Vụ nổ bí ẩn làm chết 5 kỹ sư hạt nhân Nga và làm tăng nồng độ phóng xạ vào thứ 5 tuần trước đã tạo ra những giả thuyết mâu thuẫn nhau về nguyên nhân của vụ việc. Trong bối cảnh sự việc được giữ bí mật và không có lời giải thích kỹ lưỡng từ các nhà chức trách Nga, những quan sát viên bên ngoài cho rằng vụ nổ xảy ra trong quá trình thử một tên lửa hạt nhân hành trình.
“Điều gì đó sai lầm rõ ràng đã xảy ra ở đây” – ông Bolton nói với hãng tin VOA hôm qua (15/8) khi đề cập tới vụ nổ của Nga.
Ông gọi tai nạn này là “một ví dụ của việc Nga cố gắng tạo ra những tiến bộ về công nghệ trong khả năng cung cấp vũ khí hạt nhân của mình”.
“Mặc dù nền kinh tế nga có quy mô tương đương với Hà Lan nhưng họ vẫn chi tiêu đủ cho quốc phòng để không chỉ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, mà còn tạo ra các phương tiện mang hạt nhân mới, phương tiện siêu thanh, tên lửa hành trình hạt nhân siêu thanh mà phần lớn lấy cắp công nghệ Mỹ” – ông Bolton nói.
Các chuyên gia ở Mỹ và các quan chức tình báo giấu tên cho rằng vụ nổ ngày 8/8 có liên quan tới Burevestnik hay còn gọi là SSC-X-9-Skyfall – một tên lửa hành trình chạy bằng lò phản ứng hạt nhân hạng nhẹ.
Năm ngoái, TT Putin nói rằng Burevestnik có tầm xa không giới hạn và có khả năng tránh các hệ thống phòng thủ Mỹ.
Tuần này, TT Trump tuyên bố Skyfall có liên quan tới vụ nổ ở Nga và Mỹ đã “học được nhiều điều” từ vụ tai nạn đó, ông đồng thời tự hào Mỹ có “công nghệ tương tự nhưng tiên tiến” hơn Nga.
Theo báo Sputnik, làm sao Moscow có thể chạm tay vào công nghệ hành trình siêu thanh của Mỹ khi trong Chiến tranh Lạnh, công nghệ này được kỹ sư quân sự Mỹ coi là có vấn đề, thậm chí không thể hoạt động?
Khi Lầu năm góc mới đây báo cáo lo ngại về việc bị tụt hậu so với Nga, Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí siêu thanh và khi Không quân và Hải quân Mỹ báo cáo rằng họ dự kiến bắt đầu mua vũ khí như vậy vào năm 2021 và 2025 thì dường như phía Mỹ quan tâm hơn tới những tiến bộ của Nga trong lĩnh vực này chứ không phải ngược lại – Hãng tin Sputnik nói.