Bảo vệ tình yêu và hàm ơn sinh thành
Hình ảnh con dao xuất phát từ câu chuyện nói về sự phản bội. “Xưa có hai người bạn chơi thân thiết với nhau. Ngày nọ một người chuẩn bị cưới vợ và nhờ người kia đến phụ giúp. Ai ngờ thấy vị hôn thê của bạn quá đẹp nên anh này sinh tâm phản bạn, tìm cách hại bạn để cướp vợ. Vào ngày cưới, nghi lễ đã chuẩn bị xong chỉ thiếu đèn cầy. Kẻ phản bạn lập mưu rủ bạn vào rừng tìm tổ ong để lấy sáp.
Khi tìm được tổ ong thì anh ta kêu bạn trèo lên cây lấy, trên cây có một con gấu, nên anh ta ở dưới này rào gốc cây lại với ý đồ mượn tay gấu xé xác bạn mình. Sau đó anh ta chạy một mạch về nhà gái báo tin là chú rể đã bị gấu ăn thịt trong rừng, trước khi chết còn nhờ mình thay thế làm chú rể. Nhà gái tin lời và hôn lễ tiếp tục cử hành. Nhưng sau đó nhờ may mắn nên người bạn bị hại thoát nạn trở về. Sẵn con dao trên tay, anh đã tiễu trừ kẻ phản bạn và giành lại vợ mình”.
Từ câu chuyện này, người Khmer luôn coi con dao là một vật thiêng trong nghi lễ hôn nhân, với ý nghĩa là vũ khí để bảo vệ hôn nhân hạnh phúc lâu bền, không để kẻ thứ ba xen vào làm hư hại.
Bên cạnh biểu tượng con dao là hoa cau trắng. Đối với người Khmer, hoa cau trắng có ý nghĩa như sự thánh thiện và tượng trưng cho trinh tiết của cô gái sắp về nhà chồng. Hoa cau có thơm mùi hương thoang thoảng, ngọt ngào như hương vị tình yêu của đôi lứa. Hoa cau kết nhau như chuỗi hạt ngọc biểu thị sự tôn kính Phật và hàm ơn đấng sinh thành.
Trong tổ chức hôn nhân có hai nghi lễ là cắt buồng cau và mở buồng cau. Lễ cắt buồng cau phải đúng nghi thức và cẩn trọng. Nhà trai phải chọn lựa kỹ càng, hoa cau còn nằm trong bẹ, chưa bị ong bướm xâm nhập. Trước khi cắt, phải khấn vái và xin phép thần giữ vườn về chứng minh, chúc phúc cho đôi trai gái thành vợ thành chồng, hôn nhân được vẹn toàn mỹ mãn.
Sau nghi lễ cắt buồng cau là nghi lễ tối quan trọng: Mở buồng cau trong ngày cưới. Theo truyền thống, ngày vào cưới gồm các lễ như: nhập gia, nghi thức mở rào, cúng ông bà tổ tiên, dâng lễ vật, sau đó là cắt hoa cau và cột chỉ tay. Mỗi nghi thức có những yêu cầu và hình thức tiến hành khác nhau dưới sự dẫn dắt của hai vị Achar và Maha. Trong đó, cắt hoa cau được xem là một lễ quan trọng, là nghi thức chính cho phép đôi trai gái thành vợ thành chồng.
Lễ cắt hoa cau thường được tổ chức vào buổi sáng tại nhà cô dâu. Ông Achar thắp nhang đèn đọc kinh cầu ơn trên ban phước lành cho đôi trẻ. Sau đó, ông Maha dùng dao nhỏ ở trên mâm cắt lấy hoa cau trắng đặt trên ba đĩa gần các lễ vật. Sau khi chú rể kính cẩn lạy mọi người, ông Achar đưa chùm hoa cau thứ nhất cho chú rể tặng cha vợ, chùm thứ hai tặng mẹ vợ, chùm thứ ba tặng cho anh vợ. Ba bó hoa cau này với ý nghĩa là chú rể tỏ lòng biết ơn đối với công nuôi dưỡng sinh thành của cha mẹ vợ và công khó của anh em trong gia đình đã giúp đỡ vợ mình từ khi sinh ra tới lúc trưởng thành lập gia đình.
Hoa cau trong sự tích nghi lễ
Nghi lễ mở - cắt buồng cau xuất phát từ một truyền thuyết xa xưa. Theo truyện cổ dân gian Khmer thì xưa kia có bốn người bạn thân cùng nhau tầm sư học đạo. Người thứ nhất học đọc thuật bói quẻ rất chính xác. Người thứ hai học được nghề bắn cung thiện xạ. Người thứ ba học được cách lặn dưới nước vô cùng giỏi. Người thứ tư thì học được phép cải tử hoàn sinh…
Sau khi thành tài bốn người họ lại gặp nhau, kể cho nhau nghe về khả năng của mình và kiểm chứng xem tài nghệ có thực sự hiệu nghiệm hay không. Trong thời điểm ấy, tại vương quốc có cô công chúa xinh đẹp đang đi dạo bị một con đại bàng bắt đi. Người thứ nhất liền bói, hôm nay ta sẽ có một món quà quý giá do một con chim dữ mang lại, nhưng món quà này là nguyên nhân của sự tranh chấp nguy hiểm. Anh ta vừa bói xong thì con đại bàng cắp công chúa bay ngang qua. Người thứ hai liền giương cung bắn, đại bàng trúng tên liền thả công chúa rơi xuống dòng sông. Người thứ ba liền lặn xuống đáy sông vớt công chúa lên. Thấy công chúa đã chết, người thứ tư liền dùng thuật cải tử hoàn sinh cứu công chúa sống lại. Vì thấy công chúa quá đẹp nên ai cũng muốn công chúa làm vợ mình.
Từ đó xảy ra cuộc tranh cãi và chứng minh công trạng. Cuối cùng họ phải nhờ đến một vị Achar giải quyết. Sau khi dùng lời lẽ thuyết phục bốn người, vị Achar đưa ra cách lý giải như sau: Người bói được, tức là người biết được trước mọi chuyện, khác nào người cha của đứa con, nên sẽ làm cha. Người cứu sống được khác nào người mẹ tái sinh con, nên sẽ làm mẹ. Người bắn đại bàng khác nào người anh luôn bảo vệ em út, nên làm người anh. Còn người lặn xuống nước đã ôm thân thể công chúa thì khác nào người chồng, nên sẽ được quyền cưới công chúa làm vợ. Sự giải quyết này được cả bốn người đồng thuận. Sau đó vị Achar hướng dẫn người lặn giỏi hái hoa cau trắng làm thành ba bó để dâng lên ba người còn lại với ý nghĩa hàm ơn.
Câu chuyện này đã ăn sâu thành một mỹ tục trong nghi lễ hôn nhân của người Khmer. Hoa cau trắng trở thành biểu tượng của lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn của chú rể đối với gia đình, họ hàng, bạn bè bên vợ. Ngày nay nghi lễ này vẫn duy trì, nhưng các bạn trẻ thì ít ai còn nhớ đến cội nguồn sâu xa của nó.
Hoa cau đã gửi cho nàng
Nguyện xin trọn kiếp đá vàng thủy chung.
(Ca dao)