Con học sa sút vì cảm xúc… sai hướng

GD&TĐ - Cảm xúc tiêu cực nếu xuất hiện trong thời gian dài với trẻ mà không có biện pháp giải tỏa một cách hợp lý sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt.

Để giúp trẻ giải phóng những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ cần hiểu được tâm tính của trẻ. Ảnh minh họa
Để giúp trẻ giải phóng những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ cần hiểu được tâm tính của trẻ. Ảnh minh họa

>> 8 lý do cha mẹ cần khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc

>> Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc

Mất bình tĩnh vì lý do không đâu

Giải phóng cảm xúc là cách khiến trẻ được thoát ra những trạng thái bức bối hay quá vui sướng của bản thân. Trong đó, cảm xúc tiêu cực cũng có vai trò riêng của nó và không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng xấu. Trong những tình huống thích hợp, nó giúp trẻ có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm và tạo động lực cho con phát triển.

Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực ấy nếu xuất hiện trong thời gian dài mà không có biện pháp giải tỏa một cách hợp lý sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt. Nó có thể trở thành bức tường ngăn cản trẻ tận hưởng niềm vui dẫn đến trạng thái tồi tệ sau này.

Cô giáo Nguyễn Hương Trà, Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Nội) cho biết, đối với người lớn, việc kiểm soát cảm xúc vốn không hề dễ dàng. Do đó, việc trẻ nhỏ hay lo lắng, giận dữ, buồn bã, không kiềm chế được cảm xúc là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không sớm đặt ra giới hạn trong hành vi, suy nghĩ của trẻ, người lớn sẽ đau đầu khi gặp phải rất nhiều hệ luỵ rắc rối từ trẻ sau này.

Theo cô Trà, trong độ tuổi từ 1-5, trẻ học hỏi và khám phá thế giới. Nhờ vào sự dìu dắt từ cha mẹ, gia đình, trẻ bắt đầu sở hữu những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Kéo theo đó, các cơn giận dữ thường xuyên xảy ra. Nói cách khác, trẻ mẫu giáo tự điều chỉnh tâm lý và thường nổi cơn tam bành là một hiện tượng phổ biến.

Ở giai đoạn mẫu giáo, sự nổi nóng của bé có thể kéo dài thường xuyên, gây rắc rối ở trường học, gia đình, trong giao tiếp với bạn bè và người thân. Giận dữ có thể dẫn tới những thay đổi sinh lý bất lợi như tăng huyết áp, tăng hormone giải phóng năng lượng,..

Những trẻ có hành vi hung hăng từ sớm và biểu hiện ngày càng tăng sẽ phải đối diện với nguy cơ như sức học yếu kém, dễ mắc bệnh liên quan đến tâm lý. Thậm chí, trẻ có hành vi bạo lực, xu hướng thất nghiệp khi trưởng thành.

Khi vào tiểu học, nếu vẫn còn những cảm xúc tiêu cực, trẻ thường tỏ ra tức giận và dễ dàng nổi nóng, hay càu nhàu, mất hứng thú với một số hoạt động vui chơi mà trẻ yêu thích.

Cùng với đó, trẻ sẽ đánh mất khả năng kiểm soát bản thân. Trong bất cứ thời điểm nào, trẻ cũng có thể mất bình tĩnh vì lý do không đâu, rồi nổi nóng trả lời một cách gắt gỏng. Chúng nhìn nhận những nhận xét của người lớn với thái độ đối đầu. Điều này ảnh hướng lớn tới học tập và tính cách sau này.

Giúp trẻ giải quyết căng thẳng

Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý có thể làm tăng kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Sức khỏe tốt là nền tảng đảm bảo căng thẳng hay stress không thể “tấn công”. Với trẻ đang trên đà phát triển thể chất, nhận định này lại càng đúng hơn. Cha mẹ cần hạn chế cho bé dùng thực phẩm công nghiệp, nhiều đường hay dầu mỡ. Thay vào đó, nên chú trọng hấp thu rau củ quả xanh, thực phẩm tự nhiên cũng như áp dụng quy trình ăn uống đúng bữa, khoa học.

Đồng thời, cho trẻ tăng cường vận động thể chất. Người lớn cần luôn cần ghi nhớ rằng, quá trình vận động có tác dụng kích thích cơ bắp phát triển, đẩy mạnh tuần hòan, hô hấp cùng sự điều hòa “nhịp sống” cho toàn bộ cơ thể. Tập thể dục, thể thao nhẹ vừa sức còn được chứng minh có thể hỗ trợ trẻ trong nhiều độ tuổi, giảm thiểu stress không ít, nhờ lợi ích “giải phóng” áp lực cũng như mệt mỏi thường nhật.

Bên cạnh việc học tập, cha mẹ cũng cần lên thời gian biểu cho trẻ chơi. Hãy thông báo cho trẻ khi có sự chuyển giao hoặc thay đổi trong chương trình chăm sóc trẻ. Lên kế hoạch hoạt động sao cho trẻ có thể bộc lộ cảm xúc của mình thông qua trò chơi. Sách, hoạt động mỹ thuật, chơi trò con rối và vẽ cho phép trẻ nghĩ và bộc lộ cảm xúc của mình.

Ngoài ra, để giúp trẻ giải phóng những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ cần hiểu được tâm tính của trẻ. Những gì mà trẻ này thấy bình thường đôi khi với trẻ khác lại là quá sức chịu đựng.

Hãy giảm bớt hoạt động khi bạn thấy những tín hiệu của sự căng thẳng trong hành vi của trẻ. Cho phép trẻ làm theo cách riêng của chúng. Tổ chức các hoạt động sao cho trẻ có thể hợp tác với bạn khác, nới lỏng sự cạnh tranh giữa chúng.

Cha mẹ cũng cần dành cho trẻ sự âu yếm, sự yên tâm và những lịch trình quen thuộc như giờ đi ngủ hoặc giờ kể chuyện trước khi ngủ. Có thể cho trẻ một thứ đồ chơi đặc biệt để trẻ thấy yên tâm.

Hơn hết, người lớn cần dành thời gian cho con cái. Khi trẻ cần nói chuyện hoặc đơn giản là chỉ ở trong phòng cùng nhau thì hãy dành thời gian cho trẻ. Ngay cả khi trẻ lớn hơn thì việc này vẫn rất quan trọng. Hãy thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của con, bất kể tuổi tác của chúng. Điều đó giúp trẻ thấy chúng rất quan trọng trong cuộc sống này và yên tâm hơn khi có người đồng hành.

Nếu con đã lớn, hãy giúp chúng học cách tự giải quyết những vấn đề của mình và đưa ra các cách giải quyết. Điều này giúp chúng hình thành tính độc lập, luôn có nhiều lựa chọn, tìm ra giải pháp hoặc tìm ra cách làm hài lòng bản thân.

“Điều quan trọng nhất, người lớn cần làm gương cho trẻ. Bởi con cái học rất nhiều từ chúng ta, bất kể điều đó là tốt hay xấu. Hãy nhớ rằng trẻ bắt chước rất nhanh và chúng cũng có thể xử lý với căng thẳng giống như cách mà chúng vẫn thấy người lớn làm. Trong một số trường hợp, đặc biệt đối với trẻ lớn thì nên giải thích và đưa ra các phân tích để trẻ thực sự hiểu vấn đề. Lời giải thích này sẽ làm dịu đi phản ứng của trẻ”, cô Trà nhấn mạnh.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng thời thơ ấu là quãng thời gian mà trẻ vô tư, không phải lo lắng hoặc không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ lại dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ stress hơn người lớn. Đó là do bé chưa biết cách tự giải tỏa cảm xúc bản thân, chưa có kỹ năng để khống chế và điều khiển những cảm giác tiêu cực như chán nản, thất vọng, buồn phiền…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ