Cổ tích "thích đi học" ở một ngôi trường miền núi

Cổ tích "thích đi học" ở một ngôi trường miền núi

Học sinh yêu việc đến trường, thành thạo sử dụng máy tính, biết dùng bản đồ tư duy để nâng cao hiệu quả học tập… Điều kì diệu này đang diễn ra trường THCS miền núi Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang.

“Em thích đến trường lắm…”

Đó là chia sẻ của em Cẩm Vân, lớp 9B trường THCS Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang. Đơn giản là vì khi đến trường em không phải làm việc như ở nhà, lại được chơi rất nhiều trò chơi như nhảy dây, kéo co, đi cà kheo hay tham gia các cuộc thi như bày ngũ quả dịp trung thu, thi cắm hoa nhân dịp 8/3, thi hát dân ca… “Học Toán, Văn và nhiều môn học khác cả lớp em cùng đua nhau vẽ bản đồ tư duy rất vui. Học lịch sử, cô giáo mở tivi cho bọn em xem phim tài liệu. Chúng em còn được xem tranh, học máy tính nữa…”, em cho biết.

Em Phong lớp 9A tâm sự: “Trước đây em sợ môn Hoá lắm nhưng từ khi cô giáo trực tiếp hướng dẫn bọn em làm thí nghiệm hay cho chúng em xem nhưng đoạn phim thí nghiệm mô phỏng thì em thấy môn này dễ vào hơn. Em cũng thích các giờ học mà nhà trường cho học sinh truy cập Internet nữa.”

Giờ học văn bằng máy chiếu
Giờ học văn bằng máy chiếu

Theo thầy Nguyễn Hồng Cương, hiệu trưởng nhà trường, giúp học sinh thích đến trường là “quả ngọt” của việc ứng dụng CNTT và đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường hiện có 52 máy tính, 100% phòng học được lắp máy tính và màn hình ti vi. Đặc biệt, để ứng dụng hiệu quả phần mềm Violet vào dạy học, nhà trường đã mua thêm máy chiếu Projecter và lắp đặt 2 máy cố định tại 2 phòng học. Là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh đã đưa tin học vào dạy đại trà cho học sinh dưới hình thức là môn học tự chọn, trường còn tổ chức cho học sinh truy cập internet 2 buổi trên tuần. Nhờ đó mà tỉ lệ học sinh bỏ học của trường đã giảm xuống dưới 1% - đây là con số không dễ gì đạt được với một trường miền núi.

Chia sẻ về thành công của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, cô Lê Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng của trường cho biết: “Một số môn học như môn sinh học, hoá học, vật lý, chúng tôi đã sử dụng các thí nghiệm mô phỏng, đặc biệt những thí nghiệm mà khó thực hiện trong thời gian 45 phút. Chúng tôi cũng cung cấp cho học sinh những đoạn Video sinh động giúp cho các em nắm được nội dung bài học một cách trực quan, sinh động, hấp dẫn. Trong môn toán, có những hình vẽ trừu tượng, nếu chỉ qua việc mô tả, học sinh rất khó mường tượng ra vấn đề, hay có những ví dụ mà giáo viên không thể xét hết các trường hợp xảy ra, hay đối với bài toàn quỹ tích các em rất khó tìm ra lời giải nhưng nếu sử dụng phần mềm Sketchpad thì sẽ giải quyết hết được các khó khăn nêu trên…”

Bản đồ tư duy
Bản đồ tư duy

Bứt phá nhờ “Sáng tạo giáo dục”

Thầy Nguyễn Hồng Cương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Xã Hương Sơn là một xã miền núi nghèo của huyện Lạng Giang với 50% dân số là người các dân tộc anh em. Với trường Hương Sơn chúng tôi, có tới 60% học sinh là con em người dân tộc nên để giữ được các em đến trường đầy đủ đã là việc khó rồi chứ chưa nói gì đến việc nâng cao thành tích học tập của các em.

Từ khi nhận được sự đầu tư từ Dự án Phát triển giáo dục THCS I thuộc Bộ GD&ĐT, tập thể lãnh đạo nhà trường đã không ngừng nỗ lực trong mọi công tác, tận dụng mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương để đầu tư thêm cho cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đến năm 2007, nhà trường đã được công nhận là Trường đạt chuẩn Quốc gia.

Và kể từ khi được Dự án Phát triển giáo dục THCS II tiếp tục hỗ trợ 15 dàn máy vi tính, 2 máy chiếu cùng nhiều trang thiết bị cần thiết khác, tập thể giáo viên nhà trường đã tích cực trau dồi, học hỏi và sưu tầm thêm nhiều tài liệu, thậm chí là bỏ tiền túi ra mua nhiều thước phim ngắn từ Đài truyền hình Việt Nam về để phục vụ việc giảng dạy và học tập, phát huy hiệu quả trang thiết bị”.

Giờ học máy vi tính
Giờ học máy vi tính



Chỉ sau 8 năm được đầu tư, hỗ trợ, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, tập thể giáo viên và học sinh trường Hương Sơn đã bứt phá để trở thành một trong những trường “điểm” của địa phương. Đến nay, số lượng học sinh giỏi của trường đã vươn lên thứ 7 số học sinh đỗ vào cấp 3 xếp thứ 9 trong 25 trường THCS của huyện Lạng Giang

Ông Đặng Thiều Quang - Phó phòng Giáo dục huyện Lạng Giang đánh giá: “Những phương pháp giảng dạy và học tập mà Dự án THCSII tập huấn đã tạo thuận lợi rất nhiều cho không chỉ thầy trò trường Hương Sơn mà còn cho nhiều trường khác trong toàn huyện. Bởi lẽ, các phương pháp này đều xuất phát từ thực tiễn và do những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp dạy học đưa ra.

Nhận xét về việc thực hiện các nội dung dự án Phát triển giáo dục THCS II tại trường THCS Hương Sơn và huyện Lạng Giang, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đều có chung nhận định rằng nguồn vốn và sự hỗ trợ từ phía dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập tại cơ sở. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đề nghị lãnh đạo phòng giáo dục huyện Lạng Giang và trường Hương Sơn tiếp tục đẩy mạng phong trào đổi mới phương pháp, tinh thần chủ động, sáng tạo ở từng trường, từng giáo viên để có thể phát huy tối đa hiệu quả của mọi nguồn vốn đầu tư.

·         M.Thành (Vietnamnet)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ