Nhiều gia đình đầu tư cho con học ngoại ngữ từ bậc mẫu giáo để thi lấy chứng chỉ, làm tiền đề tranh suất vào trường “điểm”.
Từ nhu cầu về ngoại ngữ
Mong muốn thế hệ tương lai có thể cạnh tranh tốt trên trường quốc tế, cha mẹ Trung Quốc đã đầu tư cho con cái học tiếng Anh từ rất sớm khi chỉ mới 3, 4 tuổi. Do đó, nhu cầu về dạy và học ngoại ngữ tại Trung Quốc liên tục tăng trong 10 năm qua.
Ở xứ tỷ dân, thị trường đào tạo tiếng Anh cho trẻ em, thanh thiếu niên có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, dành cho trẻ em 12 - 18 tuổi, tập trung cho các kỳ thi như thi THPT, thi đại học hoặc nhu cầu du học. Trẻ 5 - 12 tuổi thuộc nhóm thứ 2, đồng nghĩa học tiếng Anh thiên về kỹ năng cá nhân thay cho điểm số.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi thế hệ phụ huynh tân tiến, những người trong độ tuổi từ 27 - 35. Họ ý thức được giá trị và ưu điểm khi học tiếng Anh từ nhỏ nên đã thúc đẩy con cái học ngoại ngữ ở cấp mẫu giáo.
Cấu trúc gia đình của thế hệ phụ huynh tân tiến là “4+2+1” (hai bên ông bà nội ngoại, một cặp vợ chồng và con cái của họ). Tất cả nguồn lực trong gia đình đều đổ về người cháu duy nhất. Do đó, việc học hành, phát triển trình độ của trẻ em Trung Quốc được đầu tư quan tâm từ rất sớm.
Theo báo cáo của tổ chức giáo dục Jiliguala, Trung Quốc, 76% phụ huynh tham gia khảo sát cho biết con cái bắt đầu học tiếng Anh từ sinh nhật 5 tuổi. Họ trả trung bình 407 USD (9 triệu đồng/năm) để con cái học từ nhỏ. Nhiều người sẵn sàng chi trên 800 USD (20 triệu đồng/năm).
Tuy nhiên, phụ huynh muốn con cái trong độ tuổi mẫu giáo có môi trường làm quen và thực hành tiếng Anh thay vì học nặng về kiến thức. Nắm bắt tâm lý này, nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ dành cho trẻ nhỏ ra đời, thu hút nguồn lực là giáo viên người nước ngoài với những bài giảng linh hoạt, sinh động.
Đến “khát” chứng chỉ
Các chuyên gia giáo dục đánh giá trong những năm trở lại đây, lĩnh vực kinh doanh trung tâm đào tạo ngoại ngữ cả trực tuyến và trực tiếp là thị phần màu mỡ tại xứ tỷ dân, dự đoán trị giá 75 tỷ USD vào năm 2022.
Khi việc học ngoại ngữ ở lứa tuổi mẫu giáo trở nên phổ biến, các trường tiểu học, THCS lấy đó làm tiêu chuẩn để tuyển chọn học sinh. Điều này khiến Chính phủ Trung Quốc lo ngại về cuộc đua giáo dục làm gia tăng áp lực lên học sinh nhỏ tuổi.
Do đó, năm 2011, thành phố Thượng Hải đã huỷ bỏ kỳ thi Tiếng Anh Ngôi Sao. Đây là cuộc thi ngoại ngữ phổ biến dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học. Những em đạt thành tích tốt được tuyển thẳng vào các trường phổ thông hàng đầu, dẫn đến việc phụ huynh đổ xô cho con học thêm để tham dự kỳ thi này.
Khi Tiếng Anh Ngôi Sao bị huỷ bỏ, phụ huynh Trung Quốc chuyển hướng sang các kỳ thi quốc tế như chứng chỉ tiếng Anh sơ cấp, KET (Key English Test) và chứng chỉ tiếng Anh PET (Preliminary English Test).
Được tổ chức bởi Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge, chứng chỉ KET tương đương với trình độ A2, PET tương đương trình độ B1 trong Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu (CEF). Đây là những cuộc thi ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.
Học sinh tiểu học sở hữu một trong hai chứng chỉ này có thể ghi danh vào lớp chất lượng cao tại các trường THCS hàng đầu trong khu vực. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, khoá học lấy chứng chỉ KET, PET đã trở nên phổ biến với chi phí vô cùng đắt đỏ.
Ông Wu Xingyu, Giám đốc Trung tâm Tiếng Anh New Channel International Education, cho biết: “Các lớp luyện thi KET, PET có giá 105 USD (khoảng 2,3 triệu đồng/giờ), học khoảng 6 tháng trước kỳ thi. Phụ huynh tại các thành phố lớn rất hào phóng chi trả cho những khoá đào tạo này”.
Chị Caroline Zhang, phụ huynh sống tại Thượng Hải, cho biết, đã yêu cầu con gái tham gia kỳ thi PET khi cô bé học lớp 4 vì không muốn bị tụt lại so với bạn bè. Vào thời điểm đó, khoảng 1/3 số học sinh trong lớp của con chị Zhang đã sở hữu chứng chỉ này.
“Nhiều phụ huynh không hiểu hết giá trị của chứng chỉ tiếng Anh mà bắt con học và thi vì các phụ huynh khác cũng làm như vậy. Họ chỉ quan tâm rằng chứng chỉ giúp các con vào được trường tốt”, chị Zhang bày tỏ.
Từ cuối năm 2020 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn tác động của chứng chỉ quốc tế lên giáo dục phổ thông bằng cách yêu cầu các trường tuyển chọn học sinh qua rút thăm ngẫu nhiên. Nhưng quy định mới không làm KET và PET hạ nhiệt.
Theo ông Xingyu, các trường vẫn tìm cách tận dụng giá trị của những chứng chỉ này. Một số phân loại học sinh vào các lớp dựa trên trình độ tiếng Anh.
Số khác tổ chức thi phỏng vấn bằng tiếng Anh. Do đó, bất chấp những cải cách mới của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục, thông thạo tiếng Anh là mục tiêu phấn đấu của phụ huynh, học sinh cả nước.