Tự thuở xa xưa đến tận bây giờ, lối dẫn vào ngôi nhà mộc mạc của tôi có hàng chàu tàu thẳng tắp theo bậc tam cấp, mà tôi tự ví đó là những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Hoặc tựa Vạn Lý Trường Thành của đất nước Trung Hoa xa xôi. Và trước nhà còn có giàn hoa thiên lý, nom rất đẹp mắt, thơ mộng. Khi dây bắt đầu nhoài ra, uốn lượn, vươn tay lá lên xanh, ba liền chặt tre nứa đóng cọc làm giàn để dây theo đó mà bò sang, sinh sôi nẩy nở rồi “an cư lạc nghiệp” ở đó.
Thiên lý có thân leo gầy guộc, mỏng manh; dễ bị tổn thương, không như các loại hoa quả bầu bí, su hào, cà chua “tính khí” khó ưa kia, chỉ cần cắt một đoạn dây giâm xuống đất là có thể bén rễ sống được.
Mặc cho thời tiết khắc nghiệt và biến động thất thường nơi miền đất núi rừng Nông Sơn xứ Quảng này, mặc cho lũ sâu ngày đêm luôn canh gác. Thiên lý mơn mởn xanh tươi, nô đùa cùng gió mang hương thơm man mác thổi khắp vùng đồi núi mênh mông.
Vào những buổi chiều lắc rắc mưa giông, hoa thiên lý như tiếp thêm sức mạnh, thoả thê phô trương hương vị vốn có của mình. Nét đặc trưng của thiên lý là thơm vào ban đêm, khi sương xuống, nếu ai chưa quen thì sẽ khó chịu vô cùng.
Còn tôi, đã đồng hành cùng hương hoa ấy từ trong bụng mẹ, nên xem như người bạn tri âm của mình. Và mở toang cánh cửa nhờ làn gió mang hộ hương thơm, rồi khép cửa lại tha hồ mà cảm nhận, thưởng thức; tha hồ vẽ nên bao câu chuyện cổ tích lấp lánh giữa đời thường.
Ôi, những hoài niệm thân thương làm sao tôi quên được. Một thời tuổi thơ tôi dưới giàn hoa thiên lý. Vào những buổi trưa hè oi bức, tôi cùng lũ bạn mải mê đắm chìm dưới giàn thiên lý mát rượi, phơn phớt gió.
Mấy chú chuồn chuồn kim, cô chuồn chuồn ớt cũng ghé thăm hoa rồi nhẹ nhàng trú ngụ dưới vòm lá biếc, như thể chúng cũng đang cố tình trốn tránh cái nắng gay gắt đang hừng hực hắt vào mặt đất.
Hàng cau ông trồng cũng đã trổ hoa, trắng xoá cả một góc vườn. Bọn con trai thoả sức chơi trò bắn bi, tản mạn; bọn con gái thì đánh nẻ, nhảy thuyền. Thường thì, đến phút chót, cả hai phe đều hồi hộp tranh giành phần thắng thuộc về mình, nên la ó đánh thức cả giấc ngủ say nồng của em bé còn nằm nôi.
Thuở bé, tôi không trắng trẻo, xinh xắn như chúng bạn, nhưng bù lại học giỏi, siêng năng và viết chữ đẹp nên được thầy cô rất mực yêu thương. Nhớ nhất là năm lên lớp Ba, cô giáo dạy tôi là người dưới tận miền xuôi mang chữ lên vùng cao dạy học. Cô để tóc chấm ngang vai, xinh xắn, hiền lành. Cô không chỉ dạy tôi học chữ, mà dạy cho tôi cả cách sống làm người.
Còn nhớ, sau mỗi buổi dạy, cô thường ra vườn trồng rau để cải thiện đời sống (vì công tác xa nhà nên cô ở khu nội trú của nhà trường) cho bữa ăn đạm bạc của giáo viên thời ấy. Thấy vậy tôi chạy về mách mẹ.
Mẹ vội vã hái những chùm thiên lý trắng vàng li ti đang nở lún phún, rồi lấy lá chuối tươi gói ghém cẩn thận bên ngoài, bảo tôi mang tới tặng cô, thể nào cô con cũng thích hương vị độc đáo của nó. Vừa gặp tôi, như hiểu ra mọi điều, cô ôm chầm lấy tôi, phủ lên tôi hơi ấm của một cô giáo trọn đời vì học sinh khát chữ miền sơn cước.
Hoa thiên lý giản dị về “phần xác”, nhưng bù lại “phần hồn” thì không một chúa tể loài hoa nào có thể sánh kịp. Nó có thể đánh bật đối phương để xếp vị trí hàng đầu. Hèn gì, cô giáo tôi thường nói, trên đời này mọi cái đều có thế mạnh của riêng mình, bù trừ nhau, chứ không hoàn toàn lấy mất đi của ai bao giờ.
Hoa thiên lý hãnh diện góp phần đáng kể vào thú vui ẩm thực, dâng hiến cho con người biết bao dưỡng chất. Ngày ấy, mẹ thường nấu canh tập tàng, thơm phưng phức. Có khi, thức ăn duy nhất là một nồi canh, nhưng cả nhà vây quanh, ăn không biết chán.
Thỉnh thoảng mấy bác hàng xóm sang chơi, mẹ còn hái tặng để họ mang về. Vì thế, tình làng nghĩa xóm càng thêm đậm đà, bền chặt. Còn bây giờ, điều kiện kinh tế khá giả, thiên lý cũng được nâng cấp lên, song hành với thịt bò thì không sơn hào hải vị nào có thể qua mặt được và sẽ làm mềm lòng du khách muôn phương.
Không chỉ ở chợ quê, mà ngay giữa lòng thành phố sầm uất, hoa thiên lý cũng được bày bán dày đặc, tha hồ cho các bà các mẹ lựa chọn để trổ tài chế biến thức ăn trong bữa cơm gia đình. Và, tất nhiên, mùi thơm của chúng không còn mặn nồng như đang còn lơ lửng trên giàn xanh lá.
Rất có thể, vì yêu cô và chùm hoa thiên lý nên mỗi lần khơi gợi, ký ức tuổi thơ tôi chợt ùa về rồi vang lên tiếng thầm gọi “cô ơi”.