Những người “mở đường” đưa chữ lên núi

GD&TĐ - “… Núi rừng ơi hãy nuôi tôi nhé/ Coi tôi như con đẻ núi ơi/ Tôi ở đây mở trường dạy trẻ/ Yêu núi rừng như quê mẹ của tôi…”.

Những giáo viên miền xuôi đầu tiên tình nguyện lên Tây Bắc theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Ảnh: NVCC
Những giáo viên miền xuôi đầu tiên tình nguyện lên Tây Bắc theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Ảnh: NVCC

Những câu thơ không đầu, không cuối đã trở thành khẩu hiệu của “đoàn quân” tình nguyện mở đường cho con chữ Bác Hồ ngược ngàn lên với bà con miền núi năm 1959, 1960…

Đoàn quân mở đường

Năm 1959, với chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên các địa phương trong cả nước đã tình nguyện xung phong lên phục vụ giáo dục miền núi. Một năm sau (1960), hơn 200 giáo viên khác tiếp tục hành trình lên Tây Bắc.

Hơn 1.000 giáo viên, là những thanh niên ưu tú ngày ấy đã rời miền xuôi để ngược ngàn, mở đường cho hàng loạt thế hệ giáo viên về sau “cõng chữ lên non”. Họ được gọi là những đoàn quân diệt giặc dốt, với quyết tâm thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ, là “làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Đầu tháng 10/1959, đoàn xe vận tải có mui đưa hơn 800 giáo viên đầu tiên từ Hà Nội lên Sở Giáo dục Khu tự trị Thái – Mèo (sau gọi là khu Tây Bắc), thủ phủ đặt tại Thuận Châu. “Từ Hà Nội lên Thuận Châu phải mất 2 ngày. Khi qua Hòa Bình, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, ở đâu cũng được bà con dân tộc và học sinh đứng 2 bên đường vẫy tay chào đón, khiến chúng tôi càng thêm khí thế, quyết tâm” – thầy Vũ Kim Thuần, nguyên giáo viên đoàn quân 1959 chia sẻ.

Sau những năm tháng “cõng chữ” lên cho đồng bào miền núi Tây Bắc, về nghỉ hưu thầy Vũ Kim Thuần vẫn gắn bó với Tây Bắc. Ảnh: NVCC
Sau những năm tháng “cõng chữ” lên cho đồng bào miền núi Tây Bắc, về nghỉ hưu thầy Vũ Kim Thuần vẫn gắn bó với Tây Bắc. Ảnh: NVCC

Khu tự trị Thái – Mèo lúc bấy giờ có 18 Châu. Từ Sở đi đến các Châu đều không có xe, và đường sá thì vô cùng khó khăn. Để nhận nhiệm vụ, mỗi thầy cô phải nặng vai tư trang, đồ dùng dạy học… đi bộ ngược núi vài ngày mới đến điểm trường.

Ngày ấy, gần như mỗi xã chỉ có 1 trường, mỗi trường 1 lớp, và mỗi lớp vẻn vẹn 5 – 7 học sinh, thậm chí có 1 học sinh. Tất cả đều bắt đầu từ con số “0”: Không bảng đen, phấn trắng, không bàn ghế, nhà lớp học... Nỗi ám ảnh về một vùng “ma thiêng, nước độc” trước khi ngược ngàn đều nhanh chóng tan biến, để dồn sức tập trung cho việc “xây trường, dựng lớp”.

“Ngày ấy, nhiều thầy cô ban ngày đổ mồ hôi vì vất vả, ban đêm lại ứa nước mắt vì tủi thân. Đặc biệt là nữ giáo viên. Cũng có 1 vài trường hợp bỏ về. Nhưng đó là số rất ít. Bởi lúc ấy chúng tôi đều trẻ tuổi, còn hăng hái lắm”, thầy Vũ Kim Thuần tâm sự.

Trong kí ức của mình, cho đến giờ thầy Thuần vẫn không quên những tháng ngày “ăn cơm nắm, ngủ lán, làm nương và dạy chữ” cùng bà con miền núi Điện Biên. Tự tay gạt những nắm đất đầu tiên đặt nền móng cho lớp học đơn sơ, rồi cũng chính thầy lợp từng mái gianh, đập từng thân tre xếp ra làm mặt bàn, chặt gỗ làm chân… “Đa phần các lớp học nhà tranh, vách đất đầu tiên đều được dựng lên như thế trên các xã miền núi xa xôi. Và những giáo viên của đoàn quân 1959, 1960 chúng tôi ngày đó đều như vậy”, thầy Thuần nói.

Thầy Ngô Xuân Lệnh vẫn còn trăn trở với các thầy cô giáo vùng cao Điện Biên. Ảnh: NVCC
Thầy Ngô Xuân Lệnh vẫn còn trăn trở với các thầy cô giáo vùng cao Điện Biên. Ảnh: NVCC

Thầy học trò, trò học thầy

Có lớp học rồi, nhưng việc “dạy chữ” ở miền núi ngày ấy khó khăn gấp bội. Bởi đa phần bà con đều không biết tiếng phổ thông. Thế là, để dạy được trò, trước tiên các thầy, cô lại phải học từ trò.

“Muốn thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải nói chuyện được với học sinh, bà con ở đó. Mà muốn thế  chẳng còn cách nào khác là phải học tiếng. Ban đầu nhờ một vài cán bộ hiếm hoi ở xã phiên dịch, sau rồi tự học từ trò, từ bà con dân bản”, thầy Ngô Xuân Lệnh, nguyên giáo viên đoàn quân 1960 cho biết.

Với thầy Ngô Xuân Lệnh, vì phải luân chuyển công tác, qua nhiều vùng đồng bào dân tộc khác nhau nên cho đến giờ thầy thông thạo nhiều tiếng đồng bào, như: Thái, Dao…

Ngày ấy, ở Châu Sìn Hồ - địa phương đầu tiên thầy Lệnh nhận công tác có 8 giáo viên cùng đi. Thế nhưng địa bàn rộng, có tới 23 xã, nên mỗi người một nơi. “Người dân ở đây tình cảm lắm, rất quý giáo viên, nên tôi không còn cảm giác một mình, mà nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của bà con”, thầy Lệnh nói.

Thế nhưng, để hiểu, hòa nhập và dạy chữ được ở đây, thầy Lệnh cũng gặp không ít câu chuyện dở khóc dở cười. “Tai nạn nghề nghiệp” đầu tiên ở Sìn Hồ vẫn được thầy Lệnh nhắc lại mỗi lần có dịp chia sẻ, trò chuyện với các thế hệ giáo viên trẻ sau này.

Chẳng là, thời gian đầu lên nhận nhiệm vụ tại Sìn Hồ - nơi 100% đồng bào Dao sinh sống, thầy Lệnh rất tò mò khi thấy học sinh nữ đều cạo lông mày. Nghĩ như vậy rất thiếu tính thẩm mỹ, thầy có ý tốt góp ý cho học sinh. Thế nhưng, ngay trong buổi học ngày hôm sau toàn bộ học sinh vắng mặt.

“Khi lên lớp không thấy học sinh nào, tôi rất bất ngờ. Nghĩ mãi không biết lý do vì sao, tôi liền cắp cặp tìm đến từng nhà các em. Lúc đầu các gia đình đều giấu. Sau đó phụ huynh nói thì tôi mới biết hóa ra đó là phong tục của bà con ở đây. Vì không hiểu nét văn hóa này mà tôi vô tình đã làm các em xấu hổ. Tôi phải xin lỗi, rồi nhờ người có uy tín trong bản nói chuyện, các em mới đồng ý quay lại lớp học”, thầy Lệnh trải lòng.

Kể từ đó, mỗi khi đến một địa bàn dạy học, điều đầu tiên thầy Lệnh làm, đó là gặp gỡ người già, người có uy tín để học văn hóa, học tiếng nói của người dân địa phương.

Tổng kết công đoàn Văn phòng Ty Giáo dục, tháng 12/1964 tại Văn phòng ty ở Đồi Cao - Lai Châu. Ảnh: NVCC
Tổng kết công đoàn Văn phòng Ty Giáo dục, tháng 12/1964 tại Văn phòng ty ở Đồi Cao - Lai Châu. Ảnh: NVCC

Đã xung phong phải đến nơi đến chốn

“Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!” – lời căn dặn ân cần, giản dị của Bác Hồ trước khi lên đường, được các nhà giáo tình nguyện khắc ghi vào tâm khảm trong suốt cuộc đời công tác của mình. Lời dặn đó còn lan tỏa trong các thế hệ nhà giáo miền núi từ đó đến nay.

Thầy Vũ Kim Thuần ngày ấy đang là Hiệu trưởng Trường Lộc Hòa, ngoại thành Nam Định. Nghe theo lời phát động của Bác, ông trở thành một trong số 860 giáo viên của “đoàn quân 1959” không chút do dự.

Với thầy Thuần, thời gian đầu được biên chế ngay vào làm chuyên môn tại Sở Giáo dục khu tự trị. Song với suy nghĩ: “Đã lên miền núi mà không xuống với dân thì xem như không lên”, thầy đã xin tổ chức cho đi cơ sở.

Sau mấy tháng làm chuyên môn ở Phòng GD&ĐT Mường Lay, thầy Thuần về nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Chăn Nưa. Gần 10 năm công tác tại cơ sở, qua nhiều trường học ở các địa bàn khó khăn khác nhau, thầy được tổ chức cân nhắc điều chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc cán bộ tỉnh. Đây cũng là “cái nôi”  đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo cho tỉnh sau này.

Còn đối với thầy Ngô Xuân Lệnh cũng có già nửa thời gian công tác gắn bó với các cơ sở giáo dục miền núi, trực tiếp tham gia dựng lớp, dựng trường ở nhiều địa bàn. Không đơn giản là dạy chữ, thầy dạy học trò về lẽ sống. Thầy còn vận động người dân dần bỏ hủ tục lạc hậu, hướng dẫn bà con thay đổi lối canh tác…

Trong điều kiện giảng dạy khó khăn, để dạy học “đến nơi, đến chốn” như mong mỏi của Bác Hồ, có lần thầy Lệnh phải bỏ thêm 2 viên gạch vào ba lô tư trang, vác ngược lên núi. Mục đích là có vật dụng trực quan giới thiệu cho học sinh. Vừa để các em “mục sở thị” hình hài viên gạch như thế nào, mặt khác thầy giúp học sinh hiểu quy trình tạo nên nó, rồi công dụng ra sao...

Sau những năm tháng “cõng chữ” lên cho đồng bào miền núi Tây Bắc, về nghỉ hưu thầy Thuần, thầy Lệnh và nhiều thế hệ giáo viên các đoàn quân “diệt giặc dốt” đều lựa chọn gắn bó với Tây Bắc. Không chỉ dành thanh xuân, họ dành cả cuộc đời cho miền đất đã trở thành quê hương thứ hai này.

Để rồi hôm nay, cùng chứng kiến những đổi thay của mảnh đấy Tây Bắc, các thầy cô giáo của đoàn quân 1959, 1960… ngày ấy không khỏi tự hào khi đã đặt những “viên gạch hồng”, xây dựng “nền móng” vững chắc cho sự phát triển của vùng đất này, nhất là hệ thống giáo dục.

Thế nhưng, bên cạnh sự phát triển, đổi thay trông thấy, trong dòng chia sẻ của mình, các thầy cô ngày ấy vẫn không khỏi chạnh lòng, sẻ chia với đời sống giáo viên vùng cao ngày nay vẫn còn nhiều vất vả, đặc biệt là giáo viên nữ.

“Thời này rồi mà còn có cô giáo viết thư xin lấy chồng. Nghe mà nhói lòng quá! Tôi mong sao ngành Giáo dục xây dựng được cơ chế luân chuyển giáo viên hợp lý giữa các vùng miền. Làm sao để người đi xa rồi cũng sẽ được về gần, có chút động viên để họ tiếp tục cống hiến. Ai cũng xứng đáng có được cuộc sống tốt hơn!”, thầy Lệnh trải lòng.

Nhìn sự tiến bộ vượt bậc của hệ thống giáo dục miền núi bây giờ, nhất là thế hệ học trò con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người đã trở thành cán bộ, thành đạt, có vị thế trong xã hội, chúng tôi mừng lắm. - Thầy Vũ Kim Thuần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ