Đào tạo chương trình chất lượng cao: Giải cơn khát nhân lực của doanh nghiệp

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều hình thức đào tạo, trong đó có Chương trình chất lượng cao.

SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề thực tập chương trình Chất lượng cao. Ảnh: INT
SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề thực tập chương trình Chất lượng cao. Ảnh: INT

Theo phản hồi của các nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này vững vàng chuyên môn, kỹ năng tốt.

Tiêu chí rõ ràng

PGS.TS Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Phản hồi của doanh nghiệp đều được nhà trường cập nhật để đưa vào các chương trình đào tạo. Những năm gần đây, nhà trường chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Đặc biệt, mỗi năm đều tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, để sinh viên có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho mình.

Theo ông Thành, chương trình chất lượng cao có thể chia làm 2 loại: Chương trình cử nhân khoa học tài năng và chương trình chất lượng cao. Mỗi chương trình có mục đích, tiêu chí rõ ràng và có thời lượng đào tạo khác nhau. Với chương trình cử nhân tài năng, đây là mô hình do Trường ĐH Tổng hợp trước đây xây dựng và được Nhà nước đầu tư kinh phí, sinh viên được hỗ trợ học bổng. Số tín chỉ mà sinh viên tích lũy sẽ cao hơn chương trình bình thường. Chuẩn đầu vào của Cử nhân khoa học tài năng là những học sinh từ các đội tuyển thi học sinh giỏi. Hiện nay, có 4 ngành đào tạo Toán – Lý – Hóa – Sinh, mỗi lớp 20 học sinh. 

Với chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, yêu cầu chuẩn đầu vào nằm trong Đề án tuyển sinh theo đúng quy định của Bộ. Do có 20% học phần học bằng tiếng Anh nên có chuẩn về tiếng Anh. Đặc biệt, ngay từ khi nhập học, sinh viên sẽ được tham quan các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng… Từ năm thứ 2, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, trải nghiệm tại các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp.

“Tiêu chí của chương trình chất lượng cao rất rõ ràng, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cho đến chương trình đào tạo. Ví dụ, chương trình phải đáp ứng được chuẩn đầu ra, đặc biệt là tiếng Anh. Giảng viên tham gia giảng dạy phải từ tiến sĩ trở lên, hoặc là GS, PGS…” - PGS.TS Nguyễn Trung Thành trao đổi.

TS Lương Thị Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur (Hà Nội) cho hay: Các trường giáo dục nghề nghiệp đang triển khai chương trình chất lượng cao để đạt hiệu quả khi tham gia vào thị trường lao động. Khi đã có chuẩn đầu ra, các trường cần ứng dụng vào thực tiễn; đồng thời có thể tham khảo  nội dung đào tạo của nước ngoài để xây dựng chương trình đào tạo của trường mình hoàn chỉnh hơn; trong đó cần chú trọng đến kỹ năng mềm cho sinh viên. “Tôi có tiếp cận với nhiều sinh viên quốc tế. Nếu nói về kiến thức cơ bản, họ không bằng những trường của Việt Nam, nhất là những môn khoa học cơ bản. Nhưng họ lại hơn về đào tạo những kỹ năng mềm” - TS Lương Thị Tâm Uyên chia sẻ.

Doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt

Nêu vấn đề, đào tạo chất lượng cao thì phải đạt đến những tiêu chuẩn và tiêu chí nào? Lãnh đạo Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho rằng: Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chấp nhận được và sinh viên ra trường vào làm việc không phải đào tạo lại. Nói cách khác, người sử dụng lao động đánh giá, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc và và tối thiếu ở mức “Đạt” trở lên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ Công ty 2NF Software thông tin: Những năm gần đây, các trường ĐH làm rất tốt việc tiếp cận doanh nghiệp. Vì thế, sau khi ra trường sinh viên đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Còn việc doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên là để phù hợp hơn với tiêu chuẩn và văn hóa chất lượng của doanh nghiệp, chứ không phải đào tạo lại từ đầu.

Ông Tuấn nêu quan điểm: Trường ĐH có nhiệm vụ đào tạo riêng, họ không có nhiệm vụ đào tạo phục vụ cho một tổ chức, hay doanh nghiệp nào đó. Chẳng hạn: Sinh viên học Khoa học máy tính của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khi ra trường không nhất thiết phải làm ở doanh nghiệp phần mềm. Họ có thể học tiếp lên cao học hoặc vào cơ quan Nhà nước… Tức là, trường ĐH đào tạo nền tảng, những thứ thiết yếu nhất để phù hợp với xã hội.

“Doanh nghiệp chuyên phát triển phần mềm cho thị trường nước ngoài, nhất là Nhật Bản, chúng tôi phải đào tạo cho nhân viên (nhất là sinh viên mới ra trường) về quy trình làm việc, để chất lượng sản phẩm phù hợp hơn với khách hàng nước ngoài. Còn nếu khách hàng là thị trường trong nước, chúng tôi sẽ có cách đào tạo nhân viên để thích ứng. Tức là phải linh hoạt, ứng biến” – ông Tuấn dẫn giải.

Ông Tuấn cho biết: Khoảng 10 năm nay, Công ty hợp tác với nhiều trường đại học. Hằng năm, Công ty tuyển sinh viên năm cuối đến thực tập. Trên cơ sở đó, tuyển dụng được sinh viên xuất sắc của một số trường đại học, trong đó có Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). “Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình chất lượng cao, doanh nghiệp rất hài lòng, thậm chí là tranh giành nhau; bởi sinh viên đến từ những chương trình này có năng lực tốt” - ông Đặng Minh Tuấn chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Bài toán của các doanh nghiệp là, làm thế nào để giữ chân những nhân viên như thế. 

Theo ông Đặng Minh Tuấn, trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngành khác sinh viên ra trường không xin được việc làm, nhưng với ngành Công nghệ thông tin vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự. Có những vị trí tuyển cả tháng vẫn chưa được người ưng ý. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự báo năm 2022, ngành Công nghệ thông tin thiếu khoảng 1 triệu nhân lực chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ