Có thể sẽ thay đổi...

GD&TĐ - Khi Grab Việt Nam điều chỉnh tăng giá cước, những người phản ứng đầu tiên là các tài xế. Rất có thể, thời gian tới, người sử dụng dịch vụ cũng “sẽ có phản ứng”...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đại diện Grab Việt Nam thì doanh nghiệp đang tuân thủ chặt chẽ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản liên quan, cụ thể là Nghị định 126/2020 về quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12 vừa qua.

Theo đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của tài xế. Tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng đang trả.

Phí sử dụng ứng dụng áp dụng cho đối tác tài xế không thay đổi. Và theo tính toán của Grab thì trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7%/năm. Sau khi điều chỉnh cước, thu nhập của tài xế sẽ chỉ giảm khoảng 1% mỗi năm, đồng thời giá cước mới vẫn bảo đảm tính cạnh tranh.

Đại điện Grab Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, theo Nghị định 126, cá nhân, cụ thể ở đây là đối tác tài xế hợp tác kinh doanh không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Do đó, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế…

Với những lý giải trên, về lý, Grab không sai, thậm chí có phần chủ động, tích cực thực hiện Nghị định 126 ngay khi có hiệu lực. Thế nhưng về tình, vẫn còn nhiều “lấn cấn”. Thực tế, công nghệ, tiềm lực và mức giá cạnh tranh là những yếu tố giúp Grab nhanh chóng trở thành hãng gọi xe công nghệ có thị phần lớn nhất cả nước chỉ sau 6 năm hoạt động.

Tuy nhiên, còn một chính sách ưu đãi không kém phần quan trọng nữa mà Grab được hưởng đó là thuế VAT. Trong gần 4 năm qua, Grab Việt Nam được hưởng mức thuế 3%, góp phần quan trọng vào việc hình thành giá dịch vụ hấp dẫn. Tuy nhiên, đến khi mức thuế VAT tăng lên 10%, Grab Việt Nam lại giữ nguyên mức hoa hồng được hưởng.

Điều này hiển nhiên có thể ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế và tác động đến việc lựa chọn dịch vụ của khách hàng. Hơn nữa, cần phải hiểu đúng về thuế VAT là thuế tính trên doanh thu, không phải thuế thu nhập cá nhân. Thuế này là hành khách trả, doanh nghiệp chỉ thu hộ, không liên quan đến lái xe.

Vậy nên rất có thể việc tăng thuế và giữ nguyên mức hoa hồng được hưởng của Grab sẽ dẫn đến những thay đổi - kể cả tiêu cực trong thời gian tới, cho dù ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, Grab Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia góp ý về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế.

Grab cũng đã nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện; luôn trân trọng, lắng nghe các phản hồi từ người dùng, đối tác; tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan...

Như ý kiến của một chuyên gia thì việc có tăng giá cước hay không và tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược của từng hãng. Chiến lược giá phù hợp sẽ giúp hãng xe, tài xế bảo đảm lợi nhuận, khách hàng chấp nhận và giữ được thị phần. Nên điều quan trọng ở đây là cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan - như đại diện Grab đã khẳng định.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.