Mạng xã hội là nguyên nhân bùng nổ BLHĐ
Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ra BLHĐ bùng phát trong thời gian vừa qua là do tác động xấu của mạng xã hội.
Với sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như yếu kém trong việc thẩm định các thông tin nên nhiều người sẵn sàng đưa những thông tin, những clip có nội dung bạo lực, nội dung xấu lên MXH. Từ đó, cộng đồng XH và người dân biết nhiều đến các vụ BLHĐ và các vụ vi phạm pháp luật, các vụ đánh nhau.
Thời gian vừa qua, môi trường internet và MXH bùng nổ. Các tác động tiêu cực từ MXH các nội dung mang tính chất bạo lực, kích động bạo lực, thông tin xấu độc, bôi nhọ, thông tin không kiểm chứng tồn tại rất nhiều.
Có việc tiêu cực ngoài xã hội mà vai trò nêu gương của người lớn chưa được làm tốt. Bên cạnh đấy việc quan tâm của cha mẹ HS, của các gia đình đối với quá trình GD, quản lí, lắng nghe, chia sẻ tâm tư của các con không tốt.
Chính vì vậy, những mâu thuẫn, khó khăn của HS trong quá trình học tập rèn luyện không có cơ chế để tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ các em vượt qua. Từ các khó khăn đó dẫn đến các mâu thuẫn tồn tại ngày một lớn dần và bùng nổ thành BLHĐ cùng các hành vi vi phạm pháp luật khác.
BLHĐ đang diễn biến phức tạp, không chỉ ở VN mà còn ở cả nhiều nước trên thế giới. Ví dụ ở Hàn Quốc đã có thời điểm phải bố trí cảnh sát ứng trực 24/24h tại các cơ sở GD. Những giải pháp mạnh mẽ của các nước đã trải qua thời kì rất khó khăn trong phòng chống BLHĐ thì đã có những kết quả tốt.
Yếu tố để nảy sinh các tình huống BLHĐ là việc giới trẻ quá dễ dàng tung các video clip đánh nhau, bạo lực lên MXH. Hiện nay, giới trẻ tham gia MXH, khai thác internet rất đông, trong đó có HSSV. Do điều kiện kinh tế các gia đình khấm khá nên phụ huynh đã sớm trang bị cho con mình smartphone và các thiết bị cầm tay hiện đại có giao tiếp trực tiếp với MXH.
Hoàn thiện hành lang pháp lý để phòng chống BLHĐ
Ông Bùi Văn Linh cho biết: Với chức năng quản lí nhà nước về GD-ĐT, trong thời gian vừa qua Bộ GD&ĐT đã rất tích cực tham mưu cho Chính phủ, các cấp cũng như ban hành theo thẩm quyền những văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó hoàn thiện hành lang pháp lí trong nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Sau đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33 năm 2018 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành hơn 10 thông tư liên quan quy định các chuẩn của GV từ mầm non đến THPT, chuẩn của hiệu trưởng các cơ sở GD tương ứng, các chỉ thị về nâng cao đạo đức nhà giáo, rồi các văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nâng cao các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trường học cũng như các biện pháp giáo dục toàn diện cho HS.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để triển khai nhiệm vụ GD-ĐT do Chính phủ giao.
Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã có thông tư liên tịch 06 hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong triển khai Đề án GD phổ biến pháp luật trong HSSV. Nhiều chương trình phối hợp giữa ngành GD và ngành tư pháp được triển khai rất hiệu quả.
Bên cạnh đó phải kể đến chương trình phối hợp hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT với Trung ương Đoàn TNCS HCM. Hiện nay ngành GD và Đoàn TNCSHCM đã triển khai chương trình cụ thể hàng năm trong mục tiêu chính trị tư tưởng đạo đức lối sống và lí tưởng cách mạng cho HSSV.