Kiểm soát cảm xúc tiêu cực của con trẻ: Điểm yếu của nhiều phụ huynh

GD&TĐ - Trẻ ăn vạ không phải là tình huống dễ dàng đối với cha mẹ. Tuy nhiên, chỉ cần biết cương - nhu đúng lúc và kiên trì, phụ huynh hoàn toàn có thể điều chỉnh được hành vi của trẻ.

Trẻ từ 1 - 3 tuổi thường ăn vạ. Ảnh minh họa.
Trẻ từ 1 - 3 tuổi thường ăn vạ. Ảnh minh họa.

Hiếm cha mẹ nào không trải qua những lúc con ăn vạ. Song, có lẽ không phải phụ huynh nào cũng biết cách “giải quyết” nó một cách hợp lý.

Kiên quyết trước những cơn ăn vạ

Ở mỗi giai đoạn khủng hoảng của trẻ, điều khiến cha mẹ lo lắng nhất chính là khi con ăn vạ. Trẻ có thể hậm hực với thái độ bướng bỉnh và chống đối mọi điều cha mẹ nói. Thậm chí, bé sẽ khóc, gào thét và tự làm đau bản thân hoặc những người xung quanh.

Tất cả những hành vi tiêu cực này thường được gọi là “ăn vạ”. Nhờ “tuyệt chiêu” này, trẻ sẽ gây áp lực cho cha mẹ nhằm đạt được điều mình muốn.

Chị Hoàng Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Cháu Bi nhà tôi là con đầu nên được quan tâm chiều chuộng từ bé. Bắt đầu từ khi lên 3 - 4 tuổi, Bi thỉnh thoảng ăn vạ. Và gần đây, cháu liên tục ăn vạ, gào thét ghê gớm”.

Nữ phụ huynh này bày tỏ, khi ăn vạ, nếu không thấy ai nói gì, Bi sẽ càng gào khóc to hơn. Thậm chí, mỗi khi đến giờ ăn cơm, Bi không chịu vào ngay mà thường để chị Vân phải gọi và nhắc nhiều lần. Bởi vậy, vợ chồng chị Vân đều “bất lực” trong việc đối phó với những lần ăn vạ của con.

Có lẽ, đây không phải là nguyên nhân gây “đau đầu” của riêng nhà chị Vân. Không ít ông bố bà mẹ “cầu cứu” trên mạng xã hội và xin lời khuyên khi con thường xuyên ăn vạ. Nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ, không ít lần họ "muối mặt" khi con nằm lăn ra đất và gào khóc, ngay cả khi ở nơi công cộng.

Lý giải về hành vi ăn vạ ở trẻ, Ths tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh - Công ty TNHH Kidsonline cho biết, tình trạng này của con thường khiến mọi người trong gia đình bực mình và cảm thấy bất lực.

Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, ông bà và cha mẹ thường chiều trẻ hơn trước. Do đó, trẻ sẽ thường xuyên ăn vạ để mọi việc diễn ra theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, việc xử lý hành vi ăn vạ không quá khó khăn nếu người lớn kiên quyết và cứng rắn. Chỉ như vậy, trẻ mới dần bỏ được hành vi xấu.

Theo Ths Quỳnh, cần có sự thống nhất trước giữa ông bà, cha mẹ và mọi người thân trong gia đình để không quá chiều trẻ. Đặc biệt, mọi người nên có thái độ dứt khoát trước hành vi của trẻ.

“Khi con sai, chỉ cần một người trong gia đình dạy trẻ là điều đó không đúng. Những người còn lại không được tham gia, cũng không được dỗ dành trẻ”, bà Quỳnh cho biết.

Trong khi đó, nếu trẻ la hét, khóc và có nhiều hành vi khác để bắt đầu “công cuộc ăn vạ”, cách tốt nhất là cha mẹ phớt lờ con. Nếu trẻ cố bám vào áo của ai đó, nằm lăn ra, đạp chân, định đập phá, việc tốt nhất là phụ huynh để xa đồ khỏi tầm với của trẻ. Sau đó, hãy tiếp tục thực hiện việc của mình như không có chuyện gì xảy ra.

Khi trẻ đã chán ăn vạ vì không ai để ý, mọi người trong gia đình có thể thử thu hút sự chú ý của con bằng cách đưa ra một số câu hỏi như: “Có ai muốn ăn ngọt không nhỉ? Có ai thấy chiếc điều khiển ti vi của mẹ đâu không nhỉ?”… Theo Ths Quỳnh, khả năng cao là trẻ sẽ hăng hái tham gia và đi lấy đồ giúp mẹ.

“Sau nhiều lần ăn vạ không thành công như thế, trẻ sẽ mất dần tật này. Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn tật ăn vạ của trẻ đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng lòng của tất cả các thành viên trong gia đình”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Sai lầm của cha mẹ

Trong khi đó, bà Nguyễn Tú Anh - chuyên gia tư vấn, đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực, chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh trẻ hiểu rõ việc khi con “lên cơn” ăn vạ thì bố mẹ có quát mắng, bắt phạt hay đòn roi cũng không hề hiệu quả”.

Theo đó, một số phụ huynh thường có xu hướng cố gắng hết sức để nói lý lẽ, phân tích phải trái khi con ăn vạ. Song, dường như cha mẹ càng cố nói chuyện, con càng mất bình tĩnh. Và, dần dà, cha mẹ cũng sẽ mất bình tĩnh theo. Bà Tú Anh cho rằng, đây là một trong những sai lầm phổ biến mà phụ huynh thường mắc khi xử lý cơn ăn vạ của con.

Thay vì la mắng, không ít phụ huynh nỗ lực phân tích đúng - sai với con bằng một số câu như: “Không sao cả, con bình tĩnh lại đi. Bây giờ con muốn sao con nói cha mẹ nghe xem?”. Hoặc: “Con nín đi, mình sẽ chơi tiếp nhé. Đừng khóc nữa, con làm vậy là con đúng hay sai...”. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, đây là biện pháp hoàn toàn không hiệu quả.

“Thực tế, trong lúc này, bộ não non nớt của con như một quả núi lửa phun trào những cảm xúc tiêu cực. Con không thể có khả năng trả lời những câu hỏi của người lớn. Con càng không thể suy nghĩ hay phân tích lí lẽ. Cha mẹ càng nói nhiều và dông dài, con càng cảm thấy mình bị thách thức”, bà Tú Anh nhận định.

Thay vào đó, nữ chuyên gia này gợi ý, phụ huynh có thể đánh lạc hướng và khiến con tập trung vào việc khác nếu được. Hoặc đơn giản là cha mẹ ngồi bên con ở một nơi yên tĩnh. Sau đó, nói một, hai câu ngắn gọn: “Bố hiểu là con đang cảm thấy...”; “Mẹ sẽ chờ đến khi nào con khóc xong rồi mình tiếp tục nhé”.

Bởi, theo bà Tú Anh, đây là cách để thể hiện sự tôn trọng dành cho cảm xúc của con. Đồng thời cho thấy, cha mẹ sẵn sàng dành mọi thời gian bên con khi trẻ đang cảm thấy rất khó khăn và “khổ sở”. Trong khi đó, việc phân tích lí lẽ đúng - sai nên được nói khi con bình tĩnh và vui vẻ trở lại.

Bên cạnh đó, chắc chắn các gia đình không thể tránh những cơn ăn vạ “vượt quá” sức chịu đựng của người lớn. Và, những lần như vậy, vì muốn trẻ nhanh chóng ngừng khóc, một số cha mẹ chấp nhận “đầu hàng” và thoả mãn yêu sách của con. Theo chuyên gia Tú Anh, sau một vài lần như vậy, con sẽ hiểu rằng, chỉ cần mình kiên trì khóc thật lâu là sẽ đạt được mục đích. Và, đó cũng là một biện pháp không đúng cách.

Trong khi đó, không ít phụ huynh “nổi cơn tam bành” khi trẻ ăn vạ. Theo bà Tú Anh, mục đích “tối thượng” của hành vi ăn vạ ở trẻ là tìm kiếm sự chú ý của người lớn, cũng như khẳng định “quyền lực” của con trong gia đình.

Tuy nhiên, khi cha mẹ cũng dùng “quyền lực” để phản hồi con, cuộc "chiến tranh" này sẽ lên cao trào. Cuối cùng, khi cả hai bên mất bình tĩnh, cha mẹ sẽ sử dụng sức mạnh để “đàn áp”. Song, hành động này của phụ huynh sẽ khiến trẻ hiểu rằng, ăn vạ là một cách vô cùng hiệu quả để cha mẹ mất bình tĩnh, thay đổi tâm trạng và dồn mọi chú ý (dù là tiêu cực) đến mình.

Cha mẹ không nên phân tích lý lẽ khi con ăn vạ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên phân tích lý lẽ khi con ăn vạ. Ảnh minh họa.

Xử lý cơn ăn vạ

Để xử lý nhanh cơn ăn vạ của trẻ, bà Tú Anh gợi ý, cha mẹ cần hiểu lý do trẻ làm vậy.

“Một em bé nhỏ sẽ không thể vui vẻ hay hợp tác khi đang trong kỳ khủng hoảng, đói, buồn ngủ, mọc răng hoặc tã bẩn. Việc đầu tiên cha mẹ cần làm khi con quấy khóc là loại trừ những nguyên nhân trên”, chuyên gia nhấn mạnh.

Một vài lí do thường gặp khác dẫn đến việc ăn vạ của con là: Buồn chán, đòi làm theo ý mình (nhưng không được), quá phấn khích với những thứ mới lạ và muốn được thử. Do đó, để giảm bớt cường độ ăn vạ của con, bà Tú Anh cho rằng, cha mẹ nên để trẻ bận rộn. Phụ huynh có thể chuẩn bị theo đồ chơi và sách, truyện dự phòng trong túi để trẻ có “việc”.

Một trong những yếu tố quan trọng khác để "xử lý" cơn ăn vạ của trẻ là dạy con về cảm xúc.

“Tất cả những khái niệm về “khủng hoảng” và “ăn vạ” đều có lí do bắt nguồn từ việc bộ não non nớt của con. Đặc biệt là vùng vỏ não trước trán - nơi điều khiển và thực hiện “các hành vi của con người”, vẫn chưa hoàn thiện và cần rất nhiều năm nữa để hoàn thiện. Chính bản thân con đang vô cùng rối loạn với những cảm xúc của chính mình. Hãy giúp thay vì mắng con”, bà Tú Anh chia sẻ.

Chuyên gia này gợi ý, cha mẹ cần ngồi xuống ngang tầm con và nói một số câu như: “Có phải con đang cảm thấy khó chịu / mệt / buồn chán không? Mẹ biết là con không thích ở đây, nhưng mẹ cần mua nốt rau và trái cây rồi mình đi ra nhé".

Khi trẻ ăn vạ, tất cả cha mẹ cần làm có thể chỉ là...hít thở và chờ đợi. Bởi, khi con đã vào cơn ăn vạ và gào khóc, rất khó để trẻ nín ngay lập tức. Do đó, phụ huynh cần cố gắng bình tĩnh, hít thở và cho con một chút thời gian để “xả” bớt cảm xúc.

Trong lúc đó, cha mẹ có thể thi thoảng dạy con về cảm xúc, để con biết là phụ huynh đang hiểu trẻ. Trong trường hợp trẻ có hành động làm đau mình hoặc ảnh hưởng đến người khác, phụ huynh được khuyến cáo can thiệp một cách không thô bạo. Hãy phớt lờ mọi người xung quanh và đưa con ra một góc riêng tư nếu cần. Nhờ vậy, giúp con nguôi ngoai và bình tĩnh.

"Phản ứng của người lớn khi con ăn vạ giống như một tấm gương phản chiếu. Cha mẹ càng lên giọng, con sẽ càng gào to hơn. Vì thế, hãy cố gắng giữ một tông giọng trầm tĩnh nhất có thể, con sẽ từ từ hạ giọng xuống theo. Luôn nhất quán, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Và, không thỏa hiệp với những yêu sách, đòi hỏi bất hợp lý của con. Bởi vì, nếu đã có lần thứ nhất, chắc chắn sẽ có lần thứ 2 và lần thứ n", chuyên gia Tú Anh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.