Ngược dốc chở vật liệu xây trường
Hơn 15 năm kể từ khi thành lập đến nay, Mường Nhé đã thay da đổi thịt từng ngày. Thế nhưng, đồng bào nơi đây vẫn lam lũ, chống chọi với cái đói, cái nghèo, nó mãi còn đeo đuổi.
Sáng sớm tinh mơ, đứng trên đỉnh con dốc đầu bản Huổi Cắn nhìn xuống mới thấy nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh thật hữu tình. Lác đác có tiếng gà gáy “ò...ó....o....” như báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Lẽ ra, khi tiếng gà cất lên buổi sớm thì đồng bào Mông nơi đây đã có mặt ở trên nương trước đó rồi. Nhưng hôm nay, bà con nghỉ làm, không đi nương vì phải vận chuyển vật liệu từ dưới đường lớn về bản để dựng lớp học.
Bản Huổi Cắn có 39 hộ gia đình với gần 200 nhân khẩu, 100% các hộ là hộ nghèo. Sau 5 năm thành lập, đến nay Huổi Cắn vẫn không có điện, không có đường và cũng chẳng có cả trường để học. Bởi thế, khi nghe tin huyện Mường Nhé kêu gọi, huy động được các nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng trường học cho các cháu, bà con vui lắm.
Khổ nỗi nguồn vốn huy động được ở lần này cũng chẳng là bao, may chăng “chắt bóp” lắm mới đủ để mua vật liệu, bởi chi phí xây dựng, cự ly, địa hình di chuyển vật liệu đến chân công trình xa xôi, cách trở nên giá thành “đội” lên gấp ba, gấp bốn lần mức bình thường. Thương các con phải đi học xa, trường lớp tạm bợ, lạnh lẽo, nên phụ huynh ở bản Huổi Cắn này bảo nhau thôi không đi nương vài ngày để ở nhà hỗ trợ giáo viên dựng trường. Có nhà lúa nương đã gặt xong, đắp đống ngoài rừng, mưa xuống thóc đã mọc mầm song họ vẫn quyết không đi.
Đang mải miết ngắm mây trời Mường Toong, bỗng dưng, ở đâu một đoàn người với tiếng động cơ xe máy gầm rú vang rừng ngược dốc nối đuôi nhau về bản, xé toang bầu không khí tĩnh mịch chốn thâm sơn. Không phải là đoàn “phượt thủ”, cũng chẳng phải là những công nhân đi cắm mốc biên giới. Họ chính là những phụ huynh học sinh và đoàn viên thanh niên xã Mường Toong của huyện Mường Nhé vận chuyển vật liệu lên bản Huổi Cắn để xây dựng phòng học cho các em mầm non.
|
Trong đoàn người ấy, tôi thấy cô giáo Phạm Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Toong có mặt. Chân yếu, tay mềm, thế nhưng cô Phương cũng “một mình một ngựa” (một mình một chiếc xe máy) chở bao cát “ngược non”. Đến chỗ tập kết vật liệu, cô Phương vừa thở hổn hển vừa nói: “Vừa rồi chúng em đã nhờ sự quan tâm, kêu gọi của huyện, xin được cho điểm bản Huổi Cắn này 240 triệu đồng để làm lớp học. Song do đường sá xa xôi, địa hình đồi núi, giá thành xây dựng cao nên số tiền này chỉ đủ mua sắt thép, xi măng và tấm lợp, không đủ chi công vận chuyển và công xây dựng. Vì vậy, nhà trường phải huy động Đoàn thanh niên và phụ huynh học sinh, chuyên chở vật liệu giúp nhà trường để làm lớp học”.
“Gánh” cả tương lai con cháu trên vai
Con đường mòn dẫn vào bản dài có 5 cây số, nhưng đèo, dốc quanh co. Một bên là núi cao, còn bên kia là vực thẳm. Một mình một xe máy đi đã khó, khi phải chở thêm 50 – 60kg vật liệu lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn. Song cũng chẳng có cách nào khác, nên họ vẫn quyết đưa cho được toàn bộ vật liệu về bản để cho hơn 30 em học sinh nghèo có trường, có lớp. Em Mào Văn Lập, đoàn viên thanh niên chi đoàn xã Mường Toong vừa suýt bị trượt ngã nhưng may có dân bản hỗ trợ nên cả người, xe cũng như hai bao xi măng đằng sau chưa rơi xuống vực.
Mặt Lập tái xanh, “cắt” không ra nổi giọt máu, có lẽ em vẫn chưa hết ám ảnh bởi hình ảnh nguy hiểm khi nãy. “Chỉ cần sơ sẩy một tí thôi là cả người và xe có thể rơi xuống vực. Đấy là cái rủi ro mà không ai mong muốn cả, trong quá trình vận chuyển, bọn em cũng hết sức lưu ý và cẩn thận. Anh em cũng vì sự chia sẻ, đồng cảm với tất cả bà con nhân dân trong bản, để đảm bảo cho con em họ có trường lớp để học” - Mào Văn Lập vừa thở, vừa nói.
|
Ở đây không ai bảo ai, thế nhưng công việc lại được phân chia rất rõ ràng. Thanh niên trai tráng, những gia đình có xe máy thì chở vật liệu bằng xe. Còn người già, phụ nữ thì khiêng, vác bộ. Ba bố con ông Giàng A Mai trên đường đi làm nương về cũng tranh thủ ghé qua, nhặt vài viên gạch ném vào “lu cở” (cái gùi) rồi lại lẽo đẽo leo đồi về bản. Năm cây số đường rừng quanh co, trắc trở, nỗi vất vả, nhọc nhằn hiện rõ trên từng khuôn mặt của mỗi người. Song đó lại là niềm hạnh phúc với thầy trò và đồng bào nơi đây, bởi họ biết rằng họ đang “gánh” cả tương lai của các thế hệ con, cháu mình trên đôi vai nặng trĩu từ những viên gạch hồng, những bao cát nặng.
“Nhà tôi nghèo không có tiền mua xe máy nên đi đâu cũng phải đi bộ. Nhà cũng chẳng có ngựa để mà đi. Vận chuyển bộ thế này thì mệt lắm chứ, đường thì xa. Người khoẻ, đi nhanh thì cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới mang được vài viên gạch lên bản, nhưng phải cố gắng thôi. Vì con em mình cần phải có lớp học mà” - ông Giàng A Mai đã nói với tôi như thế.
Như đàn kiến tha lâu cũng đầy tổ, sau 5 ngày nỗ lực của bà con dân bản và đoàn viên thanh niên xã Mường Toong, hơn 50 tấn vật liệu đã được vận chuyển thủ công đến điểm bản Huổi Cắn. Những ngày tới, họ lại tiếp tục góp công dựng trường. Đây sẽ là lớp học kiên cố đầu tiên ở bản Huổi Cắn và cũng là một trong số 30 phòng lớp học được huyện Mường Nhé quyên góp xây dựng trong 5 năm gần đây.