Do đó, đề án tuyển sinh năm 2023 của một số trường đại học đã không còn chỉ tiêu cho các chương trình đào tạo chất lượng cao, trong khi đơn vị khác vẫn duy trì mô hình này với tên gọi khác.
Nơi dừng, nơi vẫn tuyển sinh
PGS.TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng - cho biết, năm 2023, nhà trường tạm dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chất lượng cao. Với những khóa tuyển sinh trước đó, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng vẫn đảm bảo các điều kiện về chương trình đào tạo, đội ngũ, điều kiện dịch vụ… như trước đây.
Khóa tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có 6 ngành/chuyên ngành đào tạo chất lượng cao gồm Ngôn ngữ Anh, Quốc tế học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Đông phương học. Theo PGS.TS Trần Hữu Phúc, việc dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng đồng nghĩa với nguồn thu từ học phí của nhà trường sụt giảm đáng kể.
Các chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có mức học phí cao gấp 2,5 lần so với chương trình đại trà. Đi kèm với đó là điều kiện về giảng viên, giáo trình… ; số giờ học với giảng viên người nước ngoài cũng có nhiều khác biệt so với chương trình đại trà. Đơn cử, chương trình chất lượng cao, giảng viên đứng lớp phải có trình độ tiến sĩ.
Theo chủ trương của ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ hoàn toàn đều tạm dừng tuyển sinh đào tạo chất lượng cao theo đúng tinh thần của Thông tư số 17. Trong khi đó, so sánh giữa đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 và 2023 của Trường ĐH Nha Trang cho thấy có sự điều chỉnh về tên gọi. Theo đó, trong đề án tuyển sinh năm 2022, nhà trường có 2 chương trình đào tạo gồm chương trình tiên tiến – chất lượng cao và chương trình chuẩn/ đại trà.
Các nhóm ngành tuyển sinh chương trình chất lượng cao gồm: Quản trị kinh doanh (chương trình song ngữ Anh - Việt); Kế toán (chương trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo song ngữ Anh - Việt); Công nghệ thông tin (chương trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo song ngữ Anh - Việt); Quản trị khách sạn (chương trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo song ngữ Anh - Việt).
Nhưng trong thông báo tuyển sinh năm 2023 đăng trên website của Trường ĐH Nha Trang vẫn có 2 chương trình đào tạo với tên gọi chương trình đặc biệt và chương trình chuẩn. Trong đó, các nhóm ngành, chuyên ngành chương trình đặc biệt, ngoài 4 ngành thuộc chương trình tiên tiến – chất lượng cao của năm 2022 còn bổ sung thêm ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản (chương trình Minh Phú – NTU) và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. |
Học phí dựa trên mức độ tự chủ và kiểm định chất lượng
Từ khóa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng không còn tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Trong thời gian thí điểm chương trình đào tạo chất lượng cao, nhà trường có chủ trương lan tỏa những ưu điểm của chương trình này sang chương trình đại trà. Vì vậy, khi xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng đào tạo kỹ sư và cử nhân, chúng tôi không còn chương trình chất lượng cao như trước. Ngoài duy trì chương trình tiên tiến và chương trình kỹ sư Việt – Pháp, nhà trường áp dụng một chuẩn chương trình đào tạo”.
Trước khi thực hiện tự chủ tài chính, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng triển khai đào tạo các chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính cho đến nay, nhà trường không còn chương trình này. Thay vào đó, học phí của nhà trường được xây dựng ở 3 mức: Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; ngành học mà xã hội có nhu cầu nhân lực ở mức cao và ngành học có nguồn tuyển hẹp.
Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, học phí của chương trình đào tạo chất lượng cao trước đây là một trong những căn cứ để nhà trường thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, có một số ngành, mức học phí được xây dựng thấp hơn mức nhà trường áp dụng với chương trình đào tạo chất lượng cao. Đây là những ngành quan trọng, xã hội vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng người học không mặn mà, đơn cử như ngành Thống kê.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có 2 mức học phí chia theo 2 nhóm ngành: Nhóm nhu cầu xã hội cao và nhóm ngành thu hút tuyển sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, đây là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội nhằm đảm bảo sự cân bằng trong cung ứng nguồn lực đối với một số ngành có nguồn tuyển hẹp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải đồng thời cho rằng, chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù khác với chương trình chất lượng cao và có những quy định riêng. Hiện, một số trường ĐH được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo chương trình đặc thù ở một số ngành như Công nghệ thông tin, Du lịch nhằm tăng cường nguồn nhân lực mũi nhọn. Về cơ bản, đào tạo theo cơ chế đặc thù là chương trình được phát triển từ chương trình đào tạo đại học đại trà, sinh viên được học lý thuyết song song với thực hành và thời lượng học thực hành tại doanh nghiệp cao hơn, do các chuyên gia của doanh nghiệp trực tiếp đào tạo.
Như vậy, tính chất đặc thù của chương trình đào tạo không phải là căn cứ để xây dựng học phí. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải khẳng định, cách xây dựng học phí phải căn cứ theo Nghị định 81/2021. Cụ thể, học phí được xây dựng dựa theo mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đã được kiểm định hay chưa.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học và Thông tư 17, các trường đại học chỉ có chung một chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo. Như vậy, sẽ không có chương trình chất lượng cao với chuẩn đầu ra khác với chương trình đại trà. Theo cách hiểu này, việc đặt tên gọi thế nào là tùy mỗi trường, có thể khác nhau về phương thức đào tạo nhưng phải giống nhau về chuẩn đầu ra.