Lớp học trong chùa

GD&TĐ - Nằm ở một khu phố khá nhộn nhịp ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, mấy năm qua, lớp học tình thương đặc biệt dành riêng cho trẻ em người Khmer trong chùa Sreyvonsa lặng lẽ tồn tại. Tại đây, ngoài học các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, các em còn được chăm chút hạnh kiểm cẩn thận.

Lớp học trong chùa Sreyvonsa
Lớp học trong chùa Sreyvonsa

Tấm lòng vị sư già

Như bao thành phố khác, Đồng Xoài vẫn có nhiều người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc. Con em của những gia đình này phải mưu sinh bằng một số nghề để giúp đỡ cha mẹ nên không có điều kiện đến lớp học. Vì vậy sư Tăng Xà Lốt, phó trụ trì chùa Sreyvonsa, một ngôi chùa của người Khmer có tiếng trong vùng, đã mở một lớp học tình thương dành cho các em. Ban đầu trụ trì đi tìm người đến dạy, may mắn gặp được một cô giáo vốn là đồng hương, sau đó có thêm một số cán bộ phường, cán bộ mặt trận… đồng ý dạy học không lương cho các em. Lớp ban đầu chỉ có gần chục em, sau đông dần, chính quyền địa phương thấy tốt nên cũng ủng hộ. Đến nay lớp được 25 cháu tham gia học thường xuyên.

Cô giáo Thạch Thị Thùy Dương là cán bộ tỉnh đoàn Bình Phước, chia sẻ: “Mình đứng lớp được 2 năm nay, càng ngày càng thấy gắn bó với các em. Tụi nhỏ ngoan mà tội lắm. Em nhỏ nhất mới 6 tuổi và lớn nhất 15 tuổi. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng hầu hết các em đều có điểm chung đó là gia đình khó khăn. Có em không được đến trường, có em bị câm bẩm sinh, có em đi bán vé số dạo… nhưng tất cả đều chăm học, rất nghe lời cô giáo.

Lúc đầu các em e ngại, dè dặt và có chút tự ti, mặc cảm vì chưa biết chữ hay học lực ở trường kém. Vì vậy mình làm sao để các em không cảm thấy bị áp lực mỗi khi đến lớp. Hôm nay các em chưa thuộc bài thì mai tôi giảng thêm. Xen kẽ với các tiết học, tôi dạy cho các em kỹ năng sống như là kỹ năng chống xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng thực hành xã hội… chứ không nhất thiết phải dạy hết chương trình trong sách giáo khoa”. Được biết, cô Thùy Dương vốn là người dân tộc Khmer, lại tốt nghiệp đại học chuyên ngành tâm lý học trẻ em nên rất hiểu tâm lý của các em nhỏ ở đây. Nhờ vậy, công việc dạy học cũng dần khắc phục được những khó khăn, giúp các em cảm thấy vui vẻ hơn bên những kiến thức khô cứng. Chính vì thế mà số lượng các em nhỏ tìm đến với lớp học ngày càng đông. Theo sư Tăng Xà Lốt, chùa Sreyvonsa còn dự định mua thêm bàn ghế, vận động thêm giáo viên phụ đạo để không chỉ các em nhỏ ở phường Tân Xuân mà các em nhỏ ở các phường lân cận cũng có thể đến đây theo học.

Cô giáo tận tình chỉ dạy
 Cô giáo tận tình chỉ dạy

Trẻ nghèo thiết tha đến lớp

Lớp học có hơn hai chục em học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, đứa cao đứa thấp nhưng chúng giống nhau ở chỗ đều khoác lên người bộ quần áo nhàu nhĩ, cũ nát, khuôn mặt nhem nhuốc và vẫn còn nét tinh nghịch, trẻ thơ. Chắc chắn, tất cả các em đều gửi gắm nhiều mơ ước vào từng trang giấy, từng buổi học dưới mái chùa yên bình này.

Kim Thy (12 tuổi), người dân tộc Khmer, cho biết: Hàng ngày em đi bán vé số qua cổng trường, thấy các bạn nô đùa trong sân nên ao ước mình cũng được đi học. “Mấy tháng nay con chỉ học viết và học đọc, nghe cô giáo bảo tới sang năm con mới được học toán. Con ước sau này biết đọc để nhắn tin như các bạn khác ở gần nhà”, Thy ngây thơ chia sẻ.

Cũng mới tham gia lớp học được 3 tháng, em Thạch Thị Kim Ly (14 tuổi) lại có hoàn cảnh khác. Tuy được đi học như bạn bè trang lứa nhưng lực học của Ly khá yếu. Gia đình em là người dân tộc Khmer, không biết nhiều về tiếng Việt nên không có điều kiện hướng dẫn em học thêm. Vì thế, những buổi tối em đến lớp để học thêm môn Toán và Tiếng Anh. Cô Thùy Dương bảo, các em đều rất chăm học, ngày nào cũng đến lớp đầy đủ. Cho bài tập về nhà, các em đều cố gắng làm cho kỳ hết mới thôi. Tuy nhiên, cô cũng cho biết, do đa phần các em ở đây ban ngày đều đi làm phụ giúp bố mẹ, tối về mới đến lớp để học nên nhiều em vì mệt, vì buồn ngủ mà ngủ quên mất. Những lúc đó cô lại phải kể chuyện cười, cho các em nghe nhạc để các em qua cơn buồn ngủ, hoặc cho các em giải lao ra sân chùa một lúc.

Những trẻ em Khmer nghèo chăm chú học chữ
Những trẻ em Khmer nghèo chăm chú học chữ

Chị Lâm Thị Na, người dân tộc Khmer, mẹ của học sinh Kim Thy, tâm tình: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất có vườn gì nên hai vợ chồng phải đi làm thuê, sáng sớm ra khỏi nhà, tối mới về, nên chẳng còn thời gian lo cho mấy đứa nhỏ. Công việc cũng bấp bênh. Lúc thì đi hái hạt điều, lúc đi bóc vỏ, phơi điều cho nhà máy, lúc thì đi cạo mủ cao su, chặt mía, nhổ mì cho người ta… Ai thuê gì thì làm nấy, nếu không thì loanh quanh ở nhà. Thương con không có điều kiện đi học nhưng không thể làm gì được. Thế nên, khi biết tin nhà chùa mở lớp học dạy chữ miễn phí, gia đình tôi cho các con đến học và mang ơn chùa, ơn cô giáo nhiều lắm”.

Hiểu và cảm thông với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của nhiều gia đình nên mỗi khi có thời gian, sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, cô giáo Thùy Dương lại cùng các nhà sư của chùa đến từng nhà để vận động phụ huynh cho các em theo học, nhờ đó mà nhiều em của phường từ không biết mặt chữ đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính đơn giản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.