Cha mẹ trở nên xa lạ với hàng triệu trẻ em Trung Quốc

Tình trạng thiếu việc khiến người lao động đổ về các thành phố lớn, bỏ lại con và cha mẹ già ở nông thôn. Hàng triệu đứa trẻ chỉ có thể gặp cha, mẹ một lần mỗi năm.

Cha mẹ trở nên xa lạ với hàng triệu trẻ em Trung Quốc
d
Cậu bé Lu sống xa cha mẹ từ nhỏ. Ảnh: CNN

Lu Yimming, một cậu bé 6 tuổi, sống cùng bà ngoại 72 tuổi, ở làng Chao Hu (tỉnh An Huy). Mẹ của Lu bỏ nhà sau khi sinh nở. Cha cậu bé làm việc ở một xưởng mộc ở tỉnh Sơn Đông, cách quê vài trăm km về phía bắc. Mỗi năm, cha của Lu về thăm nhà một lần.

Ở Trung Quốc, khoảng 61 triệu đứa trẻ có hoàn cảnh giống Lu và phần lớn chúng chỉ gặp cha, mẹ một lần mỗi năm. Người ta gọi chúng là "những đứa trẻ bị bỏ lại". Chúng đánh nhau ở trường, gặp vấn đề về tâm lý và hành vi nhiều hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác, theo CNN.

"Tôi không thể chăm sóc và giáo dục Lu theo cách tốt nhất. Nó cần sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn khác" - Bà ngoại của Lu tâm sự.

Tình trạng thiếu việc làm trầm trọng ở nông thôn

Không khí ảm đạm bao trùm làng Chao Hu với những ngôi nhà mà người ta đang xây dở và cánh đồng bỏ hoang. Không khí nhiễm bụi kim loại nặng từ các cơ sở công nghiệp.

s
Những thửa ruộng hoang ở làng Chao Hu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Những người trong độ tuổi lao động đã rời làng để tìm việc ở các thành phố. Trong làng, những người già chăm sóc lũ trẻ sống xa bố mẹ. Cậu bé Lu dẫn phóng viên đi quanh ngôi làng nhỏ. Một nhóm phụ nữ lớn tuổi ngồi trên ghế gỗ nghe radio và đan len, vài người nấu rượu trong thùng phuy.

"Chúng tôi không còn đất để trồng trọt. Cha mẹ của bọn trẻ lên thành phố để kiếm việc làm và để chúng ở nhà" - Bà ngoại của Lu nói.

Liên đoàn phụ nữ Trung Quốc rất quan tâm đến cuộc sống ảm đạm của những đứa trẻ xa cha mẹ. Hoàn cảnh khó khăn khiến chúng có nguy cơ rơi vào tình trạng bị lạm dụng và phạm tội khi còn nhỏ.

"Tình trạng thiếu việc làm tác động rất lớn đối với xã hội và thế hệ những đứa trẻ lớn lên mà không hưởng sự chăm sóc của cha mẹ. Một thế hệ thanh niên Trung Quốc thiếu sự bảo đảm và tin tưởng có thể dẫn tới hậu quả tai hại" - Ines Kaempfer, đại diện của Trung tâm Bảo trợ quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhận định.

Hậu quả ngoài ý muốn của quá trình đô thị hóa và di cư hàng loạt không chỉ tồn tại ở Trung Quốc. Hàng loạt quy định nghiêm ngặt khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. 

Quy định về đăng ký hộ khẩu khiến hầu hết người Trung Quốc không thể thay đổi hộ khẩu khi họ di cư. Do đó, họ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội khác ở khu vực đô thị. Con cái của người nhập cư không thể học ở trường công lập - ngay cả khi chúng ra đời ở thành phố.

Cuộc sống của những người nhập cư

Nhiều người chỉ trích hệ thống quy định về hộ khẩu khiến cho một tầng lớp nhân công giá rẻ hình thành để phục vụ sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận một số thất bại trong chính sách. Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận và đề xuất phương án cải cách quy định về hộ khẩu, bao gồm bỏ giấy tạm trú trong cuộc họp thường niên vào tháng 3/2015.

"Hộ khẩu là một vấn đề quan trọng. Người nhập cư không đủ khả năng đưa con cái đến các thành phố lớn bởi giá thuê nhà quá cao trong khi lương của họ rất thấp. Họ không thể trang trải tiền học phí ở các trường học tư nhân" - GS Fan Bin, Viện Công nghệ Huadong, nói.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ