo viên phải thực sự nắm chắc kiến thức các môn học, hướng dẫn và giao việc cho HS phù hợp năng lực, niềm đam mê của các em để kích thích tính sáng tạo, giúp học trò tạo ra những sản phẩm hữu ích. Từ những sản phẩm tuy còn non nớt đó đã phần nào chạm vào mục tiêu GD STEM, giúp các em hình thành kỹ năng và sẽ thành thục trong tương lai gần khi STEM không còn xa lạ.
Năm học 2018 - 2019, thực hiện nhiệm vụ năm học “Tiếp tục quán triệt tinh thần GD tích hợp Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán (STEM) trong việc thực hiện chương trình GD phổ thông ở những môn học có liên quan”, Trường THPT An Dương đã triển khai tập trung vào 3 lĩnh vực: Đối với các môn học thuộc lĩnh vực STEM như Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ nhà trường cho các tổ nhóm rà soát thực tế từng bài học để có thể lồng ghép việc GD STEM vào bài học và xây dựng các chủ đề dạy học theo định hướng STEM; hoạt động trải nghiệm STEM giúp HS khám phá các thí nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tế đời sống; hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho những HS có năng lực, sở thích và hứng thú với việc tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Quá trình tìm tòi, lồng ghép GD STEM vào bài học, Trường THPT An Dương đã xây dựng được hai chủ đề dạy học theo định hướng STEM. Đó là chủ đề môn Sinh học do cô giáo Bùi Thị Nga hướng dẫn HS lớp 11 “Tạo dáng cây cảnh đơn giản trong gia đình”; môn Hóa học lớp 11 do cô giáo Nguyễn Thu Hằng hướng dẫn HS chủ đề “Ứng dụng của cacbon hoạt tính”.
Hai chủ đề trên được đánh giá cao về khả năng dạy học tích hợp liên môn giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học. Dựa vào kiến thức đã học, theo hướng dẫn và phân công nhiệm vụ của giáo viên, từng nhóm HS đã tạo ra những sản phẩm của riêng mình.
Mặc dù để chuẩn bị chuyên đề này còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư công sức lớn, nhiều HS còn khiên cưỡng trong quá trình thực hiện đề tài, nhưng bước đầu, việc GD HS theo định hướng STEM đạt được hiệu quả tốt, tạo hứng thú cho HS tham gia và đem lại kết quả tích cực.
Bài 2: Cần áp dụng linh hoạt để tạo hiệu quả giáo dục tốt