Ngày... tháng... năm...

Con đường tới chuyền hai

GD&TĐ - Cậu đã cho tôi một bài học về lòng quyết tâm và cả tinh thần cao thượng trong thể thao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gửi tới Kageyama-kun!

Có lẽ, nhiều người nghĩ bóng đá là môn thể thao vua, nhưng với tôi bóng chuyền đã trở thành tình yêu, đam mê mãnh liệt hơn cả. Kể từ lúc xem trận đấu bóng chuyền ở trường trung học, cái cảnh libero đỡ bóng, chuyền hai chuyền bóng vút sang cánh và chủ công hay Ace đập bóng: “Bùm”. Âm thanh ấy như khuấy động cả sân thi đấu và tôi biết đó là môn thể thao mà tôi muốn chơi, muốn theo đuổi.

Tôi bắt đầu những lần chạm bóng đầu tiên với sự bỡ ngỡ, liên tục đỡ hụt bóng rồi thì đỡ hỏng. Không những thế, tôi còn phải chịu những cơn đau gặp phải khi đỡ bóng, đặc biệt là những lần bị bong gân do chuyền bóng cao tay.

Tôi đã xem rất nhiều video dạy chơi bóng chuyền nhưng trình độ của tôi vẫn không được cải thiện nhiều. Tôi bắt đầu nản chí. Mặc dù biết bản thân yêu bóng chuyền, nhưng tôi lại nảy ra suy nghĩ: Liệu bản thân có phù hợp để chơi bóng chuyền không?

Khi xem bộ phim “Haikyuu” (Vua bóng chuyền), tôi đã biết đến Kageyama Tobio. Cậu là một chuyền hai thiên tài của Trường Sơ trung Kitagawa Daiichi, với biệt danh thật ngầu do đồng đội đặt cho: Vua sân đấu. Thế nhưng, họ nói, cậu là một chuyền hai ích kỉ còn tôi lại thấy Kageyama là người nghiêm túc, muốn giành chiến thắng để đứng trên sân đấu, cảm nhận nhịp độ, sự căng thẳng và cả niềm vui trong thi đấu. Điều đó làm tôi thấy ngưỡng mộ.

Tôi nhận ra điểm còn thiếu của bản thân: Sự quyết tâm. Đúng vậy, tôi đến với bóng chuyền chỉ bằng tình yêu đơn thuần qua những pha bóng chuyền ngầu mà mình xem trên mạng hay các anh đánh. Tôi chơi bằng thái độ hời hợt, không có sự chủ động trong các tình huống bóng. Nhận ra điều đó để rồi tôi muốn ngay lập tức, thử khi bản thân đã sẵn sàng để quyết tâm theo đuổi.

Kageyama à, cậu không chỉ đem động lực cho tôi chơi bóng chuyền trở lại mà còn thúc đẩy tôi tiếp cận vị trí chuyền hai. Nếu nói tới những vị trí trong bóng chuyền thì có 3 vị trí quan trọng: Libero, chuyền hai và đập cánh.

Libero là người chơi chuyên vị trí phòng thủ của đội và không có gì là quá khi libero được gọi là “thần bảo hộ” của một “team”. Còn tay đập cánh chuyên về phần tấn công với những pha “nã đại bác” xuyên thủng hàng chắn của đối thủ và “Bùm” - tiếng đập bóng khiến ai cũng phải phấn khích, reo hò.

Cuối cùng là chuyền hai – tháp chỉ huy, trái tim, bộ não của đội. Đó là người nhận nhiều bóng nhất trong một trận đấu, vị trí đòi hỏi sự quan sát nhạy bén, đưa ra quyết định nhanh và “toss” vút qua hàng rào đối thủ với một tốc độ xé gió, mở toang khoảng không trước mắt tay đập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, chuyền hai là người dẫn lối, thể hiện lối chơi của toàn đội bóng. Như Kageyama đã nói với Hinata: “Đúng, tay đập rất ngầu. Nhưng chuyền hai là người đánh lừa các tay chắn đối thủ. Chuyền hai là người mở đường cho tay đập. Khó, ngầu, vui, đó là chuyền hai”.

Những câu nói ấy như thổi một làn gió trong tôi: Tôi muốn chinh phục vị trí chuyền hai khó nhưng ngầu như cậu nói. Sau đó, tôi bắt đầu luyện tập. Đó là khoảng thời gian khó khăn vì kĩ thuật của tôi mới tập tọe, quả được quả không và cả những chấn thương bong gân hết ngón này tới ngón khác.

Nhưng khác những lần trước - tôi đã phải bỏ đam mê với bóng bàn, bóng đá… vì những lí do ngớ ngẩn - thì lần này tôi cảm thấy có thể làm được, bắt đầu từ bạn. Tôi cũng thật may mắn khi có những người bạn cùng mình luyện tập và họ cũng không than phiền gì nhiều khi tôi chuyền hỏng.

Dần dần, kĩ thuật chuyền của tôi ngày một tăng lên, tôi đã có thể tự tin hơn khi nhập cuộc. Thậm chí, tôi đã được đi thi đấu đại diện cho trường. Tuy chưa thể thắng trận nào (do đội chỉ được tập hợp trong vỏn vẹn hai ngày), nhưng nó đã trở thành trải nghiệm quý giá của tôi để tiếp tục, nỗ lực với môn thể thao mà tôi yêu thích.

Tôi nghĩ, nếu không gặp cậu thì bây giờ có lẽ tôi lại từ bỏ bóng chuyền rồi chơi một môn thể thao mới mà bản thân thấy có hứng thú. Nhờ cậu mà tôi thêm quyết tâm, nỗ lực để theo đuổi trái bóng, hoàn thiện những kĩ năng của mình chứ không chơi với một thái độ hời hợt như trước.

Theo dõi Kageyama, tôi thấy một chuyền hai nghiêm túc với trái bóng, khát khao chiến thắng đến ám ảnh. Từ một chuyền hai vị kỷ, tin tưởng hoàn toàn vào kĩ thuật cá nhân của mình cậu đã dần thay đổi để hòa nhập cùng lối chơi chung của đội.

Cậu trở thành một mảnh ghép, một bánh răng không thể thiếu của Cao trung Karasuno. Những cú chuyền nhanh nhịp “âm” cho Hinata, những pha chuyền đồng bộ với từng thành viên hay kể cả những cú “dump” cực kì ngầu của Kageyama sẽ luôn làm tôi thấy phấn khích muốn làm gì đó cho trận đấu tới.

Cậu đã cho tôi một bài học về lòng quyết tâm và cả tinh thần cao thượng trong thể thao. Tuy không thể gặp nhau ngoài đời thực nhưng cậu là hình mẫu lí tưởng cho lối chơi chuyền hai trong trí tưởng tượng của tôi, là hình bóng để tôi theo đuổi trong bóng chuyền. Cuộc hành trình cả tôi và cậu vẫn chưa kết thúc, tôi vẫn sẽ dõi theo Kageyama để học hỏi, hoàn thiện hơn trong lối chơi của bản thân và tất nhiên là cả những cố gắng trong luyện tập.

Nói đến đây cũng nhiều rồi, cuối cùng tôi muốn cảm ơn cậu về những gì mà cậu truyền tải. Cậu sẽ luôn là một mảnh kí ức tuổi thơ quan trọng mà tôi mang theo trên đường đời!

Tạm biệt!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.