Yếu tố gây tăng nguy cơ cảm lạnh
Mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp cũng là thời điểm cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh về đường hô hấp khác phát triển mạnh. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do một số loài virus khác nhau gây ra.
Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thường xuất hiện từ 1 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau đối với mỗi người.
Các triệu chứng thường gặp nhất, bao gồm: Sổ mũi hoặc nghẹt mũi kèm hắt xì; ớn lạnh, sốt; ho, tức ngực, đau họng, ngứa họng; nhức đầu; cơ thể cảm thấy đau nhức nhẹ.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đau cơ, chảy nước mắt, ăn không ngon, mất vị giác. Cảm lạnh cũng khiến người mắc khó chịu trong người, cảm giác áp lực trong tai, trên mặt và khó thở.
Các triệu chứng này thường kéo dài từ 3 - 7 ngày. Giai đoạn dễ gây lây nhiễm nhất là trong 3 ngày đầu hoặc tuần đầu tiên bị bệnh. Bệnh thường tự khỏi mà không cần sử dụng các thuốc điều trị đặc biệt. Nếu cần điều trị, chủ yếu là tập trung vào các triệu chứng của bệnh.
Tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho người mắc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc xịt giúp thông mũi, thuốc ho. Từ đó, làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Theo PGS Nga, một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị cảm lạnh. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi có nguy cơ bị cảm lạnh cao nhất. Ngoài ra, người mắc bệnh mãn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
“Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị cảm lạnh hơn vào mùa thu và mùa đông, đặc biệt khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Song, tất nhiên, mọi người cũng có thể bị cảm lạnh bất cứ lúc nào”, chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, mọi người cũng có nhiều khả năng bị cảm lạnh và mắc bệnh nặng hơn nếu tiếp xúc với khói thuốc lá. Việc tiếp xúc nhiều người, như ở trường học hoặc trên máy bay, cũng dễ có nguy cơ nhiễm virus gây cảm lạnh.
Ngoài ra, thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột, như đang đi giữa trời nắng nóng hoặc tập luyện vã mồ hôi và tắm nước lạnh ngay, ăn thức ăn lạnh như kem, uống nước đá, nước hoa quả lạnh... cũng có nguy cơ gây cảm lạnh.
Triệu chứng nhẹ hơn cúm
Cảm lạnh và cúm thường có các triệu chứng giống nhau. Do đó, nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai bệnh này. Cảm lạnh gây các triệu chứng nhẹ hơn và ít gây nguy hiểm cho sức khỏe so với cúm. Bệnh cúm mùa (hay còn gọi là cảm cúm) chủ yếu do virus cúm A, B gây ra.
Các chủng virus cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm. Các triệu chứng cúm thường là sốt cao đột ngột, rét run, đau nhức cơ thể, rất mệt mỏi, tức ngực, đau đầu dữ dội. Người bệnh cũng có các triệu chứng hô hấp trên như chảy nước mũi, đau họng, hắt xì ít hơn so với cảm lạnh.
Trong khi đó, tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh thường là các loại virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Triệu chứng của cảm lạnh cũng có mức độ ít nghiêm trọng hơn so với các triệu chứng gây ra bởi cúm. Khi bị cảm lạnh, thân nhiệt của người bệnh thường không tăng nhiều. Người bệnh thường ít có khả năng bị sốt. Nếu có, thường là sốt nhẹ.
“Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ. Trong khi đó, cúm xuất hiện tương đối đột ngột. Cảm lạnh thường ít khi dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như cúm”, PGS Nga cho biết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, người bệnh cần gặp bác sĩ khi cảm lạnh kéo dài với các triệu chứng không đỡ, hoặc xuất hiện triệu chứng bất thường, trầm trọng hơn như đau khi nuốt. Đau họng khi bị cảm lạnh hoặc cúm có thể khiến cơ thể không thoải mái khi nuốt. Tuy nhiên, khi thấy đau nặng hơn, nghĩa là họng bị viêm.
Khi cơn ho không thuyên giảm sau 2 hoặc 3 tuần, người bệnh có thể bị viêm tiểu phế quản và cần thuốc kháng sinh. Viêm xoang cũng có thể khiến người bệnh ho dai dẳng. Bệnh nhân cũng cần gặp bác sĩ nếu tình trạng đau đầu và ngạt mũi không khỏi.
Trong một số trường hợp, cần đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện như: Đau ngực, đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, liên tục nôn. Với trẻ nhỏ, cần lưu ý khi khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, không uống đủ nước, không tương tác bình thường, quấy khóc, khó chịu, các triệu chứng được cải thiện sau đó đột nhiên xấu đi, sốt kèm theo nổi ban.