Cọc bánh mì ngóng chờ Tết muộn

Cọc bánh mì ngóng chờ Tết muộn

(GD&TĐ) - Đã áp tết rồi. Người người, nhà nhà đang hối hả sắm Tết. Vậy mà các chị - những người bán bánh mì trên quốc lộ 5 (đoạn thuộc huyện Gia Lâm – Hà Nội) vẫn lầm lũi đứng giữa mùa đông, gió thổi ù ù, lạnh tái tê để bán bánh mì, kiếm đồng ra đồng vào những mong có thêm một món tiền sắm tết muộn.

Những chiếc bánh mì vàng xuộm được xếp đầy thúng mủng cao dần đều, có khi vượt quá cả đầu người. Phần hở ra chúng được chủ nhân che bằng vải ni lông vàng, trông khá bắt mắt. Bánh mì chỉ được bày bán phía bên tay phải theo chiều đi từ Hà Nội đi các tỉnh. Thế nên đủ hiểu, bánh mì vẫn là món quà của người Hà Nội về thăm quê hay người quê ra Hà Nội khi trở về mua làm đồng quà tấm bánh, vừa dân dã, vừa thân tình lại kinh tế.

Ngóng tìm khách
Ngóng tìm khách

Trước kia, những cọc bánh mì này thường “họp chợ” tận trên đầu đường 5, đoạn bùng binh giáp cầu Chui thuộc quận Long Biên. Nhưng kể từ khi cầu Vĩnh Tuy, rồi đến cầu Thanh Trì được xây dựng và thông cầu thì lượng người về quê phải ra đường 5 thường đi hai cây cầu này cho gần, đỡ tắc đường và vì thế những cọc bánh mì cũng chuyển theo để đón khách hàng.

Người bán bánh mì ở đây rất đa dạng. Có người ở ngay Hà Nội. Có người lại ở quê. Họ đều là đàn bà, con gái. Vì không có việc làm hoặc nhân lúc nông nhàn ra đây đứng bán bánh mì để có thêm thu nhập hoặc nuôi ước mơ kiếm tiền cho con cái có điều kiện học hành để sau này chúng đỡ khổ. Hoặc chí ít sau chúng sướng hơn mình.

Khách hàng đang mặc cả
Khách hàng đang mặc cả

Cô Bình, nhà ở tận Hưng Yên đến đây bán bánh mì đã được vài năm. Cái cảnh đứng đường cả ngày, nhất là mùa hè khiến da dẻ cô đen nhẻm. Nhưng đến mùa đông được coi là rét kỷ lục này thì chân tay cô nứt nẻ, có chỗ còn bị tứa máu. Khổ cực vậy nhưng cô vẫn phải bám trụ trên những cọc bánh mì này vì nhà đông con, chúng nó lại đều học “được cả”, thế mới khổ. Mà học được cô phải cho chúng đi học. Đi học đương nhiên phải tôn tiền rồi, làm ruộng vài sào cũng chỉ đủ cho nhà cô đỡ phải đong gạo mà thôi. Chứ cứ tính theo giá thị trường vài tạ thóc bán đi lấy tiền ăn học sao đặng.

Hy vọng những chuyến xe khách, khách sẽ mua nhiều hơn
Hy vọng những chuyến xe khách, khách sẽ mua nhiều hơn

Buôn có bạn, bán có phường. Bán bánh mì ở đường 5 tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai thích đến đây bán thì bán. Mỗi người đều có một chỗ, không cần đánh dấu, đó là luật bất thành văn, không ai xâm phạm của ai được. Họ không cần phương tiện vận chuyển hàng, vì khi hết hàng chỉ cần một cú điện thoại là nhà lò bánh mì sẽ có xe chở đến tận nơi. Trung bình mỗi người mỗi ngày bán được vài trăm cái bánh mì, tiền lãi cũng được trăm hơn trăm kém. Đồng tiền với họ thực sự quý, như người ta vẫn thường nói nó gắn liền với từng khúc ruột.

Ngậm ngùi
Ngậm ngùi

Vẫn biết xã hội phân công, mỗi người làm một việc, mỗi người một số phận. Nhưng sao mỗi lần đi qua những cọc bán bánh mì, khách bộ hành vẫn không khỏi đắng đót lòng. Hiện thực vẫn còn quá nhiều người vất vả mưu sinh và hiện thực cũng đã xuất hiện một bộ phận giới giàu có, đưa gia đình đi ăn sáng hết cả chục triệu đồng một bữa nhẹ như lông hồng. Điều đó thật đáng để ta suy nghĩ lắm thay.

Lâm Bách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ