Cơ sở GD đại học không được ép thí sinh nhập học sớm

GD&TĐ - Không có bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào được ép thí sinh nhập học sớm. Các em hoàn toàn có thể đợi đến đợt xét tuyển chung.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa/internet.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa/internet.

Thí sinh không cần nhập học sớm

Thí sinh không cần nhập học sớm nếu các trường yêu cầu. Không có bất cứ trường nào được ép thí sinh nhập học sớm. Các em hoàn toàn có thể đợi đến đợt xét tuyển chung, lựa chọn nguyện vọng ưu tiên nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 cơ bản ổn định như năm ngoái. Một số điều khoản có hiệu lực từ năm 2023 như: điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, năm 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức không hiệu quả; có phương án đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.

Bộ cũng sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để sinh viên có thể nhập học ngay đầu tháng 9. Cùng với đó, nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh.

Đồng thời, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Mặt khác, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo ngành đào tạo.

Bộ cũng bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có) lên hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm. Đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn.

Có thể nói, những điều chỉnh trong năm nay tập trung vào kỹ thuật để giảm thiểu những sai sót. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng có thêm dữ liệu tin cậy hơn để xét tuyển.

Liên quan đến xét tuyển sớm, Thứ trưởng cho biết, Bộ đã nhắc nhiều lần về việc các trường đại học có thể xét tuyển sớm nhưng không thể yêu cầu thí sinh nhập học chính thức cũng như không được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức sớm.

Việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp THPT, lịch nhập học phải theo quy trình chung của Bộ GD&ĐT để bảo đảm quyền lợi, cơ hội của thí sinh.

Khi các trường cho thí sinh nhập học sớm, các em sẽ phân vân xem lựa chọn nhập học theo kết quả này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Vì vậy, nhiều thí sinh có thể thể bở lỡ những cơ hội khác đáng ra cần ưu tiên hơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Không thể mỗi lĩnh vực lại có 1 kỳ thi riêng

Theo Thứ trưởng, các trường tổ chức kỳ thi riêng tùy theo nhu cầu tuyển sinh, đặc thù của từng lĩnh vực. Bộ GD&ĐT đề nghị, dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả các kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, thì các trường cũng cần đánh giá phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập. Từ đó sẽ có rút kinh nghiệm, đưa ra các phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.

Năm nay khoảng 8 -10 kỳ thi riêng. Các kỳ thi này phân bổ cả 2 miền. Từng vùng miền chia ra theo lĩnh vực như: kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia mang tính phổ quát hơn, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa tập trung vào khối khoa học kỹ thuật, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung vào khối ngành sư phạm…

“Thí sinh không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng là đủ. Bên cạnh đó, kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông. Do đó không phải tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khuyến nghị.

Đặt vấn đề, trong tương lai Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế có cùng phối hợp để bàn về một kỳ thi riêng cho khối ngành y dược? Thứ trưởng nhìn nhận, chúng ta đang đặt quá nhiều yêu cầu vào các ngành đặc thù.

Tuyển sinh đầu vào ngành Y Dược cũng dựa trên những môn khoa học cơ bản, không nhất thiết khối Y Dược sẽ phải tổ chức kỳ thi riêng. Đây không phải kỳ thi sau khi tốt nghiệp, mà mới chỉ là yêu cầu đầu vào.

Không thể mỗi lĩnh vực lại có 1 kỳ thi riêng. Tiến tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi diễn ra, bởi các trường khi tổ chức cũng cần tính đến hiệu quả của kỳ thi.

Theo Thứ trưởng, để tổ chức kỳ thi hiệu quả không hề dễ dàng, cách tốt nhất là các trường hợp tác, liên kết theo nhóm, cùng xây dựng, cùng tổ chức một số kỳ thi, nếu chỉ dừng lại ở 1 -2 kỳ thi là tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.