Cô Vân lên núi gieo mầm

GD&TĐ - Dẫu biết rằng Lai Châu là miền đất khó, song để có cơ hội theo nghề, cô Ma Thị Vân hạ quyết tâm. Cô rời bỏ quê hương Tuyên Quang để đến với mảnh đất Nậm Nhùn thấm thoắt đã hơn 15 năm.

Cô Ma Thị Vân rèn chữ viết cho học sinh.
Cô Ma Thị Vân rèn chữ viết cho học sinh.

Nước mắt chảy ngược

Cô Ma Thị Vân hiện là giáo viên trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình 5 anh chị em tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Từ nhỏ, cuộc sống quanh năm với ruộng đồng đã rèn cho cô Vân ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư Phạm Tuyên Quang, khoa Tiểu học, cô đi dạy hợp đồng ở một trường mầm non gần nhà.

“Chờ mấy năm mà chẳng có biên chế, lương lại thấp, cuộc sống khó khăn nên tôi quyết tâm lên Lai Châu. Lúc đó, đi là để tìm kiếm cơ hội chính thức công tác trong ngành giáo dục, đồng thời cũng là để có lương cao hơn” – cô Vân thẳng thắn chia sẻ.

Đến năm 2006, cô được tiếp nhận và phân công công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Mường Mô, huyện Mường Tè (nay thuộc xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn). Ngày mới về nhận công tác, dù đã hình dung được nỗi vất vả sẽ phải trải qua, nhưng khi đến nơi cô mới biết, sự chuẩn bị của mình vẫn chưa là gì so với thực tế.

Ở trường, thời gian đầu, cô được phân công giảng dạy tại điểm bản Táng Ngá và Mường Mô 2. Mỗi lần từ xã lên trường, cô mất 2 chặng: Đi xe và cuốc bộ để vượt qua con đường dốc trơn trượt, một bên là vực thẳm, bên kia là vách đá.

“Tôi dạy lớp 2 ở điểm bản Táng Ngá. Đi từ 8 giờ sáng thì đến tận 5 giờ chiều mới tới điểm trường. Lúc đó chỉ là đường dân sinh, có khi lại phải men theo lối trâu đi. Tháng 9 lên trường còn phải chui qua bụi rậm, những con vắt xanh là nỗi ám ảnh của tôi khi đó, sợ lắm” – cô Vân nhớ lại.

Ở Táng Ngá khi ấy không có điện, không sóng điện thoại nên phải mất 2 tháng sau khi nhận nhiệm vụ, cô mới có dịp để nhờ người báo tin về nhà. Cũng chẳng có gì, chỉ là thông báo cho bố mẹ biết nơi mình công tác.

“Lúc đó tôi nhờ thầy Phương lên tận trung tâm huyện Mường Tè, gọi điện báo về. Chỉ là để gia đình biết tôi dạy ở đâu, ăn ở thế nào. Khi phải nhờ việc đó mà lòng tôi ứ nghẹn trong cổ. Mãi sau, đến gần Tết, tôi mới có cơ hội trực tiếp gọi về cho gia đình. Nghe giọng người thân mà không kìm nổi nước mắt” – cô Vân xúc động.

Một năm sau, cô Vân chuyển về dạy ở bản Huổi Mắn. Đường đến trường ở đây còn khó khăn hơn. Để đến trường, cô vừa phải băng rừng và cả vượt sông.

“Mỗi lần tới trường phải qua con suối Nậm Chà. Cây cầu tre do dân tự làm để đi lại được bắc lên với những thân gỗ, mặt cầu đan kết bằng nứa, tre ọp ẹp. Những lần cầu trôi, chúng tôi lại phải đi nhờ thuyền máy. Vì thế, mỗi năm phải mất 30kg thóc để trả công cho người dân hỗ trợ qua sông”, cô Vân nhớ lại.

5 năm ở Táng Ngá và Huổi Mắn cùng với những khó khăn vất vả, không ít lần cô Vân rơi lệ. Bởi thế, đã 3 lần làm đơn xin được chuyển về quê công tác. Song cô lại sớm thay đổi ý định bởi vẫn thấy thương cái nghèo khó của Nậm Chà, thương cả những đứa trẻ người Dao cần cù đến lớp, siêng học mỗi ngày.

Con đường đến trường gian khó của giáo viên ở Nậm Chà.
Con đường đến trường gian khó của giáo viên ở Nậm Chà.

Tổ trưởng chuyên môn gương mẫu

Hơn 15 năm gắn bó với viên phấn, tấm bảng ở vùng khó, cô Vân đã trải qua nhiều vị trí giảng dạy ở các khối lớp, gắn bó với nhiều điểm trường. Với cô, rào cản lớn nhất luôn là sự bất đồng về ngôn ngữ với người dân địa phương. Để khắc phục điều này, cô chủ động gần gũi với học sinh để tìm hiểu mỗi hoàn cảnh rồi tìm ra phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất.

Với vai trò là Tổ trưởng chuyên môn khối 1 của trường, cô Vân tích cực tham mưu cho Ban giám hiệu về kế hoạch giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của học sinh.

“Lớp 1 đang triển khai theo Chương trình GDPT mới, cùng với việc truyền tải những nội dung kiến thức theo yêu cầu, tôi luôn lồng ghép các hoạt động dạy kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó hình thành tính tích cực, chủ động, tạo được sự hứng thú cho học sinh” – cô Vân nói.

Thầy Lò Văn Tuấn, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà chia sẻ: “Tôi thấy rằng cô Vân luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của ngành phát động. Cô cũng sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, hỗ trợ giáo viên gặp khó trong công tác giảng dạy”.

Không tự mãn với vốn kinh nghiệm tích lũy của bản thân, cô Vân luôn trau dồi kiến thức, học hỏi và chia sẻ cùng đồng nghiệp để tự hoàn thiện chuyên môn. Nhờ đó, các lớp do cô chủ nhiệm luôn đạt kết quả tốt. Học sinh đến lớp đều hào hứng tham gia các hoạt động.

“Tôi luôn tự nhắc mình rằng: Thầy cô là người đầu tiên uốn nắn, hướng dẫn các em viết lên những trang giấy trắng. Để các em tìm hiểu một thế giới mới ở môi trường học đường, giáo viên phải luôn nỗ lực tìm ra những phương pháp hiệu quả để truyền thụ kiến thức. Có như vậy mới giúp học sinh phát triển toàn diện” – cô Vân chia sẻ.

“Với cương vị người quản lý, tôi nhận thấy rằng, cô Vân có nhiều đóng góp cho tập thể nhà trường. Cô là giáo viên nhiệt tình trong công tác, luôn sáng tạo. Bản thân cô rất tỉ mỉ trong quá trình làm các thiết bị dạy học từ đơn giản đến phức tạp. Với những thiết bị đó đã giúp học sinh dễ hiểu bài hơn. Trong cuộc sống thì cô ấy luôn giản dị, hòa đồng với mọi người, được đồng nghiệp quý trọng, học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng” - thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Nậm Chà, nhiều năm liên tiếp cô Ma Thị Vân được ngành GD&ĐT và chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương. Năm 2021, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.