Con ở riêng nhưng không muốn gặp bố mẹ, tôi phải làm sao?

GD&TĐ - Vợ chồng tôi có 2 con. Chúng đều đã lớn tuổi. Con trai cả 39 tuổi đã kết hôn, có 3 con và đang sống cách chúng tôi khoảng 15 phút lái xe. Con gái út 33 tuổi, độc thân và đang sống ở một thành phố khác. 

Con ở riêng nhưng không muốn gặp bố mẹ, tôi phải làm sao?

Dù ở gần nhưng con trai tôi hầu như không gọi điện hay qua lại để hỏi thăm bố mẹ. Con nói với chúng tôi đang bận kiếm tiền, và vừa làm cha, vừa làm chồng. Tôi thông cảm với con và luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi con cần. 

Gần đây, tôi hỏi con trai: “Con à, cuối tuần này các con có ghé thăm bố mẹ không? Mẹ có chút quà cho các cháu”. Con trả lời: “Ôi mẹ ơi, con xin lỗi, tuần này con không thu xếp được mẹ ạ, thậm chí 30 phút con cũng không ghé được”.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, chúng tôi biết chuyện bố mẹ của con dâu đã đến nhà của 2 đứa và ở lại vài ngày. Họ đã có rất nhiều thời gian để chơi với các cháu. Tôi và chồng cảm thấy buồn và tủi thân. Tôi còn trách con ích kỷ khi không dành thời gian cho chúng tôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại cảm thấy lo lắng, người ích kỷ có lẽ không phải con mà chính là tôi. 

Tôi càng cảm thấy có lỗi với con trai khi biết tin con đã phải phải nhập viện vài tháng trước vì bệnh viêm tụy. Do công việc nên con phải uống khá nhiều với đối tác. Bác sĩ đã cảnh báo con rất nhiều bệnh nguy hiểm nếu con không chịu thay đổi lối sống. Con dâu cũng cố gắng che đậy việc con trai tôi thường xuyên đi uống rượu.

Sau này, tôi còn khám phá ra một sự thật đau lòng: Con trai tôi luôn cảm thấy mình bị đối xử không công bằng, em gái của nó luôn có nhiều hơn những gì mà nó đang có. Con trai tôi nghĩ rằng từ nhỏ, con đã không được chúng tôi quan tâm nhiều bằng em gái của mình. 

Tôi rất thương con và cảm thấy có lỗi vì đôi khi tôi chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình. Nhưng thực tế, con đã không nhớ được hết những gì chúng tôi làm cho con cũng như sự giúp đỡ và hỗ trợ của chúng tôi từ khi con kết hôn.

Tôi căng thẳng trong nhiều ngày vì không giải thích được tại sao chúng tôi không thể gần gũi hơn với con trai và con dâu. Những sự thật về con trai mà tôi phải nghe từ người khác càng khiến tôi cảm thấy tổn thương.

Chồng tôi cũng không giúp gì được. Cuối cùng, ông ấy khuyên tôi nên đi chơi cùng bạn bè cho khuây khỏa. Ông ấy nói có lẽ do ở nhà quá lâu nên tôi trở nên nhạy cảm quá mức.  

Nghe lời chồng, tôi dần kết nối trở lại với bạn bè, nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi thực sự không muốn kể những chuyện không vui trong cuộc sống của mình. Nhưng rồi tôi cũng buột miệng kể hết với một người bạn mà tôi cảm thấy tin tưởng. Bà ấy mang lại cho tôi cảm giác rất dễ chịu khi không vội vàng đứng về phía tôi để trách móc con trai tôi. Quan điểm trung lập của bà ấy càng khiến tôi cảm thấy tin tưởng rằng mình đã tìm đúng người để tâm sự. 

Bà ấy nói: “Bà đừng vội trách con hay trách bản thân. Ngay cả những bậc cha mẹ làm hết sức mình đôi khi cũng vô tình để con cái họ cảm thấy bị tổn thương theo cách này hay cách khác. Lúc này, điều quan trọng là bà phải mở lòng để lắng nghe quan điểm của con”.

Đáp lại lời khuyên nhủ chân thành của bạn, tôi thở dài: “Haiz, giờ gặp nhau còn khó, làm sao tôi có cơ hội để mở lòng với nó?”. Tiếng cười thoải mái của bà ấy khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên thú vị hơn: “Haha, đấy, bà chưa thực sự bắt đầu mà đã bàn lùi rồi. Thế này nhé, điều quan trọng là con trai bà đang gặp quá nhiều áp lực trong cuộc sống, vì thế, khi suy nghĩ chưa thấu đáo, nó có thể trút giận và tìm cách đổ lỗi lên người khác. Đó chỉ là một phản ứng tâm lý thông thường và có thể cảm thông được. 

Con bà đang phải nuôi 3 đứa con, điều này không dễ chút nào. Mà nãy tôi nghe bà kể, hình như con trai bà còn đang vật lộn với chứng nghiện rượu. Đó cũng có thể là lý do nó muốn tránh mặt bà. Suy cho cùng, cách duy nhất để biết sự thật là bà nên chủ động hỏi han bằng sự đồng cảm sâu sắc hơn là trách mắng.

Việc nói những câu như: "Con trai ơi, lâu rồi chúng ta không gặp nhau, mẹ nhớ con quá” có khiến uy tín của bà giảm đi chút nào không?. Con trai của bà có thể không hào hứng và cởi mở với cuộc trò chuyện ngay lập tức, nhưng bà càng tiết chế được những câu phàn nàn thì con trai bà càng có xu hướng tiến về phía bà và chia sẻ những gì thực sự đang diễn ra trong cuộc sống của nó. 

Nghe lời bạn, ngay hôm sau, tôi nảy ra một ý tưởng và gọi cho con trai: “Con à, tự nhiên tháng này bố con đưa tiền cho mẹ nhiều hơn bình thường. Mẹ hỏi thì bố con không chịu nói tại sao, nhưng mẹ thấy vui lắm. Tối nay con đưa vợ và các cháu ghé qua nhà bố mẹ nhé. Chúng ta sẽ liên hoan một bữa”. 

Tuần sau, tôi lại nhắn con, bày tỏ rằng tôi muốn rủ các cháu đi xem phim để con trai và con dâu có chút thời gian nghỉ ngơi. Khi chạm mặt con, thậm chí có thời gian để 2 mẹ con hàn huyên, tôi cũng không cố gắng hỏi những điều mà con không muốn nói. Tôi chỉ muốn dành hết sự yêu thương của mình cho con.

Tôi tin, khi con bắt đầu cảm nhận tôi đang muốn giúp đỡ con hơn là yêu cầu điều gì đó ở con, suy nghĩ của con sẽ dần thay đổi, con sẽ có xu hướng nói chuyện với tôi về những gì đã và đang cản trở mối quan hệ thân thiết giữa chúng tôi.

Đúng như bạn tôi nói, yêu thương và thấu hiểu là con đường tốt nhất để tiến tới mối quan hệ mà tôi vô cùng mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ