Trêu đùa trẻ quá trớn
Đang chơi cùng bạn vui vẻ bên nhà hàng xóm thì bé Lan Anh (ngõ 44 - phố Hào Nam - Hà Nội) khóc nức nở rồi xô cổng chạy về nhà. Chị Thục, mẹ bé Lan Anh, vội vàng vứt cây chổi lau nhà ôm con hỏi han. Nức nở mãi cô bé 6 tuổi mới kể lại lý do sao nó khóc.
Thì ra nó bị bác Hà hàng xóm đùa trêu, nói bố nó lừa dối mẹ con nó, nói dối đi công tác nhưng thực ra là “đi với ca ve”. Con bé bỏ cả trò chơi búp bê mà nó yêu thích để giải thích nhưng lời nói và những hiểu biết non nớt của nó làm sao đủ sức đương đầu với lý lẽ của một người vô ý thức và nhẫn tâm.
Càng thấy con bé bối rối và căng thẳng, bác hàng xóm càng cố tình mang chuyện nhà nó, mang nỗi thiệt thòi của nó ra để đùa. Bênh bố và không đối chọi lại được người hàng xóm, con bé vụt trở nên ương bướng, nó cãi cùn trong tiếng nức nở:
“Bố cháu không bao giờ bỏ mẹ con cháu cả. Chỉ có bác mới là người đi với ca ve… Bác mới chính là loại người hư hỏng!” Rồi nó chạy về nhà trong nỗi hoài nghi và buồn tủi oan ức.
Không dừng lại chuyện đã mắng mỏ đứa trẻ, sau đó người hàng xóm kia còn mách và phàn nàn với chị Thục và góp ý chị phải để ý cách dạy con. Chị Thục chỉ biết im lặng và thủ thỉ dặn con gái từ nay hạn chế sang nhà bạn Trúc Mai chơi để không bị ông bạn làm cho buồn khổ nữa.
Trong thực tế, không hiếm những đứa trẻ như bé Lan Anh (ngõ 44 - phố Hào Nam - Hà Nội) bị ám ảnh bởi chuyện đùa ác này.
Hậu quả của những câu nói đùa tưởng như vô hại ấy hóa ra lại vô cùng tai hại. Cô bé đã hỏi đi hỏi lại mẹ rất nhiều về việc tại sao bố lại bỏ hai mẹ con đi với ca ve, và ca ve là ai?
Thói tọc mạch, vô duyên, ác ý này vẫn tồn tại hàng ngày xung quanh con trẻ và đã hủy hoại cảm xúc và tinh thần các em. Bạo hành bằng lời nói, không riêng gì trẻ em, ngay cả người lớn cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ bởi những câu “nói đùa” một cách không suy nghĩ, thiếu ý thức của người khác. Nhiều người không nhận thức được rằng mình là tòng phạm, là kẻ ngộ sát tinh thần, cảm xúc của người khác…
Người lớn phải tự điều chỉnh
Việc của cha mẹ là dạy chúng cách đối phó với lời nói nhảm và người nói nhảm. Bản thân cha mẹ cũng không bao giờ được nhầm lẫn giữa khái niệm hài hước và đùa ác. Cũng như vấn đề dạy con khác việc làm cho con sợ.
Chị Bích Thủy, chuyên gia tâm lý trực Tổng đài đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 (số cũ 18001567) đã chia sẻ câu chuyện cậu bé lớp 2 cả tuần liền gọi điện đến trong tâm trạng bất an.
Cậu lo lắng khi bố dọa rằng em được bố mẹ hiếm muộn nhặt về từ thùng rác. Nếu em không học hành giỏi giang chăm ngoan thì một ngày nào đó lại được đưa trả về thùng rác, ai muốn nhặt về nuôi thì nhặt…
Chị Nguyệt, chủ một shop ở phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) chia sẻ nỗi ân hận của mình khi làm đứa cháu gái tổn thương, bị ảnh hưởng về tâm lý.
Đến thăm chị họ mới sinh thằng cu, chị trêu đứa cháu gái của mình rằng: “Chỉ có em cu Bon mới là con ruột của mẹ Hoài thôi. Còn chị Mít chỉ là con nuôi, chính dì và mẹ Hoài vào bệnh viện xin về…”. Cái lý lẽ em cu Bon nằm trong bụng mẹ khiến bụng mẹ to dần lên rồi mẹ vào bệnh viện sinh em đã thuyết phục con bé khiến nó ngơ ngác hoài nghi rồi òa khóc nức nở…
Chị Hoài mắng át cô em họ và dỗ dành thuyết phục mãi con gái mới đỡ tủi thân. Nhưng từ đó, mỗi lần dì Nguyệt đến chơi, con bé không sà vào lòng quấn quýt nữa, nó lảng tránh và không muốn gần gũi người đã làm mất giá trị của nó trong gia đình mình.
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Những đứa trẻ ở độ tuổi 13 - 15 cũng hay gặp khủng hoảng tinh thần bố mẹ, người lớn cần phải kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình. Độ tuổi mầm non và tuổi teen đặc biệt nhạy cảm với sự giễu cợt. Các em muốn bảo vệ cái tôi của mình, muốn được đối xử trân trọng, lắng nghe và cần cảm thấy được yêu, được quý.
Đừng đẩy trẻ vào những hành vi lệch lạc, tiêu cực để giải quyết nỗi lo sợ, giận hờn của mình. Không gì đau đớn bằng việc người lớn khiến trái tim chúng bị tổn thương bởi chính tình yêu của chúng dành cho bố mẹ.