Nghệ thuật đắp tượng ở chùa Khmer Nam Bộ

GD&TĐ - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có khoảng 600 ngôi chùa Khmer với rất nhiều pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị thần Reahu (Hổ Phù), Yeak (Chằn), Naga (Thần Rắn) được đắp, tạc nên bởi nhiều thế hệ nghệ nhân Khmer tài hoa. 

Nghệ nhân Khmer trong quá trình hoàn thiện tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nghệ nhân Khmer trong quá trình hoàn thiện tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong đó có những ngôi chùa và những pho tượng vài trăm tuổi được công nhận là di sản nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.

Theo quy trình cổ điển

Theo nghệ nhân, đắp tượng thờ trong các ngôi chùa là nghề mang tính nghệ thuật truyền thống của người Khmer Nam bộ. Trong quá trình đắp tượng, các nghệ nhân đều dựa vào quy trình cổ điển dân gian được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với cách đắp tượng trực tiếp, các nghệ nhân phải căn cứ vào đặc thù của khí hậu, thời tiết, môi trường từng nơi để áp dụng kỹ thuật pha trộn chất liệu. Quá trình thi công đắp tượng được kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm các bức tượng được đắp không bị rạn nứt, bền vững, giữ gìn được lâu dài.

Trong số hàng trăm ngôi chùa Khmer hiện nay, các mẫu tượng được chọn để đắp có nhiều mẫu được mô phỏng từ hình tượng của nhiều ngôi chùa cổ. Nhưng ở chính điện của bất cứ ngôi chùa Khmer nào cũng đều thờ Phật Thích Ca, tượng được các nghệ nhân đắp rất công phu, tỉ mỉ với tất cả tâm huyết và sự tôn kính của mình.

Tượng Phật Thích Ca thường được các nghệ nhân đắp và tạo dáng ở nhiều tư thế khác nhau như: đứng, ngồi, nằm... mang ý nghĩa thật sâu sắc về đạo đức cũng như vẻ thiêng liêng huyền diệu của Đức Phật.

Riêng tượng Phật Thích Ca trong chính điện, được đắp trên tòa sen và được trang trí công phu. Quá trình đắp tượng Phật Thích Ca, theo các nghệ nhân, được làm theo một quy trình hết sức chặt chẽ, công phu.

Bước đầu tiên, khi đã xác định vị trí, nghệ nhân sẽ cho thợ đưa vỉ sắt vào để đổ bê tông cốt tượng. Khi khối bê tông đã cứng, thợ sẽ tiếp tục xây bao quanh bằng loại gạch tốt để tạo hình, mảng lớn và phần thép, lưới được bao phủ hết khối đã xây gạch để khi đắp, trát có độ bám chắc chắn và bền vững.

Sau khi đã tạo xong phần khung cốt, thợ sẽ pha trộn vữa, xi măng với tỉ lệ được nghệ nhân hướng dẫn, trát kỹ bề mặt.

Tiếp theo, tượng sẽ được đắp từng mảng lớn và tạo hình tổng thể. Căn cứ theo không gian đặt tượng mà nghệ nhân cân đối hình thể của bức tượng. Nghệ nhân chính sẽ tạo hình bằng việc đắp tượng với vữa, xi măng được sàng lọc thật mịn, có tỷ lệ pha trộn phù hợp, được đảo thật kỹ để tạo độ sệt thích hợp khi đắp.

Nghệ nhân sẽ tỉ mỉ đắp từng vị trí trên bức tượng. Khâu cuối cùng là lớp phủ bề mặt của chất liệu, ngoài ra còn giả chất liệu để cho bức tượng được hoàn thiện và có độ tinh xảo, đảm bảo tính nghệ thuật thẩm mỹ.

Trước khi phủ sơn cho bức tượng thì nghệ nhân sẽ làm vệ sinh bức tượng thật kỹ, rồi phủ lớp sơn màu trắng đầu tiên để tạo lớp bóng, lớp thứ hai là màu hồng nhạt hoặc cam đỏ, lớp thứ ba là nhũ vàng, hoặc giả nhũ đồng, lớp thứ tư là lớp cuối cùng màu đỏ cắt nét theo họa tiết…

Có thể nói đắp tượng, nhất là tượng Phật Thích Ca được thờ trong chính điện là cả một quá trình lao động nghệ thuật rất công phu và tài hoa của các nghệ nhân Khmer nhiều thế hệ.

Nghệ nhân Thạch Tư bên các tác phẩm.
Nghệ nhân Thạch Tư bên các tác phẩm.

Công phu trùng tu tượng cũ

Ông Thạch Tư, quê Trà Vinh, một nghệ nhân Khmer nổi tiếng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, từng đắp nên hàng trăm pho tượng Phật và các vị thần ở rất nhiều ngôi chùa Khmer Nam bộ cho rằng, nghề đắp tượng, nhất là trùng tu tượng Phật cũ đòi hỏi người nghệ nhân phải có trình độ về Phật học.

Với biệt tài như “thần đèn”, nghệ nhân Thạch Tư đã nâng, đắp trùng tu thành công mỹ mãn hàng trăm pho tượng cổ ở các ngôi chùa Khmer vùng Tây Nam bộ. Trong đó, nổi tiếng nhất là pho tượng cổ Phật Thích Ca nặng hơn 10 tấn, được thờ ở chính điện chùa Hang (Trà Vinh) vào năm 1971, khi ông còn rất trẻ.

Theo tín ngưỡng và đức tin của người Khmer Nam bộ, chùa cổ có thể được trùng tu, nâng cấp, mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, nhưng tuyệt đối không được phá bỏ tượng Phật cũ.

Làm thế nào để trùng tu nâng cấp tượng Phật cũ thực sự là một công việc công phu và khó khăn hơn gấp nhiều lần đắp tượng mới. Bởi lẽ nhiều pho tượng cổ có trọng lượng hàng chục tấn nhưng chỉ được đắp bằng chất liệu là mật mía, vôi, đất sét và trải qua vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm nên rất dễ vỡ.

Chính vì thế những nghệ nhân đắp tượng phải tính toán hết sức tỉ mỉ, chính xác, nếu không sẽ làm cho pho tượng cổ bị sứt mẻ, gãy đổ. Những người trùng tu tượng cũ phải là những nghệ nhân thuần thục, có tay nghề cao về đắp tượng mới có thể chỉnh sửa được cân đối, hoặc đắp mới trên hình hài pho tượng cũ thật thẩm mỹ và đậm nét truyền thống.

Để trùng tu một pho tượng cũ, với một nhóm nghệ nhân khoảng từ 4 - 5 người và mất  3 - 4 tháng mới đắp sửa xong một pho tượng một cách hoàn hảo. 

Với biệt tài như “thần đèn”, nghệ nhân Thạch Tư đã nâng, đắp trùng tu thành công mỹ mãn hàng trăm pho tượng cổ ở các ngôi chùa Khmer vùng Tây Nam bộ. Trong đó, nổi tiếng nhất là pho tượng cổ Phật Thích Ca nặng hơn 10 tấn, được thờ ở chính điện chùa Hang (Trà Vinh) vào năm 1971, khi ông còn rất trẻ.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.