ADN dùng để nghiên cứu được lấy từ hai hoá thạch voi ma mút 45.000 năm ở Siberia và hoá thạch 4.300 năm từ đảo Wrangel, Nga. Đặc điểm giao phối của voi ma mút từ đảo Wrangel cho thấy chúng từng trải qua giai đoạn suy giảm đáng kể về đa dạng di truyền trước khi tuyệt chủng.
"Cá thể từ đảo Wrangel, một trong những con voi ma mút cuối cùng trên thế giới, có biến thể di truyền thấp hơn cá thể cổ đại còn lại" - IB Times dẫn lời Love Dalén, nhà di truyền học của bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thuỵ Điển, nói. Tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định giao phối cận huyết là nguyên nhân tuyệt chủng.
Dalén cho biết việc công bố chuỗi ADN đầy đủ của voi ma mút có thể là thông tin hữu ích nếu muốn hồi sinh chúng. Tuy nhiên, điều này có vẻ không phù hợp về mặt đạo đức.
Trong khi đó, tổ chức Long Now tại Mỹ đang hướng đến mục tiêu hồi sinh voi ma mút và dự định bắt đầu thử nghiệm nhân bản năm 2018. Mục đích của nghiên cứu không nhằm tạo ra một nhân bản hoàn hảo của voi ma mút tuyệt chủng, mà để tạo ra voi ma mút có thể thích nghi được điều kiện sống khí hậu lạnh.
Theo BBC, một nhóm chuyên gia Mỹ đồng thời cấy gene voi ma mút vào tế bào gốc của voi hiện đại để tìm ra đặc điểm của loài, nhằm tìm ra nguyên nhân giúp loài này sống sót qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, quá trình tạo tế bào máu voi ma mút để nghiên cứu sinh lý của chúng có thể gặp nhiều khó khăn. "Tế bào sống trong đĩa ở phóng thí nghiệm khác biệt với sinh vật sống giống voi ma mút”, giáo sư Beth Shapiro từ Đại họcCalifornia, nói.