Có thu nhập khá nhờ… phân dơi

Có thu nhập khá nhờ… phân dơi

(GD&TĐ) - Thoạt nghe mô hình nuôi dơi lấy phân, nhiều người cười phì nghĩ rằng chuyện phiếm, bởi nghề này chưa phổ biến và thấy cũng “khó ăn”. Tuy nhiên, trên thực tế nghề này đã phát triển ở nhiều địa phương và hiệu quả mang lại cũng khá cao.

Trong một chuyến công tác về huyện Cái Bè (Tiền Giang), thỉnh thoảng chúng tôi thấy những chòi cao “lạ thường” nằm sâu trong các vườn cây ăn trái thuộc xã Mỹ Lợi B, xã Mỹ Tân. Hỏi thăm những người dân nơi đây, mới biết đó là những chuồng nuôi dơi tự nhiên được bà con nông dân cất lên nhằm dụ dơi vào ở để lấy phân.

Một trong những nông dân nuôi dơi lấy phân đầu tiên và có hiệu quả ở địa phương này đó là ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lợi B với lượng phân dơi thu được mỗi ngày hơn một giạ, bình quân doanh thu mỗi năm hơn 60 triệu đồng. Ông Tuấn kể, nghề nuôi dơi lấy phân đến với ông cách đây đã 4 năm trong một dịp cũng rất tình cờ. Khi đó, ông đi đám nhà người bà con ở Châu Đốc (An Giang) thấy mô hình nuôi dơi lấy phân ở vùng này có hiệu quả và con dơi cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên quê mình nên ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 32 triệu đồng xây dựng 6 chuồng nuôi dơi lấy phân (trung bình khoảng 6 triệu đồng mỗi chuồng).

Theo ông Tuấn, chuồng nuôi dơi thường được thiết kế theo hình lục giác với 6 trụ bê tông cao từ 8-10m trở lên được liên kết với nhau bằng các thanh ngang, nền chuồng dài 7-10m, rộng 3-5m, nóc chuồng thường lợp bằng lá dừa nước (một số nơi lợp bằng tôn xi măng), trên trần của chuồng phải lắp một cái sàn bằng cây sao cho đủ sức chịu từ 400-500 tàu lá thốt nốt (làm ổ cho dơi).

Qua quá trình nuôi dơi lấy phân của của mình, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm, sau khi làm chuồng xong phải mua vài chục con dơi về nhốt trong chuồng. Đợi một tuần, sau khi chúng làm quen với môi trường sống thì thả ra để ban đêm chúng đi kiếm mồi và dẫn dụ thêm đàn dơi hoang vào trong những chuồng dơi này. Khi dơi về nhiều có thể bắt đầu lấy phân bằng cách dùng mành lưới trải dưới đất khắp nền chuồng.

Mo hình nuoi doi lay phan dem lai thu nhap kha cho ba con nong dan huyen Cai Be, Tien Giang
Mô hình nuôi dơi lấy phân đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân huyện Cái Bè, Tiền Giang

Tuy là loài hoang dã nhưng để đạt hiệu quả cao cũng cần phải hết sức quan tâm chăm sóc thường xuyên chuồng dơi. Cụ thể, cần phải dùng lá chầm che kín bốn bên vách để che nước tạt mưa tại vào làm ướt dơi và lá ổ, đồng thời giữ ấm cho chuồng dơi vào mùa mưa. Ngược lại, vào mùa nắng nóng cần phải bỏ bớt lá thốt nốt trong ổ ra để dơi được thoáng mát. Chú ý, dơi rất sợ rệp, rắn lục, vì vậy để hạn chế sự xuất hiện của các loài này nhằm tránh tình trạng dơi bỏ chuồng, người nuôi dơi phải thay lá ổ định kỳ khoảng 5-6 tháng/lần. Việc thay lá ổ phải tiến hành thật nhanh trong thời gian không quá 30 phút vào ban đêm khi dơi rời ổ đi ăn, vì nếu chậm trễ, dơi trở về biết có người trong chuồng dơi sẽ bỏ đi.

Cũng là một người thành công trong nghề nuôi dơi lấy phân ở vùng này với 7 chuồng dơi trong vườn nhà cho thu nhập bình quân mỗi năm gần 80 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Hồng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lợi B cho biết thêm, dơi là loài động vật hoang dã, khó tính, thích sống tự do, rất nhạy cảm với hơi người lạ, cũng như những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại chúng, nếu động chúng sẽ bỏ đi. Do đó, muốn thu hút đàn dơi về ở thì điều trước tiên là phải đảm bảo độ an toàn ở khu vực bên trong và xung quanh chuồng dơi. Vì vậy, người nuôi dơi phải biết khuyến dụ và bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng, chuồng phải đặt cặp bờ kênh, mương để dơi uống nước.

Trong thời gian qua, giá cả thị trường bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi biến động thất thường khiến cho nhiều hộ chăn nuôi trong xã thất thu, thậm chí thua lỗ nặng. Tuy nhiên, nghề nuôi dơi lấy phân đã thể hiện được hiệu quả và những ưu điểm của nó, bởi nuôi dơi không cần phải cho ăn vì chúng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Có thể nói, đây là một mô hình chăn nuôi tốt giúp cải thiện đời sống bà con nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế ở nông thôn. Vì vậy, thiết nghĩ các địa phương, nhất là cơ quan khuyến nông cần phải triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất này trong thời gian tới.

Nhiều bà con nuôi dơi cho biết, phân dơi thường được bán cho nông dân trồng cây ăn trái và hoa màu với giá 150-170 ngàn đồng/giạ (một giạ khoảng 7kg). Phân dơi rất thích hợp cho cây, bởi khả năng cho đậu trái khi bón phân này chiếm tỷ lệ rất cao, lúc trái chín có màu sắc đẹp, khi ăn có cảm giác vị ngọt thanh.

Thành Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ