Ngày... tháng... năm...

Người bạn nhỏ 'Sổ tay Văn học'

GD&TĐ - Người bạn nhỏ “Sổ tay Văn học” nhẹ nhàng đến với tôi trong một chiều Thu se lạnh và bên tôi suốt dọc dài hành trình học tập Ngữ văn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bước chân tôi nhè nhẹ dưới những cánh đào phớt hồng của mùa Xuân, rồi lặng nghe tiếng ve ngân mùa Hè; chúm chím miệng cười trong gió Thu xanh và mênh mang lòng với khúc ca Đông lạnh. Bốn mùa tôi muốn ấp ôm cả đất trời vào tim, hiển hiện trong người bạn yêu dấu “Sổ tay Văn học” của tôi.

Nhớ hồi đầu năm lớp 6, tôi mơ màng trước quyển sách Ngữ văn. Sẽ học thế nào đây khi quá nhiều điều khác những lớp học trước. Mênh mang là tác phẩm, những kiểu dạng bài. Nghe cô giáo hướng dẫn cách học, trong đó nên có cuốn sổ nhỏ để ghi chép những điều cần thiết về bộ môn.

Tôi còn nhớ lời cô đầy ấm áp: “Các con đặt tên “Sổ tay Văn học” và hãy coi đó là một người bạn nhỏ đồng hành với mình trong bộ môn này nhé!”.

Người bạn nhỏ “Sổ tay Văn học” nhẹ nhàng đến với tôi trong một chiều Thu se lạnh và bên tôi suốt dọc dài hành trình học tập Ngữ văn.

Tôi viết lên những trang giấy nhỏ bao câu nói hay và ý nghĩa mà mình ấn tượng. Có khi đó là lời của nhân vật trong tác phẩm truyện, có khi đó là một áng thơ hấp dẫn bởi ngôn từ, cũng có khi là một câu triết lí trên một tờ lịch bác bán hàng dùng để bọc bên ngoài gói xôi buổi sớm mẹ mua cho tôi… Tôi chép vội khi ngồi trên xe bus mà lòng dìu dịu một niềm yêu.

Bước chân tôi chạm trên con đường nhỏ đầy hoa lá ở sân trường. Hương thơm cứ vấn vít, đượm vào những trang giấy của sổ nhỏ trên tay tôi. Có phải người bạn của tôi cũng thích thả tâm hồn mình mà ngắm hoa cỏ tươi đẹp như lòng tôi?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giờ sớm còn tĩnh lặng. Tôi ngồi lên ghế, đặt người bạn nhỏ ngay ngắn trên bàn, bút màu để bên. Tôi trang trí bìa và những trang giấy nhỏ bên trong cuốn sổ.

Người bạn của tôi có một khuôn mặt thân thiện với đôi mắt hình hai chiếc lá xanh, đôi môi tựa nụ hồng. Và bạn ấy còn có những bàn tay ấm áp với đường viền hoa li ti nhiều màu nối nhau thẳng tắp. Có bàn tay đan dệt những hàng lá xanh. Ở giữa ắt hẳn là lòng bàn tay, nơi tôi nắn nót nét chữ viết lên những điều mình yêu thích có liên quan đến môn Ngữ văn. Tôi muốn mình nắm giữ tri thức văn chương như vậy đó.

Sổ nhỏ ngày càng trở nên thân thiết với tôi. Mỗi ngày bên tôi đến lớp, giúp tôi dễ tìm kiếm từ vựng ghi nhớ, ý tưởng diễn đạt sáng tạo, học kiến thức qua sơ đồ, dàn bài... Và có lẽ, các bạn tôi cũng vậy. Có những giờ ra chơi, chúng tôi cùng trao đổi sổ nhỏ của nhau để xem.

Nhiều bạn không khác gì tôi, háo hức muốn biết sổ các bạn thế nào? Có nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn và đặc biệt là ý nghĩa không? Rồi cũng đắn đo, so sánh với sổ của chính mình.

Vì thế, ban đầu, tôi thấy bạn thì đăm chiêu, có bạn tủm tỉm một điều gì thật bí ẩn hay một ánh mắt sáng lên khi gặp được một điều mới lạ... Nhưng sau giây phút hồi hộp, suy tư đó lại là nụ cười vui vẻ trên gương mặt rạng ngời của các bạn tôi. Bởi chúng tôi đều hiểu, cùng là sổ tay nhưng mỗi người lại mang đến một màu sắc thật riêng biệt làm phong phú, đa dạng cho cộng đồng sổ nhỏ yêu mến.

Ở nhà, sổ nhỏ cũng luôn được tôi nâng niu: Khi thì trên bàn học tập, dưới chiếc đèn điện ngập tràn ánh sáng; khi lại bên gối đầu giường. Có lúc, tôi ôm người bạn nhỏ vào lòng, chìm trong giấc mơ cổ tích.

Người bạn thân của tôi đã quen với bút xanh. Trò chơi giấu bút trong lòng tay là thói quen. Ngôn ngữ là sở thích. Hình ảnh, màu sắc là niềm vui. Tôi thích nhất là được viết lên trang giấy nhỏ xinh xinh những từ ngữ độc đáo, có thể là từ khó, từ Hán Việt hay một trường từ vựng xoay quanh chủ đề mình đang học…

“Văn học là nhân học” (M. Gorki), có ai quên điều đó? Thế nên, mỗi khi mở “Sổ tay Văn học” là những thiện lành lại ùa vào tim tôi. Người bạn nhỏ yêu thương sẽ bên tôi đâu chỉ dọc dài con đường học trò hôm nay. Có đúng không các bạn?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm nghiên cứu sử dụng một loại AI có tên là mạng nơ-ron sâu. Qua đó, dự đoán giá trị lỗi khúc xạ của mắt trong các lần quét võng mạc. Ảnh: INT

AI sàng lọc bệnh cận thị

GD&TĐ - Theo báo cáo 'Vision Atlas' của Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB), tình trạng mất thị lực dự kiến tăng tới 55% trong 30 năm tới.