Tạo môi trường để HS vi phạm có cơ hội sửa sai
Trả lời cho câu hỏi này, ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sứ mệnh của các cơ sở giáo dục có vai trò phát triển toàn diện cho HS, SV.
Giáo dục sẽ tạo ra các thế hệ công dân để phục vụ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để chúng ta soi xét các hiện tượng mang tính chất tâm lý xã hội hoặc hiện tượng xã hội xảy ra trong nhà trường.
Chúng ta cần có nghiên cứu nghiêm túc về quan điểm thượng tôn pháp luật đối với bất cứ thành viên nào trong cộng đồng xã hội. Đó là quan điểm đầu tiên để chúng ta xử lý các vấn đề khác.
Vai trò tạo ra môi trường để học sinh có hành vi vi phạm nhận ra sai lầm và có điều kiện sửa sai, tiến bộ và trở lại môi trường học tập bình thường, đáp ứng yêu cầu giáo dục theo từng cấp bậc học.
Đây là mục tiêu và yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm. Chúng ta phải tìm ra được căn nguyên của hiện tượng có các nhóm học sinh cá biệt gây ra hành vi bạo lực học đường. Quá trình xử lý, phát hiện, hỗ trợ các em vượt qua quá trình này là điều rất quan trọng. Khi đã xảy ra rồi thì chúng ta phải dùng các biện pháp xử lý thấu đáo.
Qua lắng nghe ý kiến của cộng đồng xã hội trong thời gian ngắn vừa qua cũng như kinh nghiệm của các nước, cần phải có quan điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tùy theo mức độ. Cơ quan công an là đơn vị hỗ trợ ngành giáo dục và chính quyền địa phương trong hoàn thiện hồ sơ, đưa ra các mức vi phạm cụ thể theo quy định của pháp luật.
Từ đó ngành giáo dục sẽ tham khảo để có biện pháp kỷ luật. Hình thức kỷ luật nghiêm minh đủ sức răn đe với hành vi vi phạm và các hành động tương tự có thể xảy ra, chúng ta sẽ đáp ứng được mục tiêu hạn chế bạo lực trong và ngoài trường học thời gian tới đây.
Nguyên tắc kỉ luật tích cực
Bên cạnh đó, cần chú trọng nguyên tắc kỷ luật tích cực, liên quan đến vai trò của nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh cũng như cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương.
Đơn cử, trong thời gian bị kỷ luật, học sinh phải tham gia các hoạt động mang tính chất bắt buộc để thấy rằng sai sót của mình cần phải sửa chữa như thế nào và hướng khắc phục ra sao. Trong quá trình ấy, học sinh vẫn có sự chăm sóc của gia đình và sự giáo dục của thầy cô giáo.
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức Đội, Đoàn trên địa bàn để hỗ trợ trong quá trình các em học sinh đang trong thời gian bị kỷ luật theo quy định.
Nếu nhóm học sinh hay một học sinh có đặc trưng rõ nét về bạo lực, vi phạm nhiều lần, ngày càng trầm trọng, chúng tôi tán thành việc phải có biện pháp mạnh phối hợp với cơ quan công an và gia đình để cách ly hoặc có biện pháp giáo dục mạnh hơn nhằm để không bị ảnh hưởng từ một cá thể sang cộng đồng chung trong môi trường giáo dục. Từ đó sẽ hạn chế được những hành vi bột phát xảy ra bất cứ lúc nào.
Hướng đến việc giáo dục và phát triển nhân cách
Đồng tình với ý kiến của ông Bùi Văn Linh, chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hình phạt ở trong nhà trường với các em trong độ tuổi đang đi học, cụ thể là các em vị thành niên cần phải nghiêm khắc, nhưng cần hướng đến việc giáo dục và phát triển nhân cách cho các em, vì chính sách pháp luật của chúng ta bao giờ cũng khoan hồng với những trẻ vị thành niên.
Câu hỏi đặt ra là có nên tách rời những em có xu hướng bạo lực ra khỏi môi trường giáo dục bình thường hay không thì phụ thuộc vào giải pháp, biện pháp khi chúng ta tách các em ra thì mục tiêu là gì.
Mục tiêu là chúng ta phải bảo vệ được môi trường an toàn trường học cho số đông chứ không phải cho một học sinh. Chúng ta tách những em có xu hướng bạo lực nếu các biện pháp khác không đảm bảo được rằng hành vi bạo lực tiếp tục tái diễn và có thể gây hại cho học sinh khác trong nhà trường.
Nếu có các biện pháp, quy trình để theo dõi, có ký cam kết hành vi hoặc hệ thống nhận diện xem học sinh đó xuất hiện ở địa điểm nào thì không nhất thiết phải tách. Nhưng học sinh phải nhận ra hành vi đó là không được phép và em phải chịu những hậu quả khi thực hiện hành vi đó.
Thông qua những hoạt động như lao động công ích là để cho các em hình thành nên những giá trị, phẩm chất khác. Tùy mức độ hành vi và mức độ tái phạm chúng ta sẽ có hình thức kỷ luật nặng hơn.
Nhưng mục tiêu kỷ luật là giúp giáo dục các em có thể tiếp tục phát triển như một công dân bình thường chứ không phải tách là loại các em sang bên lề.