Có xóa sổ chương trình chất lượng cao?

GD&TĐ - Nhiều người đang băn khoăn, liệu có xóa sổ các chương trình đào tạo đại học chất lượng cao?

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: ITN
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: ITN

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tin này khiến nhiều người băn khoăn, liệu có xóa sổ các chương trình chất lượng cao?

Nhà trường tự định nghĩa

Sau 9 năm có hiệu lực, Thông tư 23 cơ bản hoàn thành sứ mệnh và có giá trị lịch sử, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội ghi nhận và cho hay, Bộ GD&ĐT đã ban hành được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào là chất lượng cao?

Tuy nhiên, gần đây có 2 luồng ý kiến: Một là, chương trình chất lượng có “xứng đáng với đồng tiền bát gạo” hay không? Hai là, nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao có điểm tuyển sinh đầu vào thấp hơn chương trình đại học. Vô hình trung tạo nên sự nghi ngại của xã hội về chất lượng chương trình này.

“Tất nhiên, các cơ sở đào tạo sẽ phải tự giải trình và trả lời người học, xã hội”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nêu quan điểm.

Cho rằng, việc ban hành Thông tư 23 là cần thiết, PGS.TS Nguyễn Phong Điền viện dẫn, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này không đề cập đến cụm từ chất lượng cao. Ngoài ra, hiện cơ sở đào tạo được thực hiện cơ chế tự chủ. Nếu mở ngành đào tạo với học phí cao thì phải chứng minh cho xã hội.

“Theo tôi, chương trình chất lượng cao do nhà trường tự định nghĩa và tự đảm bảo chất lượng đầu ra. Quy định này với đúng tinh thần tự chủ về chuyên môn, học thuật”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Thị Hiền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh. Ảnh: NVCC

PGS.TS Vũ Thị Hiền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho thí sinh. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), theo quy định của Luật số 34, việc xây dựng các chương trình chất lượng cao và chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, nhà trường có thể dùng khái niệm chất lượng cao để đặt tên cho chương trình của mình mà không bị ràng buộc bởi điều kiện quy định tại Thông tư 23. Điều quan trọng là, đơn vị phải khẳng định chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng.

Từ phân tích trên, PGS.TS Vũ Thị Hiền khẳng định, bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật số 34 và thực tế triển khai chương trình chất lượng cao tại trường đại học nói chung và Trường ĐH Ngoại thương nói riêng. Thông tư 23 hết hiệu lực không ảnh hưởng đến công tác đào tạo chương trình chất lượng cao hiện tại của trường cũng như hoạt động tuyển sinh, đào tạo trong năm 2023 và những năm tới.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Thuận lợi cho cơ sở đào tạo

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận: Luật số 34 cho phép trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

“Việc bãi bỏ Thông tư 23 càng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao”, PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ, đồng thời cho biết: Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng tích hợp chuẩn quốc tế vào trụ cột chuyên môn của chương trình. Qua đó, tăng tính linh hoạt, lồng ghép mô hình khai phá năng lực sáng tạo và kỹ năng làm việc thực chiến trong môi trường quốc tế của sinh viên.

Việc xây dựng và thực hiện “chương trình chất lượng cao” thuộc quyền tự chủ của mỗi đơn vị. Quy định này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Riêng về học phí, cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

Lý giải về việc cần thiết bãi bỏ Thông tư 23, đại diện Bộ GD&ĐT viện dẫn, Khoản 6 Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật số 34, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao không còn tồn tại, việc phát triển chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT khuyến khích cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo có yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ quy định. Dù tên gọi là gì, các đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng từ đầu vào, điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như quy định khác, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Bộ GD&ĐT khẳng định, bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác của cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư 11 quy định về việc bãi bỏ Thông tư 23. Theo đó, các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (ngày Thông tư 11 có hiệu lực) tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.