Cô giáo vùng biên 5 lần rút đơn xin thôi chuyển vùng

GD&TĐ - Đã 5 lần gửi đơn xin chuyển vùng, song cũng ngần ấy lần cô Khuyên chiến thắng bản thân, tự nguyện xin rút để ở lại biên giới xa xôi. Cô vẫn còn nhớ bọn trẻ, nhớ những tiếng "ê", "a" của đám trẻ vùng biên.

Những ngày lội suối đón học sinh đến trường tại bản Pha Bu, xã Pa Ủ.
Những ngày lội suối đón học sinh đến trường tại bản Pha Bu, xã Pa Ủ.

Nhớ những ngày “bắt trò” trên nương

Trong cuộc trò chuyện với cô giáo Bùi Minh Khuyên (35 tuổi), trường phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ, chúng tôi được nghe cô kể về những ký ức với giáo dục vùng cao Mường Tè (Lai Châu).

“Giáo dục vùng cao là vậy, vui có, buồn có và khổ cũng có. Tôi đã 5 lần làm hồ sơ xin chuyển công tác về quê. Nhưng đến lúc dưới kia tiếp nhận, tôi lại rút hồ sơ không chuyển về nữa” – cô Khuyên tâm sự.

Cô Khuyên sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Thọ. Năm 2008, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô lên công tác tại trường Phổ thông cơ sở Nậm Manh của huyện Mường Tè (nay thuộc Nậm Nhùn, Lai Châu). Sau đó, cô có 6 năm gắn bó với trường Phổ thông cơ sở Nậm Khao trước khi chuyển về công tác tại Pa Ủ.

“Ngày đầu, tôi dạy lớp 4 tại điểm trung tâm của trường Phổ thông cơ sở Nậm Manh. Được 5 ngày sau, Nậm Manh đón cơn bão lớn, lớp học, phòng ở tạm theo gió mà đổ sụp. Duy nhất 1 phòng có mái tôn còn trụ lại. 11 thầy cô trong điểm trường may mắn có chỗ trú” – cô Khuyên nhớ lại.

Cung đường vùng cao đón học sinh đến trường
Một buổi lên trường của giáo viên vùng cao.

Khó khăn ở Nậm Manh thì nhiều. Không điện, không nước, lớp học tại các điểm trường thường được dựng tạm trên đỉnh đồi, tách biệt hoàn toàn với nhà dân. Sự thiếu thốn về chỗ ở, phòng học, lại hay gặp dông lốc khiến thầy cô thêm phần khó khăn. Song với cô Khuyên, cái khó nhất ở đây là những ngày lên bản, đi rừng để “bắt” học sinh đến trường.

Cô Khuyên kể: “Có những ngày, mình lên tận bản, vào tận nhà tìm không thấy học sinh. Sau đó lại phải lặn lội vào rừng, tìm lên tận lán nương xem có học sinh hay không để đưa các em đến trường. Nhưng đến trường được nửa ngày, ăn xong các em lại trốn vào rừng”.

Để đi thuyết phục phụ huynh cho con đến trường, các thầy cô buộc băng qua những con đường đầy đá tảng, lội qua nước lũ và cả con đường bùn đất kẹt cứng bánh xe...

Vất vả là vậy nhưng không ít lần cô phải nhận về những ánh mắt giận dỗi của bọn trẻ và đôi khi là cả phụ huynh. Những lúc như vậy, cô lại phải giải thích với phụ huynh để giúp họ hiểu sự cần thiết của việc học. Các cô phải giải thích cặn kẽ. Lần 1 không được thì lần 2, lần 3, 4... làm sao để phụ huynh phải đồng ý.

Dông lốc làm sập lớp học tạm
Dông lốc làm sập lớp học tạm.

Qua rồi cái thời “đưa chữ” qua sông

Để đứng lớp, gieo chữ cho trẻ vùng cao không phải là điều đơn giản, nhất là với những thầy cô giáo miền xuôi. Với cô Khuyên, quãng thời gian phải đi cơ sở cũng khiến cô không bao giờ quên. Bởi để đến được trường Nậm Manh và Nậm Khao, cô phải di chuyển khá vất vả.

Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) cách đây hơn chục năm có vẻn vẹn 4 bản, chia đều hai bên bờ sông Đà. Đường núi đi lại khó khăn nên ở bản nào cũng có điểm trường tiểu học. Ngày nào thầy cô ở Nậm Khao cũng lặn lội vượt sông mang chữ tới dạy các em. Cũng có thầy cô vì sợ sông nước đành ở đó cả tháng, cả năm mới về.

Cô Khuyên kể, ở Nậm Khao khi đó chưa có cầu bắc qua sông Đà. Phương tiện vận chuyển hiện đại nhất là phà. Nhưng vào những tháng mùa mưa, phà thường xuyên không hoạt động vì bị trôi mất chỗ neo giữ. Người dân chuyển sang đi đò. Những con đò ở Nậm Khao có lẽ thuộc loại mất an toàn nhất vì đóng thô sơ nên thường rỉ nước vào trong.

“Trước khi xuống đò, chủ đò phải cật lực tát nước ra. Nhưng chỉ cần đi ngang sông, nước cứ thế ngấm vào. Tôi ngồi trên chiếc đò chòng chành, người lái đò chống bên nọ thì mạn bên kia ngấp nghé mặt nước sông. Vừa đi vừa tát nước, lên được bờ rồi mới thở phào nhẹ nhõm” – cô Khuyên nhớ lại.

Lên bản vận động học sinh
Với cô Khuyên, vất vả nhất là những ngày lên bản tìm trò.

Ở Nậm Khao khi đó cũng chưa có điện. Người dân làm điện nước để dùng. Cứ khi nào nước chảy mạnh thì bóng điện sáng, quạt quay nhanh, nước chảy yếu thì điện tối nhờ nhờ. Các thầy cô cũng xin “câu điện” nhờ của người dân để thỉnh thoảng bật quạt khi nóng quá. Còn ở lớp học thì hoàn toàn không có điện. Thầy với trò nhễ nhại mồ hôi dạy, học trong lớp học tuềnh toàng, lợp mái tôn.

Đến giữa năm 2016, cầu bắc qua sông Đà vào Nậm Khao được khánh thành. Đường điện, nước được đầu tư cho dân bản tái định cư. Nậm Khao đang dần thay áo mới nhưng ký ức về những ngày đi xuồng qua sông để mang cái chữ cho dân bản của cô Khuyên và những thầy cô khác sẽ còn mãi.

Giữ trò trên Pa Ủ

Kết thúc 8 năm công tác tại trường Nậm Manh và Nậm Khao, nữ giáo viên chuyển về giảng dạy tại một trường khó khăn hơn - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè).

Học sinh của cô Khuyên
Học sinh của cô Khuyên được tìm thấy trên nương.

Theo lời kể, năm đầu tiên, cô Khuyên dạy ở lớp học tạm ở điểm trung tâm. Năm đầu lớp học chuyển 4 chỗ. Năm sau, cô chuyển lên điểm bản Nhú Ma. Ở đó, điện nước cũng không có. Việc phải sống và dạy học trong điều kiện không điện, nước, sóng điện thoại khiến các thầy cô khá vất vả.

Sau giờ học, thầy cô mỗi người một việc. Người mang can đi hàng trăm mét xách nước suối về sinh hoạt, người lại tranh thủ đi trồng rau xanh để cải thiện cho những bữa ăn chỉ toàn đồ khô.

“Vào năm 2017, khi có điện lưới quốc gia về bản, tôi đã tự lắp đường điện vào điểm trường rồi mới về báo cáo nhà trường xin hỗ trợ kinh phí. Tôi cũng xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân được 30 triệu đồng để xây dựng 3 bể nước với sức chưa chừng 10m3 tại các điểm bản Ú Ma, Nhú Ma và Pha Bu. Có điện, nước, cô trò cũng đỡ vất vả” – cô Khuyên cho biết.

Với cô Khuyên, niềm vui lớn nhất trong sự nghiệp không phải là những bó hoa, những lời chúc to tát. Bởi từ lúc bước chân vào nghề, cô chỉ mong học sinh đi học đầy đủ, ngoan ngoãn khi lên lớp.

Cô Khuyên cùng học sinh
Cô Khuyên vui vẻ cùng học sinh Pa Ủ

“Có 1 học sinh đã theo học lớp tôi 2 năm (lớp 2 và lớp 3). Cả năm lớp 2, tôi chỉ dành thời gian để giúp em ấy đánh vần đơn. Còn những vần ghép em ấy rất khó đọc.  Nhưng sau 1 năm, khi thấy em ấy đã có thể đánh vần được những từ khó, tôi cảm thấy rất vui, niềm vui khó tả” – cô Khuyên chia sẻ.

Cô Phạm Thị Thái, Phó Hiệu trưởng trường Pa Ủ cho biết: “Trường hiện có 561 học sinh theo học ở 1 điểm chính và 6 điểm ở bản xa. Trong đó, có bản Cờ Lò là xa nhất, cách trung tâm gần 40km. Dạy học trên Pa Ủ cũng rất khó khăn, nhất là việc vận động học sinh đến trường”.

Cô Thái cho biết, cô Khuyên về trường công tác được 6 năm, giảng dạy các môn văn hoá. Từ công việc chuyên môn cho đến cuộc sống, cô giáo Khuyên luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi mặt nên luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu quý.

“Cô Khuyên thường xuyên kết nối, hướng các nguồn xã hội hóa về trường và trường Nậm Ngà. Cô cũng được bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ” – cô Thái nói.

Huyện Mường Tè (Lai Châu) đang dần phát triển, giáo dục vùng cao biên giới từ đó cũng dần đổi thay. Cô Bùi Minh Khuyên và những người thầy, người cô vượt gian nan, vất vả sẽ mãi là những “ngọn đuốc sáng” trên biên giới Mường Tè xa xôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.