Bế tắc vì… thi trượt
Là phụ huynh của một học sinh vừa thi trượt lớp 10 công lập, anh Vũ Hoàng ở phố Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội cảm thấy vô cùng chán nản và thất vọng. Anh Hoàng làm trong ngành xây dựng hay phải đi xa, nhưng chuẩn bị cho con thi vào lớp 10, ngay từ đầu năm anh đã xin gác lại hầu như toàn bộ các công việc ở xa, chấp nhận giảm đáng kể nguồn thu nhập để dành thêm thời gian giúp cho việc học tập của con.
Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn đã gây ra một áp lực lớn đối với cả hai bố con trong thời điểm hiện nay. Việc lựa chọn một con đường khác cho con dường như vẫn chưa được quan tâm đến.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập vừa qua, Hà Nội có gần 86 nghìn thí sinh dự thi. Có trên 67 nghìn thí sinh thi đỗ, trong khi gần 19 nghìn thí sinh còn lại sẽ phải tìm một con đường khác. Điều này khiến cho nhiều phụ huynh gần như rơi vào tình cảnh bế tắc.
Đây có thể được xem là một tình trạng khá phổ biến đối với nhiều gia đình có con thi trượt lớp 10 THPT công lập. Theo ý kiến chuyên gia, thi trượt lớp 10 là ngoài mong muốn, nhưng điều đó không phải là thảm họa, bởi có nhiều con đường khác để đi đến mục tiêu tiếp theo là tốt nghiệp THPT.
Cơ hội học tập mới
Theo thông tin tuyển sinh của Trung tâm GDNN - GDTX quận Đống Đa, Hà Nội, chương trình học tại trung tâm sử dụng cùng một loại sách giáo khoa theo chương trình cơ bản phổ thông. Tuy nhiên, trong quá trình học sẽ được giảm tải một số nội dung cho vừa sức của người học.
Học sinh chỉ học 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra, trung tâm tổ chức dạy thêm một số môn tự chọn: Anh văn, Tin học, Giáo dục công dân. Tổng số tiết học các môn học trong tuần từ 18 đến 20 tiết, được chia làm 5 buổi/tuần vào buổi sáng hoặc tối.
Như vậy, học sinh sẽ có thêm khá nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tự học hoặc học thêm nhằm củng cố kiến thức vững chắc hơn… Các em được tham gia vào Kỳ thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp THPT.
Những học sinh không dự thi hoặc không trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, các em có học lực trung bình, trung bình khá nên vào học tại trung tâm GDNN-GDTX chương trình THPT hệ GDTX kết hợp với trung cấp nghề là tốt nhất. Cách lựa chọn này phù hợp với sức học, ra trường có việc làm ngay và không tốn kém chi phí học tập, đào tạo.
Nếu như trước đây, nhiều người thường cho rằng, môi trường học tập tại trung tâm GDTX chỉ dành cho những học sinh “cá biệt”, thì nay việc học tập tại đây ngày càng trở nên phổ biến, nhiều trung tâm GDTX đã quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, mở ra cơ hội học tập mới cho các em học sinh.
Tiềm năng mô hình đào tạo 9+
Bên cạnh việc lựa chọn học tại trung tâm GDTX, phụ huynh có con học hết THCS cũng có thể hướng cho con tham gia vào mô hình đào tạo 9+, đây là mô hình đào tạo còn khá mới mẻ và có tiềm năng cho người học.
Bộ LĐ-TB&XH đã ra Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN hướng dẫn chi tiết việc khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo đó, sau khi học hết THCS, học sinh hoàn toàn có thể tham gia vào đào tạo 9+. Chương trình sẽ đào tạo song song văn hoá và chuyên môn để sau 3,5 - 4 năm, đến 18 - 19 tuổi, học sinh sẽ có 2 bằng là bằng THPT quốc gia và bằng trung cấp, cao đẳng chính quy.
Mô hình đào tạo 9+ được cho là có thể đo lường được hiệu quả, xác nhận được lợi nhuận, chi phí đầu tư, thời gian chính xác so với cách học thông thường và tỉ lệ chuyển đổi sau khi ra trường là 99% có việc làm. Thông thường thời gian học kéo dài từ 6 - 8 năm, gồm chương trình THPT, sau đó là trung cấp, cao đẳng, đại học… nhưng với mô hình đào tạo 9+ học sinh chỉ mất 3 năm là đủ khả năng gia nhập thị trường lao động với mức lương 8 - 9 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, mô hình đào tạo 9+ đang được các trường trung cấp, cao đẳng nghề tích cực triển khai với nhiều hình thức khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS tham gia.