Chỉ tính riêng những người đỗ trung khoa, Kẻ Ngái xưa đã có đến 53 người – chiếm một nửa số người đỗ đạt của huyện Thạch Thất.
Sự học và khoa bảng Kẻ Ngái đã thành huyền thoại và ngày nay vẫn còn đó những văn bia tường minh cho một thời lều chõng khoa danh.
Từ ngôi quán xây trên gò cây bút
Theo thần phả làng Hương Ngải, tên nôm của làng là Kẻ Ngái, vốn là vùng đầm lầy xen gò đồi có nhiều cây ngái mọc quanh làng, mùa hoa nở hương thơm ngát. Về sau người dân đã khai khẩn tạo nên vùng đất trù phú, cái tên Hương Ngải là do đọc chếch chữ Ngái mà thành.
Trước Cách mạng tháng Tám năm1945, Hương Ngải thuộc tổng Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, gồm hai thôn Ngái trên và Ngái dưới. Ngái trên gồm Nậu Thượng, Nậu Trung, Nậu Hạ và Ngái dưới là Nậu Tư. Từ xa xưa, dân gian đã truyền tụng Hương Ngải là đất “Văn đăng khoa đệ/ Võ đổng binh nhung” (nghĩa là Văn thi đỗ hàng khoa bảng, võ khoác nhung y).
Hương ước làng Hương Ngải quy định trong các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình, mỗi lần sĩ tử đi thi thì dân làng đều tổ chức đưa tiễn và nghinh đón tân khoa nếu ghi danh trên bảng vàng.
Địa điểm đưa tiễn và nghinh đón tại quán Nghinh Hương. Bởi vậy tại quán Nghinh Hương có thơ rằng: Hương Ngải có quán Bảy Cây/Có gò Nhất Tự đời đời mở mang/Muốn cho học giỏi quan sang/Thì năng bồi đắp Bờ Ngang cho đầy.
Theo các cao niên, quán Nghinh Hương được xây dựng từ lâu đời trên gò đất hình cây bút, bên phải là giếng cổ mà tương truyền là huyệt mắt rồng, nước mát không bao giờ vơi.
Theo người làng, ngày xưa các cụ vận dụng thuyết phong thủy để xây dựng ngôi quán này theo kiểu thức “nhất biến tam, tam biến cửu”, tức nhìn bên ngoài, ngôi quán chỉ có một gian, vào bên trong lại biến hóa thành ba gian, rồi từ ba gian lại thành chín gian nhỏ.
Đặc biệt, quán Nghinh Hương được xây tại một vị trí đắc địa theo hệ tinh đồ. Theo “Tinh tọa đồ”, trong vũ trụ có vô số ngôi sao, chòm sao nhưng Bắc đẩu (Thất tinh) là chòm sao chủ sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương. Người xưa đã trồng quanh ngôi quán bảy linh thụ (bốn trước ba sau) tượng trưng cho Thất tinh. Và trong ý đồ kiến trúc, thì trung tâm của quán Nghinh Hương được đặt trên chòm sao ấy.
Không chỉ có vậy, gắn với thế đất của làng thì ngôi quán đã hội đủ “nhị thập bát tú” chầu về, gồm: Phía Đông là gò Cửa Hương tượng trưng cho chòm Thanh Long; phía Tây là gò Đồng Lọc tượng cho chòm Bạch Hổ; phía Nam (Minh đường) là gò Đồng Phần tượng cho chòm Chu Tước; phía Bắc (Hậu Chẩm) là gò Đồng Chớp tượng cho chòm Huyền Vũ.
Người nay cho rằng, người dân Kẻ Ngái xưa đã gửi gắm vào đây quán Nghinh Hương triết lý sâu xa của sự vận hành vũ trụ, âm và dương, cũng là nơi khơi thông và hội tụ năng lượng của trời đất. Vì vậy, quán Nghinh Hương không chỉ là nơi đưa tiễn - đón rước sĩ tử, mà còn là biểu tượng văn hóa và trí tuệ của Kẻ Ngái xưa.
Sắc phong của vua Minh Mệnh phong cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Huân. |
Đến những nhà khoa bảng lừng danh
Bia Hương Hiền dựng tại Văn chỉ làng Hương Ngải năm 1857 và 20 bản gia phả, tộc phả các dòng họ đều ghi lại rằng, thời phong kiến làng có 6 vị đỗ đại khoa, trong đó 2 vị đỗ Thái học sinh dưới triều Lý đều họ Liêu là Liêu Hữu Chương và Liêu Tiến Quang; 4 vị đỗ Tiến sĩ là Đỗ Hịch, Phí Thạc, Đỗ Thê và Nguyễn Đăng Huân. Ngoài ra còn có 53 vị đỗ trung khoa, chiếm gần một nửa tổng số người đỗ đạt của huyện Thạch Thất.
Trong số các vị đại khoa ở Hương Ngải, nổi tiếng nhất là Nguyễn Đăng Huân. Ông sinh năm 1805 trong một gia đình nhà Nho. Giai thoại kể rằng, 8 tuổi Nguyễn Đăng Huân đã ứng đối rất giỏi.
Một hôm, có vị quan họ Bùi ở Thịnh Liệt đến chơi, quan ra vế đối: “Nhị nhân cư đồng hương, hà địa bất sinh tài, hà tài bất tư thế” (Hai người ở cùng một làng, đất nào chẳng sinh người tài, người tài nào mà chẳng giúp đời).
Nguyễn Đăng Huân ứng khẩu: “Nhất cử đăng khoa đệ, tự hương dĩ cập hội, tự hội dĩ chí đình (Một lần thi đỗ, từ thi Hương rồi thi Hội, thi Hội đến thi Đình). Có lần ông đi ăn giỗ nhà ông ngoại, người cậu ra câu đối: Thịt mỡ dưa hành đi miếng một. Ông liền ứng khẩu đối lại: Lọng vàng quân kiệu kéo hàng đôi.
Nguyễn Đăng Huân đỗ Cử nhân năm 1828 tại trường thi Bắc Thành. Kỳ thi này, lấy đỗ 20 người, Nguyễn Đăng Huân đỗ thứ hai. Năm sau, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10.
Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm Hàn lâm viện biên tu, sau đó làm Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 5 năm sau, ông được điều về Huế, thăng chức Lang trung bộ Lễ. Một thời gian sau, ông lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 34. Sự ra đi của ông khiến vua Minh Mệnh vô cùng thương tiếc, cấp cho 100 quan tiền dùng cho việc tang, chở thuyền đưa thi hài về quê.
Vua cũng chu cấp thêm cho vợ con của Nguyễn Đăng Huân 100 quan tiền, thưởng thêm 100 quan cho thân mẫu của ông. Vua còn lệnh các nơi khi đưa thi hài đi qua hay dừng nghỉ, đều phải đón tiếp chu đáo. Vì vậy nên dân gian truyền rằng Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân hai lần được vinh quy bái tổ.
Hội làng Hương Ngải. |
Ghi danh bảng vàng để được Nghinh Hương
Ở Hương Ngải, truyền thống khoa bảng cũng theo mạch dòng họ như hầu hết các làng khác. Họ Đỗ ở Hương Ngải có đến 8 đời nối tiếp nhau đỗ đạt, họ Vương cũng trải mấy đời liền đỗ trung khoa.
Điều đặc biệt, các nhà khoa bảng của Hương Ngải đều đỗ đạt khi còn rất trẻ: Đỗ Hịch đỗ Tiến sĩ năm 22 tuổi. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493), niên hiệu Hồng Đức 24 đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan qua các chức Tổng binh, Đồng tri, rồi Thượng thư. Khi làm quan, Đỗ Hịch có nhiều công lao giúp nước nên được vua Lê tặng bốn chữ “Oanh liệt tướng quân”.
Phí Thạc đỗ đại khoa năm 22 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu (1529), niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Phúc thủy hầu.
Đỗ Thê đỗ Tiến sĩ năm 23 tuổi, ông là cháu bảy đời của Tiến sĩ Đỗ Hịch. Đỗ Thê, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa thứ sáu đời vua Lê Hi Tông. Ông từng đi sứ nhà Thanh, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Khi mất, được tặng Hộ khoa Đô cấp sự trung.
Ngoài ra, còn Nguyễn Tiến Thiện đỗ Giải nguyên năm 19 tuổi, Nguyễn Tiến Bảng đỗ Hương cống năm 21 tuổi, Hoàng Quý đỗ Hương cống năm 21 tuổi, Vũ Đăng Giai đỗ Hương cống năm 19 tuổi, Giang Bảo đỗ Hương cống năm 19 tuổi, Cấn Toản đỗ cử nhân năm 21 tuổi…
Hương Ngải cũng là quê hương của cụ Cấn Kỳ - một người nổi tiếng hay chữ được dân trong vùng suy tôn là “Sơn Tây tứ kiệt” - 4 người hay chữ nhất Sơn Tây “nhất Kỳ, nhì Kiên, tam Hải, tứ Huyền”. Cụ Cấn Kỳ đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1848).
Hương Ngải là quê hương của danh y nổi tiếng Nguyễn Thúc Tôn – người đã chữa bệnh cho vua Lê Hiển Tông và được mệnh danh là “Lương y phó chức”, được phong tước. Thời cận đại, vùng đất này xuất hiện nhà văn - lương y Nguyễn Tử Siêu – người để lại cho đời 34 cuốn sách chuyên khảo về lịch sử, văn học, 43 cuốn sách y học.
Các nguồn tư liệu từ thần phả và gia phả tại Hương Ngải cho biết, trước đây lễ đưa tiễn sĩ tử đi thi diễn ra tại quán Nghinh Hương vô cùng trang trọng và chủ yếu do Hội Tư văn đảm trách. Bất kể người trong làng khi dự cuộc thi lớn nhỏ nào, các vị trong Hội Tư văn sẽ đứng ra gặp gỡ, dặn dò, truyền đạt kinh nghiệm động viên.
Tại ngôi quán Nghinh Hương, sĩ tử sẽ thành tâm cẩn lễ trước khi từ biệt quê hương lai kinh ứng thí – đó có thể cũng là giây phút hưởng lĩnh nguồn năng lượng từ phong thủy hội tụ từ ngôi quán này. Khi có người đỗ đạt về quê vinh quy bái tổ, làng sẽ có danh sách trước để chuẩn bị đón rước tân khoa.
Tân khoa trở về đến đầu làng đều phải xuống ngựa, xuống cáng để đi bộ đến quán Nghinh Hương. Đầu tiên vị tân khoa đó sẽ làm lễ tạ dân làng tại Quán Nghinh, sau đó mới thực hiện lễ trình thần.
Mỗi lần lễ Nghinh Hương diễn ra, sự tự hào được dâng trào không chỉ riêng gia đình người đỗ đạt mà còn cả dân làng. Đó cũng là động lực không nhỏ để người người, nhà nhà ở Hương Ngải ra sức sôi kinh nấu sử để đến một ngày bảng vàng yết cáo, Nghinh Hương lễ tạ, rạng rỡ tổ tông.
Quán Nghinh Hương của làng Hương Ngải. |
Quán Nghinh Hương là nơi người dân Hương Ngải tổ chức lễ rước Tam vị thành hoàng họ Chu từ trang Thúy Lai hoàn cung trong những kỳ hội làng. Đồng thời, cũng là không gian diễn ra nghi thức Lễ nghinh hương - nghi thức độc đáo và mang đầy ý nghĩa giáo dục ở một làng khoa bảng. Trong câu đối tại quán Nghinh Hương còn viết: Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi/ Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ.