Đó là hy vọng được nhắc tới trong buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo kĩ năng nghề giữa VinFast và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa diễn ra ngày 5/10.
Thiệt đơn, thiệt kép vì đào tạo nghề "mặc nhầm áo"
Ông Đào Vũ Nguyên, Giám đốc đầu tư CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể câu chuyện từ thực tế của doanh nghiệp, khi một đơn vị tuyển dụng lao động nghề thường phải mất từ 6 tháng đến 2 năm để lao động làm quen với thực tế. Kiến thức và tay nghề của lao động được học theo ông vẫn có sự xa rời so với công nghệ và đòi hỏi công việc hiện tại.
Ông cũng chia sẻ, một số trường hợp doanh nghiệp muốn cử công nhân ra nước ngoài làm việc thì đối tác ở các nước luôn đòi hỏi lao động Việt phải tham gia khóa đào tạo tối thiểu 6 tháng. Việc này tạo độ trễ và ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ công việc.
Đó cũng là vấn đề mà ông Hoàng Minh Nguyễn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Công ty Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT tỏ ra lo lắng. Ở doanh nghiệp của ông, hàng năm đơn vị vẫn đều đặn tuyển dụng khoảng 200 lao động, nhưng có tới 30-35% không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề.
Với ông Trần Mạnh Vũ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp Peico, một trong những điều doanh nghiệp ông mong mỏi bấy lâu là các bạn học viên ra trường có khả năng vẽ thi công để phục vụ cho công việc. Đây là nội dung vô cùng cần thiết trong ngành xây lắp cơ điện, công trình nhưng ông thừa nhận, rất ít bạn làm được điều này.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Hyundai Đông Nam, thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp hiện tại đặt ra yêu cầu về số năm kinh nghiệm khi tuyển dụng. Điều này vô cùng khó khăn cho những học viên mới ra trường. Thế nhưng, ở góc độ doanh nghiệp, vì hạn chế nguồn lực, thời gian, rất nhiều đơn vị cần lao động làm được việc ngay khi tuyển dụng chứ không phải đợi cả năm để rèn luyện tay nghề.
Vấn đề được nhiều ý kiến chỉ ra là chương trình, lý thuyết các em được học tại các trường khác nhiều với thực tế. Chương trình học mỗi nơi mỗi khác và chỉ là một mảnh ghép nhỏ. Nhìn sâu xa hơn, nguyên nhân do hệ thống tiêu chuẩn kĩ năng nghề hiện tại chưa thực sự theo sát với nhu cầu từ doanh nghiệp.
“Điều này không chỉ mang lại thiệt hại cho người lao động, cơ sở đào tạo mà rộng hơn là cả xã hội”, ông Lê Văn Chương - Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhận định.
Bắt tay với người tiên phong VinFast để mở lối đi mới
Nói về tiêu chuẩn kĩ năng nghề, ông Chương cho rằng, ở nhiều nước như Anh, Australia, hệ thống này được xây dựng bởi một hội đồng kĩ năng nghề, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mô hình hội đồng nghề tương tự hiện vẫn mới đang được thí điểm.
Trả lời về một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kĩ năng nghề, ông Chương khẳng định đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm từ doanh nghiệp bởi chính nơi sử dụng lao động sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng này.
Bởi thế, vị này bày tỏ vui mừng vì đơn vị lớn như VinFast đã chính thức thỏa thuận hợp tác với cơ quan quản lý trong xây dựng, chuẩn hoá, đánh giá và cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực gia công chế tạo nói chung và các ngành nghề bổ trợ liên quan. VinFast cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình này.
Theo đại diện Vụ Kỹ năng nghề, dù VinFast không phải là doanh nghiệp lâu đời nhưng đã khẳng định được tiềm lực mạnh mẽ của mình. Và, chỉ có những đơn vị mạnh khi tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn mới có tính đại diện cao cho một lĩnh vực, một ngành. "Việc hợp tác với người tiên phong và mạnh là yêu cầu cấp thiết", ông Chương nói.
Vị này khẳng định, từ cái gốc là hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề sát với thực tế, nhu cầu của từng lĩnh vực, các cơ quan tham gia sẽ có cơ sở để lập hệ thống ngân hàng đề thi mới để đánh giá người lao động. Chứng chỉ kỹ năng nghề từ đó sẽ thực sự phản ánh khả năng của người lao động đáp ứng được với yêu cầu công việc.
Nói riêng về việc một doanh nghiệp như VinFast lần đầu tham gia vào việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đại diện Vụ Kỹ năng nghề cho rằng, VinFast có thể tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ bởi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đánh giá viên để thực hiện điều này. Đó cũng là một trong những lý do mà trước VinFast, chưa có doanh nghiệp nào làm điều tương tự.
Đây chính là hướng đi mới trong phát triển nguồn nhân lực, trong đó doanh nghiệp sẽ cùng với Nhà nước tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo nghề, từ xây dựng tiêu chuẩn tới cấp chứng chỉ. Điều này sẽ tạo cơ hội thi chứng chỉ cho rất nhiều lao động, bao gồm cả người được đào tạo tại các cơ sở chính quy và lao động phổ thông không qua trường lớp nhưng tự tích lũy trình độ, kinh nghiệm. Hiện tại, số lượng các trung tâm đánh giá chưa nhiều, phần lớn là tại các trung tâm nghề chưa đáp ứng được nhu cầu lớn này.
Đó cũng chính là con đường từ gốc tới ngọn, như cách nói của một lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. "Chỉ khi sự gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thực chất nhất, chất lượng nguồn nhân lực mới thực sự có căn cứ đảm bảo", vị này nói.