(GD&TĐ) - Tôi về lại xã Định Môn anh hùng. Đời sống bà con bây giờ đổi thay quá lớn.
Các địa điểm ngày xưa tôi và cô hay ngồi soạn giáo án, phân bố chương trình, suy nghĩ cách uốn nắn vài đứa học trò ngỗ nghịch… dưới bụi tre, bên gốc xoài, trong bờ mít… đã hóa thành những ngôi nhà tường vôi, nóc bằng lộng lẫy.
Hình minh họa (nguồn: Internet) |
Cầu tre lắc lẽo gập ghềnh, đường đất trơn trợt hai bên cỏ mọc đầy muỗi mòng đỉa vắt, cầu khỉ khó đi, cô xăn quần lội té lên té xuống đứt cả quai dép đã lùi xa vào dĩ vãng, nay trở thành lộ nhựa rộng có cầu bê tông liên thông qua các xã huyện khác.
Mái lá nghèo nàn gió thổi lung lay mà ngày đó mình tạm gọi là “trường” giờ trở nên đồ sộ chuẩn mực khang trang, học trò tươm tất không luộm thuộm quần rách, áo đứt nút như học trò mình thuở xưa cô phải dùng kim chỉ khâu lại cho chúng trong giờ ra chơi.
Mới 36 năm mà đất trời đổi thay chóng vánh. 36 năm đối với lịch sử đất nước ngắn lắm nhưng đối với đời người dài cô à!
Ngày đó cô 18 tuổi, ôm một bị đồ gĩa từ phố thị Cần Thơ tình nguyện vào vùng “nông thôn giải phóng cũ” dạy học. Cái dáng dấp bé bỏng của cô nữ sinh Đoàn Thị Điểm chưa một lần cảm nhận được mùi sình đất đã được thúc giục bởi sức mạnh diệu kỳ thời đại: không khí hồ hởi của những ngày đầu Giải phóng.
Cô bỏ hết những thú vui bên bè bạn giữa lòng Tây đô hoa lệ vào ruộng, cùng ăn cùng ở cùng làm với những phụ huynh chất phác, những trẻ thơ ngơ ngác sau những ngày dài chạy loạn dưới mưa bom gang tấc giữa sự sống và cái chết, lúc đó chúng nhìn cô đến như điều thần thoại, mỗi nét bút từ tay cô như cái gì mầu nhiệm thiên thần.
Những năm đó nông thôn còn nghèo, giáo viên mình cũng xơ xác, thậm chí mùng không đủ ngủ, phụ huynh thương tình nhường cho duy nhất một cái, chúng mình cùng vào chung bằng một thỏa thuận có tổ chức có kỷ luật: ba cô giáo với một ông thầy! Không gian vượt xa mọi cám dỗ thường tình. Sao khi ấy lòng mình quá trắng trong cô nhỉ? - Lo chuyện công tác, chuyện phục vụ Tổ quốc nên quên đi những cảm xúc đầu đời mãnh liệt. Giờ nghĩ lại, đôi khi “hú hồn hú vía” cho cái thời hoa niên đẹp đẽ ấy đã qua đi!
Nhớ có lần con vắt bám chân cô vào mùng nửa đêm hút máu no tròn như quả đậu, cô sờ đụng la làng rồi tốc mùng chạy ra cửa té xỉu, các bạn kè vô. Tôi bằm thây con vắt vỡ vụn, máu đỏ của cô đã điểm vào lòng đất như có cuộc hy sinh. Ai cũng sợ xanh rờn cả mặt nhưng cố trấn an cô. Sáng ra cô đòi “đào ngũ” về chợ với mẹ, tập thể động viên, cô không bỏ cuộc.
Cô không quen ngồi xuồng, mà ngày đó ở nông thôn chỉ có nó làm phương tiện đi lại. Mỗi lần xuống, cô run rẩy lắc lư. Có lúc xuồng chìm, tôi nhảy vớt cô. Quần nhau trong dòng nước đưa cái dáng nhỏ thiên thần của cô vào bờ nghe âm vang thủy triều rên xiết. Vớt cô một hai lần thành “nghiện vớt”!...
Những ngày nghỉ dạy các cô về hết bỏ lại mình tôi cô đơn quanh vùng nước lũ, nhìn dòng sông, thấy sóng nước lăn tăn hững hờ mà nghe sâu đậm một nỗi niềm, ngây ngô trong lòng mong sao được chìm xuồng để được vớt cô!
***
Chúng mình công tác chung nhau vài ba mùa lũ. Mỗi mùa nước về ngập cả đường đi, lớp học bị nhận chìm, thế mà cô vẫn xăn quần đứng dạy.
Năm 1978 triều cường cao nhất trong vài thập niên, tràn về tàn phá đồng bằng sông Cửu Long trong lúc đất nước chỉ sau vài năm thống nhất, lại gặp phải cảnh chiến tranh phía Bắc, phía Tây Nam, cả vùng làm lúa mùa một vụ, lũ làm nhiều nơi trắng đồng, kéo theo cả nước lâm cảnh thiếu ăn, mình phải ăn cháo, bo-bo độn gạo, khoai luộc, bắp hằm, chuối nấu… cầm hơi. Vậy mà không nghe cô than vãn, vẫn bền gan chiến đấu với một loại kẻ thù hệ quả, tai hại hơn đói nghèo là giặc dốt.
Học trò lóp ngóp, thầy cô ướt át lặn lờ trong lũ, tiếng “ê a” đồng vọng, tiếng “cô ơi mùa lũ” vang vang như “bài ca sư phạm” ngọt ngào…
Lần đó ở Thới An - Ô Môn có một thầy bị chết đuối trên đường đi dạy, mình khóc. Những ngày sau không ai muốn ăn uống, nghe trong lòng có sự tang thương, cần để thời gian mặc niệm, phân ưu cho một đồng nghiệp đã hy sinh “vì nước”!
***
Bây giờ chúng mình đã già, những người già gặp nhau hay khơi dĩ vãng. Có lần gặp lại, cô ngân ngấn nhớ thương một thời, ước ao sao mình trẻ lại một đời để vào những vùng sâu hơn công tác với hy vọng kiếm vài trẻ thơ thất học mang đến trường và lập lại chút hương lòng năm tháng cũ. Tôi mỉm cười bảo cô: “Trẻ em giờ còn ai dốt nữa? - Tìm trẻ dốt như tìm lá mùa thu, không có để đếm một đầu ngón tay!”. Cô chợt nhận ra mình mơ tưởng và cười duyên đáp trả. Tôi nói thêm với cô: “Sự phát triển đến ngỡ ngàng cái nơi chúng mình đến dạy đầu tiên đã như ngàn bông hoa tươi đẹp tặng cô rồi, điều mà cả tuổi xuân chúng ta ấp ủ, bỏ ra, trông chờ đến quên ăn mất ngủ”.
***
Cơn lũ năm nay lại tràn về cận ngày 20/11, triều cường mạnh, nhận chìm một phần thành phố Cần Thơ và nhiều nơi chung quanh. Tôi lại tưởng nhớ đến những mùa lũ năm nào cũng thường xuất hiện gần Ngày Nhà giáo. Trong sâu thẳm, tuổi đời của tôi và cô có lẽ đánh dấu bằng ngày nầy: chúng ta đang 36 tuổi!
Giữa mùa lũ nhớ nhung, tôi xin gởi tâm tư nầy như một bông hoa tinh khôi để cô cài lên mái tóc bạc màu “36 tuổi xuân” như một lời ban thưởng mà xưa chúng ta bận rộn, bộn bề, vô tình bỏ lướt qua nhau…
Tùy bút của Thành Nam